Traphaco tự tin mang thuốc nội đến tay người dân

10/07/2014 10:00 GMT+7

Sau nhiều năm lăn lộn với cây thuốc, Công ty CP Traphaco (Traphaco) vừa chính thức được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế tiếp nhận bản công bố dược liệu sản xuất theo GACP-WHO.

Sau nhiều năm lăn lộn với cây thuốc, Công ty CP Traphaco (Traphaco) vừa chính thức được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế tiếp nhận bản công bố dược liệu sản xuất theo GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho 04 cây thuốc Đinh lăng, Actiso, Bìm bìm và Rau đắng đất. Nhân dịp này,  PV đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc công ty.

Traphaco tự tin mang mang thuốc nội đến tay người dân 
Tổng Giám đốc Trần Túc Mã

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc trồng trọt và thu hái dược liệu theo GACP-WHO đối với người tiêu dùng?

Bản công bố này đã khẳng định cam kết đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm của Traphaco, tuân thủ các quy định nêu trong Thông tư số 14/2009/TT-BYT ngày 3/9/2009 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Với các khách hàng Traphaco, trước đây đã an tâm với các sản phẩm thuốc được sản xuất từ nguồn dược liệu sạch thì nay càng an tâm hơn với chất lượng sản phẩm thuốc được sản xuất từ nguồn dược liệu theo GACP-WHO. Cụ thể, sản phẩm thuốc được quản lý chặt chẽ từ khâu đầu vào cho đến khâu sản xuất, trên  dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, được giám sát và kiểm tra chất lượng trong từng công đoạn sản xuất, đảm bảo cho tất cả các sản phẩm trong 1 lô sản xuất có chất lượng đồng bộ như nhau và được kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng tại phòng kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn GLP. Bên cạnh đó, sản phẩm được lưu trữ, bảo quản trong hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GSP. Đó cũng là lý do mà sản phẩm Traphaco luôn đạt chất lượng cao, uy tín, không những người dân tin dùng mà các bác sĩ cũng ưu tiên lựa chọn khi kê đơn cho bệnh nhân.

Mới đây nhất, 5 sản phẩm của Traphaco là thuốc bổ thần kinh Hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ gan Boganic, thuốc dạ dày Ampelop và thuốc xương khớp Didicera, Dưỡng cốt hoàn đã đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” của Bộ Y tế. Đây đều là các sản phẩm từ dược liệu, được đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất một cách toàn diện, là kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ và bài bản. Đặc biệt là dòng sản phẩm thuốc bổ thần kinh Hoạt huyết dưỡng não và thuốc bổ gan Boganic được sản xuất từ nguồn dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO.

Traphaco tự tin mang mang thuốc nội đến tay người dân 2 
4 dược liệu của Traphaco gồm Đinh lăng, Bìm bìm biếc, Actiso, Rau đắng đất được công nhận đạt chuẩn GACP-WHO

Việc trồng dược liệu theo GACP-WHO còn mang ý nghĩa lớn lao đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam của Bộ Y tế, thưa ông?

Traphaco có thể xem là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam do Bộ Y tế phát động. Sản phẩm của chúng tôi đến 91% là sản lượng dược liệu trong nước, dược liệu lại được quản lý chặt chẽ từ khâu đầu vào.

Mười mấy năm qua, hai dòng sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não và Boganic luôn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn của Traphaco chính là bằng chứng về việc sản phẩm thuốc nội có được chỗ đứng trên thị trường. Đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm thuốc chính là cách thiết thực nhất chúng tôi mang thuốc nội đến tay người dân.

Tuy nhiên, có thuốc tốt cũng phải cần làm tốt công tác truyền thông. Tại Traphaco, việc truyền thông thương hiệu công ty cũng như sản phẩm đến công chúng gồm người tiêu dùng trực tiếp, dược sỹ - nhân viên bán hàng tại nhà thuốc, bác sỹ tại bệnh viện được thực hiện thông qua các hội thảo và hội nghị tư vấn chăm sóc sức khỏe. Như năm 2013, Traphaco đã tổ chức 347 hội nghị, hội thảo như vậy.

Bên cạnh việc trồng dược liệu theo GACP-WHO, Traphaco còn tài trợ cho chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, góp phần tuyên truyền quảng bá cho ngành Dược Việt Nam

Chứng chỉ GACP-WHO là sự ghi nhận của cơ quan quản lý Nhà nước với những nỗ lực của Traphaco trong việc phát triển bền vững nguồn dược liệu Việt Nam và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng, hiệu quả của thuốc từ dược liệu.

Là doanh nghiệp lớn tiên phong trong việc trồng cây thuốc theo GACP-WHO, đâu là lý do Traphaco quyết liệt thực hiện điều này thưa ông?

Một viên thuốc có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả nhất thiết phải quản lý và kiểm soát được chất lượng nguồn dược liệu đầu vào và quá trình sản xuất. Traphaco đã có nhà máy đông dược đầu tiên đạt tiêu chuẩn GMP – WHO rồi, do vậy chúng tôi cũng phải chuẩn hóa được nguyên liệu đầu vào, đó phải là dược liệu sạch, đạt hàm lượng hoạt chất sinh học.

Traphaco là doanh nghiệp sử dụng nhiều dược liệu nhất trong cả nước, chiếm 17% khối lượng dược liệu phục vụ công nghiệp Dược. Nếu tính 30 loại dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn nhất để sản xuất thuốc trong nước năm 2011 thì đã có tới 19 dược liệu công ty sử dụng chiếm tỷ lệ  từ 7 - 67%. Nói như vậy để thấy được nhu cầu sử dụng dược liệu tại Traphaco là rất lớn. Do vậy, chúng tôi phải có vùng trồng nhằm cung cấp dược liệu ổn định về số lượng và chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trước xu thế hội nhập kinh tế khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp Dược của nước ngoài sẽ đưa sản phẩm của họ vào Việt Nam, và ngược lại, chúng ta cũng cần đưa dược liệu và thuốc từ dược liệu của Việt Nam ra thế giới. Để cho thuốc của ta giữ được thương hiệu và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài (thậm chí ngay trên thị trường trong nước) thì quá trình trồng trọt, thu hái nguyên liệu làm thuốc không thể coi nhẹ việc tiêu chuẩn hóa. Điều này có nghĩa là phải tạo ra nguồn dược liệu sạch, an toàn, có hàm lượng hoạt chất cao theo GACP-WHO. Nói tóm lại, việc thực hiện quản lý chất lượng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO không chỉ là một yêu cầu tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn thực hiện y đức của người làm thuốc phục vụ tốt sức khỏe cộng đồng.

Vậy những khó khăn của người đi đầu là gì, thưa ông?

Mặc dù WHO đã có tài liệu hướng dẫn về GACP nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có một tài liệu hướng dẫn cụ thể nào cho riêng Việt Nam. Do đó, chúng tôi vừa làm vừa học hỏi và tự tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đơn vị tư vấn ngoài ngành và các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, người nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm trồng dược liệu, đặc biệt là ở quy mô lớn. Việc tuân thủ GACP-WHO đòi hỏi họ phải tạo thói quen kiểm soát, ghi chép hồ sơ cũng không phải là đơn giản. Việc triển khai GACP-WHO tại một số vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ của người dân còn thấp nên cũng là cả thách thức lớn đối với đội ngũ làm GACP-WHO.

Lam Anh
THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.