“Tiếp thị” hình ảnh Việt Nam bằng cách nào?

29/11/2006 23:38 GMT+7

Việt Nam vừa gia nhập WTO, nhưng hai tiếng Việt Nam từ lâu đã được nhắc đến rất nhiều trên thế giới, dưới nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh rất nhiều điều tốt đẹp, hẳn cũng có những điều chưa hay, mà do những "người Việt xấu xí" tạo nên.

Đó là những người Việt ra nước ngoài nhưng vẫn "tự nhiên" như thể ở nhà với các cách cư xử khó coi. Đó là những người Việt kết hôn với người nước ngoài với mục đích thương mại, ít nhiều gây nên hình ảnh không mấy tốt đẹp về người Việt nói chung. Đó là những người Việt trong nước có lối sống thiếu văn hóa, chưa văn minh gây ấn tượng xấu cho người nước ngoài đến Việt Nam...

Để “tiếp thị” hình ảnh Việt Nam với nước ngoài, không gì tốt hơn bằng những hình ảnh người Việt thật tốt đẹp. Bởi vì phố xá, nhà cửa, cảnh quan dẫu có đẹp mà người dân chưa văn hóa, văn minh thì cũng không thể gọi là đẹp. Theo tôi, nên mạnh dạn bắt tay vào những việc làm sau đây, để góp phần "cải thiện" hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thứ nhất, mạnh dạn thừa nhận những nét chưa hay, chưa tốt trong tính cách, lối sống, cách ứng xử, tác phong lao động... của người Việt. Một quyển sách "Người Việt xấu xí" có thể gây sốc với mọi người nhưng "thuốc đắng" mới "dã tật".

Thứ hai, phát động các chiến dịch "nói điều hay, làm điều tốt" trong nhân dân (như cách mà nước ta đã từng làm khi tổ chức SEA Games 22 hoặc người Trung Quốc đang làm để chuẩn bị cho Olympic 2008...). Từ tổ dân phố, khu phố, xóm ấp, các ban ngành đoàn thể phát động và giám sát việc hạn chế tình trạng ăn mặc "thoải mái", xả rác bừa bãi, phóng uế vô tội vạ, nói tục, cãi nhau nơi công cộng...

Thứ ba, tăng cường giáo dục pháp luật cho những người đi ra nước ngoài, nhất là đối tượng khách đi du lịch và người xuất khẩu lao động, để hạn chế việc vi phạm luật nước sở tại (đặc biệt là việc "cầm nhầm" hàng hóa), chống tình trạng tự ý bỏ việc để đi làm chui... Những người vi phạm, ngoài việc bị xử lý theo pháp luật, nên cấm ra nước ngoài trong một thời gian nhất định.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục pháp luật, tác phong lao động, văn hóa ứng xử (bên cạnh đào tạo nghề) cho lực lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Làm tốt điều này không chỉ hạn chế tình trạng công nhân người Việt bị các chuyên gia và chủ doanh nghiệp người nước ngoài chèn ép, làm nhục mà còn góp phần tạo nên hình ảnh đẹp từ những công nhân Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Thứ năm, xây dựng thói quen giúp đỡ người nước ngoài khi họ đến Việt Nam (thay vì "bán đắt" cho họ bằng nhiều cách có thể!) như hướng dẫn đường sá, giúp đỡ khi gặp sự cố; cần có thái độ thân thiện với khách quốc tế (không nhất thiết phải thông qua ngôn ngữ)...

Cuối cùng và quan trọng nhất là giáo dục truyền thống để mỗi người Việt Nam đều tự hào mình là người Việt, để xử sự đúng với sự tự hào đó, kể cả trong nước và khi ra nước ngoài. Tự hào không có nghĩa là sĩ diện hão mà chính mà nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn bản sắc, xây dựng hình ảnh đẹp của đất nước, của dân tộc trong mắt người nước ngoài.

Trúc Giang (trucgiang...@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.