Trẻ bị tiểu dầm, khi nào cần điều trị?

Liên Châu
Liên Châu
19/12/2022 09:52 GMT+7

Khoảng 3% trẻ tiểu dầm có thể do một số bệnh lý, nhiều trẻ tiểu dầm có di truyền từ bố mẹ. Nên đưa trẻ khám, điều trị khi tiểu dầm kéo dài, thường xuyên.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, tiểu dầm là bệnh tiểu tiện không tự chủ, hay gặp ở trẻ em 5 - 6 tuổi, xảy ra thường xuyên vào ban đêm hoặc lúc ngủ trưa.

Trước băn khoăn của các cha mẹ “tiểu dầm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ”, chuyên gia về thận - tiết niệu của Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ nếu trẻ bị tiểu dầm đơn thuần thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển.

Đồng hồ có điểm tiếp nhận độ ẩm sẽ báo thức ngay khi trẻ tiểu dầm 1 - 2 giọt đầu tiên

BỆNH VIỆN NHI T.ư

Tuy nhiên, khi tình trạng tiểu dầm xảy ra quá thường xuyên và kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Bản thân trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, ngại tham gia các hoạt động cộng đồng, dễ mặc cảm vì mình đã lớn mà phải đeo bỉm giống như em bé. Các bố mẹ cũng mệt mỏi làm không khí gia đình căng thẳng.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, gia đình cần đưa trẻ đi khám về bệnh tiểu dầm trong các trường hợp như: tiểu dầm kéo dài trên 5 tuổi, tiểu dầm thường xuyên cả ban ngày và ban đêm; tiểu dầm không liên tục từ bé, lúc bị lúc không. Ngoài ra, nếu trẻ tiểu dầm kèm theo sụt cân hoặc khát nước; bị rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ… cũng cần được cha mẹ cho đi khám.

6 nguyên nhân gây tiểu dầm ở trẻ em

Di truyền: nếu bố mẹ trẻ tiểu dầm từ nhỏ thì trẻ rơi vào tình trạng tương tự chiếm hơn 70%.

Dung tích bàng quang nhỏ: ở lứa tuổi nhỏ thì bàng quang của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, do vậy khả năng giữ nước tiểu kém.

Tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm: do cơ thể trẻ không sản xuất đủ hormone vasoppessin. Đây là hormone được não sản xuất vào ban đêm để giảm chức năng bài tiết ở thận, tăng tái hấp thu nước vào máu. Nếu cơ thể trẻ có đủ lượng hormone này thì trẻ sẽ ngủ đến sáng mà không cần thức dậy đi tiểu.

Trẻ không thể thức giấc để đi tiểu: trẻ ngủ quá say, không nhận biết được tín hiệu của não nên không kiểm soát được bàng quang.

Táo bón cũng làm cho trẻ rất dễ bị tiểu dầm.

Do bệnh lý: khoảng 3% trẻ tiểu dầm ban ngày hoặc ban đêm có thể do một số các bệnh lý: nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường, rối loạn thần kinh…

Các gia đình đưa con đến cơ sở y tế tin cậy để được khám và tư vấn, điều trị phù hợp. Tránh hoang mang và dùng các biện pháp không có cơ sở khoa học để điều trị sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

(Bệnh viện Nhi T.Ư)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.