Trên gỡ dưới siết tín dụng

21/07/2023 06:30 GMT+7

Sau yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, Chủ trì phiên họp thứ 5 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 19.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các cơ quan không ban hành thêm văn bản gây cản trở, làm tăng chi phí và có thể phát sinh tiêu cực.

Trái với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các nút thắt vốn, pháp lý, thủ tục hành chính, một số cơ quan có thẩm quyền lại đặt ra các quy định siết lại khiến cho các giải pháp không hiệu quả. Ở thời điểm này, người dân, doanh nghiệp (DN) đang lo ngay ngáy nếu Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, nút thắt vốn - vốn đã chặt - lại bị siết mạnh hơn.

Trên gỡ dưới siết tín dụng  - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước siết chặt hoạt động cho vay khi đưa ra nhiều quy định cấm

Nhật Thịnh

Thông tư 06 có thể khiến DOANH NGHIỆP ngưng hoạt động, phá sản

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho vay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều đó không có nghĩa những gì phát sinh trong thực tế đều đưa vào mục "cấm". Thông tư 06 của NHNN mới ban hành có thể lý giải những điều cấm của mình. Thế nhưng theo Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cho vay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì khi thấy những nguy cơ rủi ro, vốn ảo… trong hoạt động cho vay, tốt nhất nên đưa ra các điều kiện như thế nào để quản lý, thay vì phải cấm. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực rủi ro, chỉ cần tăng hệ số rủi ro lên thì các NH sẽ cân nhắc việc cho vay đối với lĩnh vực đó.

Do Thông tư 06 ban hành vào tháng 6, trước những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ, nên NHNN cần xem xét "rà soát hệ thống văn bản pháp luật, xác định vướng mắc cần giải quyết", hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng NH cho phù hợp tình hình thực tế.

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

"Còn ở đây không quản được thì cấm như gửi tiền, mua vàng, góp vốn… thì có gì đó không được ổn, vì ngoài những biến tướng, thực tế có những nhu cầu chính đáng cần giải quyết. Không thể "một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc", luật sư Trương Thanh Đức nói thẳng và dẫn chứng, chúng ta cũng cấm khá nhiều nhưng thực tế thì sẽ có biến tướng. Chẳng hạn, trước đây quy định NH cấm cho các thành viên, người trong NH vay vốn của chính nhà băng đó, dẫn đến những người này phải mở thẻ tín dụng để sử dụng tiền vay từ NH. Hay như hình thức đảo nợ, ở nước ngoài cho nhưng phải công khai, khoản vay có tài sản thế chấp; còn ở VN thì cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra. Thế nên thay vì vậy, NH chấp nhận nó và quản lý một cách rõ ràng, minh bạch cho đỡ phát sinh những vấn đề tiêu cực.

"Trong những quy định mới cấm bổ sung của Thông tư 06, có những quy định gây ảnh hưởng lớn lên thị trường, chẳng hạn như DN, cá nhân liên quan đến hoạt động "góp vốn" bất động sản (BĐS) thì cần có lộ trình áp dụng, chuyển tiếp sao cho phù hợp. Trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần có những đánh giá tác động từ những quy định cấm này để có thể phù hợp hơn với tình hình thực tiễn", luật sư Đức đề nghị.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng việc bổ sung một số trường hợp không được cho vay của NHNN là can thiệp quá sâu vào hoạt động của các nhà băng. Hơn nữa, quy định trên sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thị trường nhà ở quốc gia, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn các DN đều đang hết sức khó khăn, không thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu và chỉ còn NH là kênh dẫn vốn gần như duy nhất cho DN, nền kinh tế thì không nên đưa ra những quy định mang tính siết chặt như Thông tư 06.

