Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải

28/10/2023 14:17 GMT+7

|Từ ngày 24 - 27.10, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã hỗ trợ đào tạo, trao đổi kinh nghiệm kỹ năng ứng dụng toàn diện UAV kiểm tra đường dây và lập đường bay UAV tự động kiểm tra trên mô hình 3D cho cán bộ kỹ thuật, công nhân Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) tại tỉnh Hà Tĩnh.

Tham gia khóa đào tạo lần này có 101 cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành đường dây có khả năng sử dụng tốt UAV của PTC1.

Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Vinh, cán bộ Phòng Kỹ thuật PTC2, chia sẻ nội dung tại lớp học

Khóa đào tạo lần này hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng sử dụng UAV để kiểm tra đường dây truyền tải; sử dụng thiết bị bay kết hợp tín hiệu định vị của hệ thống trạm CORS Quốc gia thực hiện công tác bay quét và dựng mô hình 3D.

Trên mô hình 3D đã có, xây dựng đường bay tự động để sử dụng cho các thiết bị bay khác có hỗ trợ hệ thống RTK phục vụ công tác kiểm tra định kỳ hằng tháng bằng UAV và nâng cao kỹ năng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình vận hành phần mềm quản lý đường dây, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như tập trung vào kỹ năng thực hành và xử lý dữ liệu thực tế cho các cán bộ và công nhân vận hành thiết bị UAV để đẩy mạnh, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ này nhanh chóng và rộng rãi trong công tác quản lý vận hành của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải - Ảnh 2.

Các nhóm thực hành thiết lập sơ đồ 3D

Trong thời gian 4 ngày, cán bộ kỹ thuật của PTC2 hướng dẫn phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết có 3 nội dung: sử dụng UAV để kiểm tra đường dây; hệ thống phần mềm quản lý đường dây và phần mềm AI; ứng dụng toàn diện UAV vào công tác kiểm tra.

Phần thực hành bao gồm các nội dung: thực hành kết nối UAV với trạm định vị RTK di động và cố định (CORS); kiểm tra đường dây bằng UAV theo quy trình; xây dựng đường bay tự động; trên hệ thống phần mềm quản lý đường dây và trên hệ thống phần mềm AI.

Trong thời gian này, các cán bộ, công nhân vận hành UAV của PTC1 đã trao đổi học hỏi thêm những kinh nghiệm trong thực tế của PTC2 trong việc sử dụng UAV. Đặc biệt trao đổi kinh nghiệm khoảng cách điều khiển thiết bị UAV sao cho an toàn trong khi UAV chỉ có thể tiếp cận các vật thể tối đa ở khoảng cách 2 - 3 m, công tác hoa tiêu vì nếu bay sát đường dây rất dễ có nguy cơ va chạm gây sự cố cũng như hư hỏng thiết bị, kinh nghiệm kiểm tra tại một số vị trí cực kỳ khó khăn do địa hình đồi núi, vực sâu…

Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải - Ảnh 3.

Hướng dẫn thực hành bay UAV

Ứng dụng toàn diện UAV kiểm tra đường dây và lập đường bay UAV tự động kiểm tra trên mô hình 3D LiDAR được mô tả khái quát như sau: sử dụng camera LIDAR được lắp đặt trên thiết bị bay không người lái để thực hiện quét và dựng bản đồ 3D của đường dây ngoài thực địa.

Sau đó, tạo đường bay tự động trên bản đồ 3D đã xây dựng và nạp cho các thiết bị bay khác có hỗ trợ công nghệ RTK để bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải với độ chính xác cao.

Giải pháp này mang lại nhiều hiệu quả thực tế: tiết kiệm được thời gian, nhân công để bay kiểm tra đường dây so với phương pháp chụp thủ công bằng con người; tự động hóa được quy trình kiểm tra lưới điện truyền tải bằng UAV và dữ liệu đồng nhất giữa các lần bay chụp kiểm tra; có thể tạo đường bay trên mô hình 3D đã dựng và thay đổi tùy theo nhu cầu thu thập dữ liệu; xem được góc chụp dự kiến của thiết bị bay, thuận lợi hơn cho việc tạo đường bay.

Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải - Ảnh 4.

Học viên cài đặt 3D chuẩn bị bay thực hành

Khung hình chụp mô phỏng trong phần mềm đúng với khung hình khi chụp thực tế; thiết bị có thể bay chụp với độ chính xác cao (sử dụng tín hiệu trạm CORS); chỉ cần quét 3D một lần và sử dụng cho các lần sau (quản lý, tạo đường bay tự động…).

Việc EVNNPT đẩy mạnh đào tạo, triển khai đồng bộ việc quét và xây dựng đường bay tự động trên mô hình 3D trong toàn EVNNPT nhằm ứng dụng những thành quả của khoa học công nghệ, kỹ thuật, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu nặng nhọc cho người lao động.

Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", "Đổi mới - Sáng tạo" vừa giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả trong công tác vận hành hệ thống truyền tải, tạo nền tảng vững chắc cho việc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số góp phần cùng EVNNPT trở thành doanh nghiệp số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào năm 2025.

Trao đổi kinh nghiệm điều khiển thiết bị bay UAV phục vụ quản lý truyền tải - Ảnh 5.

Hướng dẫn thực hành bay UAV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.