Trao cơ chế riêng cũng là giao nhiệm vụ

21/11/2017 09:53 GMT+7

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình rất cao về việc cần thiết phải có một chính sách đặc thù để TP.HCM lấy lại vị thế và cũng là để đủ sức làm đầu tàu của cả nước.

Sáng 20.11, Quốc hội (QH) tổ chức phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

tin liên quan

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Cho thêm chứ đừng lấy bớt
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, TP.HCM là đầu tàu của cả nước, do đó khi quy định cơ chế, chính sách đặc thù không nên nhìn nhận chỉ có lợi riêng cho địa phương này mà là cho cả nước.
“Hơn cả chín muồi”
Đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh nghị quyết này không chỉ mở ra cho TP.HCM, và TP không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về vật chất mà điều quan trọng hơn là từ thành công của TP.HCM sẽ mang lại sự giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cả nước.
“Có ĐB đã dùng khái niệm "đã chín muồi", nhưng tôi cho rằng nó đã "chín mõm" rồi, điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa. Từ một TP sầm uất, nó đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó”, ông Quốc nói.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nhận thấy những bất cập trong cách ứng xử với một TP “đầu tàu”. “Các đầu tàu này vẫn mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi bây giờ người ta đi bằng nguyên tử rồi”, ông Phong nói và cho rằng giờ mới tính giải quyết sức ì cho đầu tàu này để cho có sinh lực mới, có diện mạo mới và mạnh mẽ hơn để lôi kéo, làm lay chuyển cả vùng và quốc gia đã là muộn.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì ví von hình ảnh hòn ngọc Viễn Đông xưa nay oằn mình trong khói bụi, kẹt xe, ngập nước để khẳng định rằng nếu chúng ta không mạnh dạn vượt rào, không đủ dũng cảm và tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là những viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án.
“Việc tạo cơ chế riêng cho TP.HCM không phải là ưu đãi thêm cho địa phương một phần tư chiếc bánh ngân sách mà đây chỉ ví như một liều thuốc khỏe cần thiết, giao cho TP tự tìm cho mình để giúp cho nó có đủ sức tiếp tục gồng gánh và neo kéo những toa tàu để tiếp tục cuộc hành trình”, ông Nhân nêu.
Tương tự, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận xét những năm gần đây, sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí có xu hướng tụt hậu. “Như H.Bình Chánh, nhiều xã có dân số rất đông, như 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có gần 220.000 dân, bằng khoảng 1/3 dân số của một tỉnh. Hệ quả là cán bộ một xã gánh việc phục vụ số dân hơn một huyện, nó trở thành điểm nghẽn về tổ chức bộ máy chính quyền. Kéo theo các thách thức về giao thông, kẹt xe, ngập nước, giáo dục. Những khó khăn này làm suy giảm tăng trưởng của TP.HCM”, ông Tuấn nói.
Quyền lợi lớn, trách nhiệm nhiều
Nhìn từ góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng việc trao cho TP.HCM cơ chế mới cũng đồng nghĩa với giao nhiệm vụ. Bà Hoa dẫn chứng, đó là việc TP.HCM đã có những việc làm có tính chất xé rào và tạo những làn gió đổi mới, ví dụ thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung những năm 1980. Hay thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước là Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương năm 1987.
Theo bà Hoa, những định chế đó sau này đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước. “Nên việc trao cho TP cơ chế riêng lần này cũng chính là chúng ta đang giao nhiệm vụ. Chúng tôi cũng kỳ vọng là trên tinh thần cả nước vì TP.HCM thì TP.HCM cũng sẽ làm tốt và làm có trách nhiệm nhiều hơn nữa việc vì cả nước. Với nghị quyết này hy vọng TP sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ những căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển và mở ra những cách làm mới, tiên phong cho cả nước”, ĐB này nhấn mạnh.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay khi làm dự toán năm 2018, QH giao cho TP.HCM 376.000 tỉ đồng, tức mỗi ngày phải thu trên 1.000 tỉ đồng. “Khi TP nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu sẽ giảm cho rất nhiều địa phương khác. Vấn đề là động lực phát triển của TP đang chậm lại, tăng trưởng bình quân từ mức 2 con số trong giai đoạn 1986 - 2010 đã giảm xuống 1 con số của giai đoạn 2011 - 2015. Cho dù thời gian này, nhiều địa phương khác có mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc, nhưng do mức đóng góp không lớn nên không thể bù lại được”, ông Dũng nói.
Theo ông Đặng Thuần Phong, nếu theo như tính toán của TP.HCM, một khi được trao cơ chế đặc thù thì giai đoạn 2021 - 2030 TP.HCM sẽ đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước là 632.910 tỉ đồng. “Vậy thì không có lý do gì chúng ta không tạo điều kiện cho TP thực hiện mục tiêu này”, ông Phong nói.
Cho phá sản đối với ngân hàng yếu kém
Chiều 20.11, QH đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng. Luật quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng (TCTD) lâm vào một trong các trường hợp sau: không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 6 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN. NHNN cũng xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp trên.
Theo luật vừa được QH thông qua, phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản. Về phương án phá sản, luật quy định: NHNN trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt khi TCTD được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi VN xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15.1.2018.  
 Thái Sơn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.