"Chính sách tiền tệ tác động rất mạnh đến thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thông tư 06 nếu đưa vào thực hiện từ đầu tháng 9 là quá gấp cũng khiến DN trở tay không kịp, nguy cơ ngưng hoạt động, phá sản. Hiện nay nên thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn là thắt chặt, vì điều đó sẽ khiến kinh tế khó hồi phục", TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Tạt gáo nước lạnh vào thị trường

Gần 1 năm nay, Chính phủ đã lập nhiều tổ, nhóm; đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhưng đến thời điểm hiện tại, những nút thắt pháp lý, vốn, thủ tục vẫn chưa có nhiều tiến triển. Thị trường BĐS vẫn chìm trong mất thanh khoản.

TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng NHNN quy định không cho vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh là chặn đứng người mua BĐS hình thành trong tương lai. Bởi từ trước đến nay, các chủ đầu tư chỉ cần hoàn thành phần móng của tòa nhà sau khi được phê duyệt là được phép bán cho khách hàng để huy động thêm vốn nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án. 

Tất cả thỏa thuận mua bán lúc này đều theo hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và NH đều cho vay để khách hàng có thể mua được nhà. Nếu Thông tư 06 có hiệu lực, chủ đầu tư không thể huy động vốn từ người mua, đồng nghĩa với việc phải tự bỏ vốn ra để hoàn thành dự án và sau đó mới bán được hàng. Điều này sẽ đẩy giá BĐS tăng cao do toàn bộ chi phí từ số vốn quá lớn mà chủ đầu tư bỏ ra sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Hơn nữa, nguồn cung căn hộ sẽ bị sụt giảm mạnh vì rất khó có chủ đầu tư nào đủ nguồn vốn để hoàn thiện xong dự án.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các cơ quan không ban hành thêm các văn bản gây cản trở, làm tăng chi phí; cũng như ban hành hàng loạt chỉ đạo để tăng cường hỗ trợ vướng mắc về tiếp cận tín dụng cho DN. Thế nhưng Thông tư 06 lại ra đời khiến DN, người dân càng khó tiếp cận nguồn vốn. Cứ "trên nói mà dưới không làm hay làm ngược lại" thì các giải pháp đều không có hiệu quả.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh: Theo nghiên cứu của Hiệp hội BĐS VN, ngành này đóng góp trực tiếp khoảng 15% vào tỷ trọng GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa tới gần 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như xây dựng, NH - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp… Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường BĐS rơi vào khó khăn đã tác động khá lớn đến tăng trưởng chung của kinh tế. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều động thái để tháo gỡ khó khăn nhằm vực dậy thị trường BĐS, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng văn bản mới của NHNN lúc này đã "tạt gáo nước lạnh" vào thị trường và sẽ khiến kinh tế càng khó khăn. Thông tư 06 sẽ khiến cho dòng vốn vào nền kinh tế càng bị ách tắc vì sẽ ít đối tượng hơn được tiếp cận nguồn vốn từ NH.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kỳ vọng Thông tư 06 sẽ được sửa trước khi có hiệu lực từ ngày 1.9 để đúng tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo. Theo ông Châu, gần đây Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo về nới lỏng tín dụng, thế nhưng với những quy định "cấm" của Thông tư 06 thì DN khó có thể tiếp cận được tín dụng. Đồng thời, những quy định trong Thông tư mâu thuẫn với những quy định khác nên cần phải sửa đổi cho phù hợp.

"Do Thông tư 06 ban hành vào tháng 6, trước những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ, nên NHNN cần xem xét "rà soát hệ thống văn bản pháp luật, xác định vướng mắc cần giải quyết", hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng NH cho phù hợp tình hình thực tế. Chứ không trên bảo nới tín dụng mà quy định của bên dưới lại gây khó khăn, DN không tiếp cận được vốn thì thị trường khó phục hồi, thậm chí hàng loạt DN đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, phá sản. Thủ tướng có yêu cầu NHNN đối thoại với các hiệp hội, DN về vướng mắc tiếp cận tín dụng, nên nếu được Hiệp hội cũng mong muốn được đối thoại với NHNN về Thông tư 06 trong thời gian tới để gỡ vướng cho dòng tín dụng", ông Châu nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.