Trẻ nhiễm sán lợn, Bộ GD-ĐT yêu cầu kiểm soát chặt bữa ăn học đường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/03/2019 12:41 GMT+7

Hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn , ngày 19.3, GD-ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị tăng cường chỉ đạo bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Không nhắc trực tiếp tới vụ việc hàng trăm trẻ mầm non ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn, Văn bản của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký, nêu thực trạng thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo sở giáo dục - đào tạo phối hợp với sở y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tố chức các hoạt động vệ sinh môi trường…)
Ngoài nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phù họp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh, công văn của Bộ này cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm…
Như Thanh Niên đã thông tin, việc hàng trăm trẻ mầm non ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn đã khiến phụ huynh trên cả nước rất lo lắng về an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú của con em mình.
Chiều 18.3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã có cuộc họp với lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng, chuyên môn xung quanh việc hàng trăm trẻ mầm non nhiễm sán lợn. Ông Chiến cho rằng, 186/1.557 trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh được xét nghiệm tại Hà Nội vừa qua chiếm tỷ lệ hơn 11%, tỷ lệ này nằm trong mức dao động chung của người dân Việt Nam là từ 10 - 12%, và kêu gọi tuyên truyền để người dân không hoang mang.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết trong ngày 18.3, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm khoảng 300 trẻ được các gia đình đưa đến xét nghiệm sán lợn. Tính đến cuối 18.3, đã có hơn 2.000 trẻ ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh) được cha mẹ đưa đi xét nghiệm sán lợn tại bệnh viện này và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Hà Nội), trong đó ghi nhận hơn 200 ca dương tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.