Đừng quên tác dụng của giáo dục ý thức

05/02/2007 23:35 GMT+7

Mới đây Bộ trưởng - Cố vấn Singapore - ông Lý Quang Diệu đã đến thăm Việt Nam. Ông đã phát biểu đại ý rằng Singapore có được như ngày hôm nay là nhờ giáo dục. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng ngưỡng mộ Singapore về sự phát triển kinh tế và đặc biệt là vấn đề vệ sinh đô thị đã được cả thế giới thán phục.

Singapore sạch đẹp như hôm nay thì họ phải mất hàng chục năm để giáo dục cho người dân ý thức giữ vệ sinh chung nơi công cộng. Nếu trong chúng ta ai đã có dịp ghé thăm Malaysia, Singapore chắc hẳn sẽ không dám xả rác ở nơi công cộng. Để có được như vậy, ngoài vấn đề giáo dục ra, rất cần sự tự giác của mọi người, đồng thời phải có một hệ thống thi hành luật lệ đủ hiệu lực để mọi người không dám vi phạm.

Ở Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh cũng đã có kế hoạch phấn đấu đến năm 2008, thành phố phải sạch đẹp nhân dịp tổ chức đại hội Olympic 2008. Từ nhiều năm nay Bắc Kinh đã có một chiến dịch làm đẹp thành phố bằng cách kêu gọi mọi người không xả rác, không khạc nhổ ở nơi công cộng. Nếu vi phạm cũng sẽ bị phạt nặng. Ngoài việc có xe đi gom rác thường lệ, trong ngày trên từng con đường trong thành phố Bắc Kinh vẫn có những nhân viên đi nhặt rác bằng những chiếc xe đạp 3 bánh. Nhờ vậy mà thành phố Bắc Kinh cũng khá tươm tất dưới mắt khách du lịch.

Trở lại Việt Nam, ai cũng công nhận là đường sá quá bẩn, đi ra đường là phải mang khẩu trang - đây là chuyện lạ ở xứ người. Nhưng hầu như chưa thấy có một kế hoạch hiệu quả nào cho vấn đề vệ sinh đường phố. Vấn đề ở đây không phải là tăng số lượng nhân viên làm vệ sinh là đường phố sẽ sạch, mà phải xem đây là trách nhiệm của mọi người - mọi người phải giữ vệ sinh chung. Trong giáo dục đã có "nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", tại sao chúng ta lại không thể "nói không với xả rác, khạc nhổ ở nơi công cộng".

Trong các trường học ở Việt Nam, những thầy - cô đều dạy các em học sinh không được xả rác trên đường phố mà phải bỏ vào thùng rác. Đi bộ phải đi trên lề đường dành cho người đi bộ, đi xe phải ngừng lại khi đèn đỏ... những vấn đề này các em học sinh đều thuộc. Nhưng khi ra ngoài xã hội, đời sống thực tế đã không làm gương tốt cho các em noi theo như trường hợp ông bố quát mắng đứa trẻ "sao không bỏ vỏ hộp sữa xuống đường đi", sau khi đã uống hết sữa (Thanh Niên ngày 30.1.2007). Những người chấp hành tốt luật giao thông dừng xe lại khi đèn đỏ thì bị những người vượt đèn đỏ quay đầu lại mắng là "đồ khùng". Những người bán hàng ở mặt tiền đường sáng sáng trước khi ra dọn hàng thì cứ quét rác ra giữa đường chứ không chịu gom rác vào trong túi nylon vì cứ nghĩ rằng chuyện đó có Nhà nước lo.

Có lẽ chúng ta nên vận động từ mỗi gia đình ký bản cam kết không xả rác như trước đây các hộ đã cam kết không đốt pháo, rất có hiệu quả. Phải làm sao để giáo dục ở nhà trường, giáo dục ở gia đình và xã hội phải thống nhất với nhau để phát huy tác dụng. Công việc này phải kiên trì giáo dục - vận động và đi kèm với biện pháp xử lý vì từ bỏ một thói quen không phải là dễ. Ông Lý Quang Diệu cũng đã phát biểu... "giáo dục không thể làm một sớm một chiều..." (Thanh Niên ngày 20.1.2007).

Lê Văn Thọ
(ĐH Nông Lâm, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.