Trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: Giám định ADN với những giọt nước mắt

25/10/2017 13:31 GMT+7

Rất nhiều người ở Hà Nội sau khi biết câu chuyện người mẹ bị trao nhầm con 42 năm tự nguyện đến nhà bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, phố Quán Thánh, xin phép được giám định ADN.

Trong số đó là một câu chuyện cảm động. Gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho hay, đến nay vẫn còn giữ liên lạc và tình cảm thân thiết với một gia đình ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sau khi câu chuyện nhầm con được báo chí lan tỏa, gia đình kia đã tìm đến nhà bà Hạnh để hỏi thông tin, cũng như bày tỏ mong muốn được giám định ADN, biết đâu, con gái họ thực chất là con gái ruột của bà Hạnh.
“Thoạt đầu khi cô gái bước vào, tôi nghĩ rằng đó chắc chắn là cô con gái bấy lâu gia đình tìm kiếm rồi. Cô ấy cũng sinh tháng 10, rất giống mẹ tôi, giống cả Vân, chị vợ của tôi”, anh Thành, chồng chị Tạ Thị Thu Trang, người con bị trao nhầm 42 năm từng kể lại.
Chị Tạ Thị Thu Vân, con gái ruột của bà Hạnh Lê Nam
Những ngày sau đó, chị Tạ Thị Thu Trang rất vui, háo hức vì nghĩ mình đã tìm được mẹ đẻ và người con gái cho mẹ Hạnh. Hai gia đình tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, ăn uống, chuyện trò. Họ chụp cùng nhau những tấm ảnh làm kỷ niệm. Tất cả chỉ chờ đợi kết quả giám định ADN.
Song, sự trớ trêu của số phận đã khiến chị Trang và bà Hạnh vẫn còn phải mất nhiều nước mắt. Kết quả ADN không biết nói dối. Người phụ nữ có khuôn mặt giông giống bà Hạnh không phải con gái đẻ của bà. Và chị Tạ Thị Thu Trang cũng không cùng huyết thống với người cha, người mẹ của gia đình bên kia.
Trang từng hi vọng và giờ thì tuyệt vọng. Cảm giác buồn bã và đau đớn đến với chị còn hơn cả những ngày đầu chị mới biết tin mình không phải con đẻ của mẹ Hạnh.
Song, đến bây giờ, gia đình chị và những người xa lạ ở huyện Gia Lâm vẫn thường xuyên hỏi thăm, họ coi nhau như những người thân. Điều đặc biệt là, hai người "xêm xêm" tuổi bố mẹ chị Trang rất quý Trang. Hoàn cảnh gia đình đó cũng rất sung túc, họ nói coi Trang như con gái, bất cứ khi nào gặp khó khăn, hãy để họ chung tay gánh vác.
Tình người ở khắp muôn nơi
Câu chuyện nhầm con có thể sẽ không có một cái kết viên mãn nếu như không có những người tốt bụng, hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Tạ Thị Thu Trang.
Đó là những cán bộ Sở Y tế Hà Nội đã lục soát hết hồ sơ từ những năm 1974 để tìm được chút manh mối về những em bé chào đời ngày 10.10 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (ngày đó nằm trên ngõ Hàng Bún). Đó là những người xa lạ, ở các quận, huyện của Hà Nội có cùng ngày sinh, hoặc tháng sinh với Tạ Thị Thu Trang tìm đến gia đình chị Trang, bà Hạnh, người cung cấp thông tin, người sẵn sàng đưa sợi tóc, móng tay mình để có thể được giám định ADN khi cần thiết. Đó là một trung tâm giám định ADN ở Hà Nội, sẵn sàng miễn phí các cuộc giám định của gia đình...
Không thể không kể đến những bạn đọc khắp cả nước của Báo Thanh Niên, mọi người theo dõi thông tin, cung cấp những manh mối, địa chỉ có thể liên quan để chúng tôi, những phóng viên tìm đến và giúp chị Trang tìm ra người thân.
Chúng tôi cảm động vô cùng, khi gặp những chú, những bác làm xe ôm, công nhân về hưu, y tá nghỉ hưu... trong nhiều ngõ ngách của phố phường Hà Nội, họ niềm nở tiếp đón và giúp đỡ chúng tôi trong hành trình tìm mẹ đẻ cho Trang. Có người còn khóc khi chúng tôi đưa ra những bài báo viết về chị.
Nhà hộ sinh quận Ba Đình mới được chuyển về phố Lê Trực, nhà hộ sinh nơi chị Trang chào đời giờ đã không còn nữa Lê Nam
Một trong những điều hạnh phúc nhất của người làm nghề chúng tôi, đó là trở thành chiếc gạch nối, giúp những nhân vật của mình, dù đang lạc nhau, thậm chí suốt 42 năm cũng tìm thấy nhau.
Câu chuyện nhầm con 42 năm ở Hà Nội đã khép lại, nhẹ nhàng, nhân văn sau hơn 1 năm “gây sóng gió”. Điều may mắn nhất với hai bà mẹ, sau khi được ôm người con mình dứt ruột đẻ ra, đó là các con của mình đều đã trưởng thành, khỏe mạnh, xinh xắn và có những mái ấm riêng hạnh phúc.
Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn với những mưu sinh cơm áo, sẽ còn những nỗi buồn, nhưng từ giây phút này, tôi biết chị Tạ Thị Thu Trang là người mừng vui nhất. Cuộc đời này, còn mẹ là còn hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.