Trao đi những giọt máu hồng

27/05/2022 09:00 GMT+7

Chàng trai mà tôi muốn nói tới là Lữ Bảo Khánh, sinh năm 1989 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Năm 2003, em theo gia đình lên Gia Lai sinh sống. Học hết phổ thông, Khánh quay về Quy Nhơn học Đại học vào năm 2007. Khoa Sư phạm Hóa là điểm dừng cuối cùng của Khánh để em trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng như em hằng mơ ước.

Bắt đầu từ năm hai đại học (năm 2008), sau những bỡ ngỡ, ngờ nghệch của cậu sinh viên năm nhất, Khánh bắt đầu hăng hái, sôi nổi tham gia các hoạt động Đoàn viên thanh niên. Suốt mấy năm đại học, hè đến, cũng là lúc kỳ thi đại học cận kề, thay vì bắt xe về thăm cha mẹ trên Gia Lai thì Khánh xin phép cha mẹ được ở lại để tham gia Tiếp sức mùa thi cùng Đoàn trường.

Từ khi là sinh viên năm 2 đến nay, Khánh đã có gần 30 lần hiến máu toàn phần, 4 lần hiến tiểu cầu

tgcc

Vậy là với màu áo xanh tình nguyện, chàng sinh viên Lữ Bảo Khánh mấy năm liền gắn bó với các em còn bỡ ngỡ nơi cánh cổng trường đại học, hay những em học sinh từ những huyện xa, tỉnh xa đến tìm nhà trọ. Khi kể về quãng thời gian làm sinh viên tình nguyện những ngày hè, mồ hôi đổ cay xè đôi mắt, lưng áo ướt đầm nhưng Khánh vẫn cười: “Mệt đấy, nhưng mà vui lắm chị ạ!”

Cũng từ năm hai, Khánh bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện ở trường. Khi được tôi hỏi em có nhớ chính xác từ đó cho đến nay đã hiến máu bao nhiêu lần và ở những đâu không? Khánh cười: “Từ thời sinh viên, em hiến theo vận động của Đoàn trường, rồi khi đi làm, mỗi lần có đợt hiến máu em đều tham gia. Lần thì đăng ký theo đơn vị, khi thì theo kêu gọi của đoàn thể địa phương. Một năm chừng 2 – 3 lần. Từ đó cho đến nay em đã có gần 30 lần hiến máu toàn phần, 4 lần hiến tiểu cầu”. Tôi tròn mắt: “Có cả hiến tiểu cầu nữa sao?”. Em giải thích: “Hiến tiểu cầu là cho bệnh nhân cấp cứu ạ. Đó là những bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng hoặc ung thư cần tiểu cầu gấp”. “Cần gấp? Vậy sao em biết mà cho?”, trước sự tò mò của tôi, Khánh lại cười hiền: “Em để lại số điện thoại cho bên bệnh viện, khi cần thì gọi em. May mà những lần họ cần gấp, em đều thu xếp được công việc để chạy đến”.

Nhiều người cứ quan niệm “một giọt máu bằng sáu bát cơm” nên cứ ngại ngần cho máu, sợ mất sức, sợ yếu đi…. Còn Khánh, em chỉ sợ khi người khác cần, em không biết mà cho, hoặc không sắp xếp kịp công việc.

Đối với những người bệnh được em giúp đỡ, em chính là ân nhân – một ân nhân mà họ chưa từng gặp mặt, không hề biết tên nhưng có lẽ họ sẽ nhớ và biết ơn rất nhiều

tgcc

Khánh còn nhân tiện “quảng cáo” với tôi: “Em nhóm máu A+, có ai thật sự cần chị nói với em. Em thiếu nhiều thứ, chỉ có máu là không bao giờ thiếu”. Người cán bộ Đoàn – giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên Quy Nhơn nói vậy với tôi rồi cười thật tươi. Khi tôi hỏi em định sẽ hiến máu đến bao giờ, Khánh chỉnh lại cặp kính, vuốt vuốt mái tóc xoăn bảo: “Chừng nào hết người cần, chừng nào em không còn đủ máu. Mà chị nhìn xem, em như vầy, có khi nào thiếu máu được chứ”. Khánh lại cười, nụ cười trông thật hiền và thân thiện.

Thật sự, khi nghe Khánh kể về những lần hiến máu như vậy, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm phục. Tôi bảo: “Em nghiện hiến máu mất rồi”. Là tôi đùa em thôi, chứ đứt tay, đứt chân mất một chút máu đã xót xa, ai mà lại đi nghiện kỳ lạ vậy chứ. Mỗi lần chừng 300 – 450 ml máu chứ ít gì. Nhưng vì cộng đồng, vì những người bệnh nên em chẳng ngần ngại cho đi. Cũng nhờ những nghĩa cử của em, nhờ những giọt máu hồng em trao mà nhiều người đã may mắn giành lại được sự sống từ tay tử thần.

Lúc nghe tôi đề nghị sẽ viết một bài về Khánh, em vội vàng: “Ui, em thì làm được gì đâu... Việc làm của em còn quá nhỏ bé so với nhiều người”. Đó là em nghĩ vậy, chứ đối với nhiều người và cả với tôi, em đã làm được những điều tuyệt vời. Đối với những người bệnh được em giúp đỡ, em chính là ân nhân – một ân nhân mà họ chưa từng gặp mặt, không hề biết tên nhưng có lẽ họ sẽ nhớ và biết ơn rất nhiều.

Chúc em luôn thành công trong sự nghiệp trồng người, luôn có sức khỏe tốt và luôn bình an.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.