Tránh xa 'đặc sản' chết người

18/02/2020 07:13 GMT+7

Nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy tránh xa các 'đặc sản' chết người, chớ bao giờ ăn thịt 'lạ' mà rước họa vào thân, từ lây nhiễm bệnh tật đến vướng vòng lao lý, thậm chí là mất mạng.

Trước giờ không biết, toàn ăn mật rắn!

Như đã thông tin (xem loạt bài Rước họa vì ăn thịt “lạ”“Đặc sản” chết người trên Thanh Niên ngày 17.2.2020), việc ăn thịt các loại động vật hoang dã, “độc”, “lạ” để thể hiện “đẳng cấp” dân chơi, hay đơn giản chỉ vì muốn trải nghiệm “cái mới”... đã khiến không ít người rước họa vào thân.

Truy tìm “nghi phạm” phát tán virus corona: Dơi, rắn và tê tê?

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã rất đồng tình với bài báo, và cho rằng cần nâng cao ý thức của người dân trong việc tránh xa các “đặc sản” chết người. BĐ Khanh (Hà Giang) cho rằng “thói quen ăn uống bậy bạ sẽ rước tai họa vào người”.
BĐ Hoai Van (Đồng Nai) chia sẻ: “Mong mọi người tránh xa những món độc hại này và làm điều tốt để mang lại an lành cho nhân loại”. BĐ Anton (Hà Nội) thì giật mình vì “trước giờ mình không biết, toàn ăn mật rắn”. BĐ Hiepkhach (TP.HCM) thì cho biết “xem tiêu đề bài viết, đã thấy quá sợ rồi”.
Trong khi đó, BĐ Phong Vu (Hà Nội) cho rằng các bài viết trên rất hữu ích, và chia sẻ thêm: Một điều không bình thường là ngộ độc những loại như cóc, cá nóc, so biển... hiếm xảy ra ở người không biết, ngược lại thường xảy ra ở nhóm người biết nhiều về những loài này, thừa biết đuôi sam khác đuôi so, da cóc khác da ếch, và biết rõ độc tụ ở chỗ nào... Những "lão làng" này cho rằng bỏ bộ ruột con cóc hoặc bỏ bộ trứng con so, thì ăn những con này không sao, và họ đã ăn nhiều lần cho đến khi... Thêm tai hại nữa là sau khi ngộ độc, đa số trường hợp cơ hội cứu sống khá cao, thì bạn nhậu hoặc người nhà tuy thấy người ngộ độc đã lờ đờ nhưng vẫn móc miệng vì muốn cho ói chất độc ra, làm thức ăn và chất độc tràn vào phổi gây tử vong...

Phải phạt như phạt vi phạm nồng độ cồn

Để dẹp bỏ thói quen ăn “đặc sản” chết người trên, theo BĐ Thích Thích (Bình Phước), nên bắt đầu từ những người đánh bắt, các chợ, nhà hàng... cấm triệt để thịt động vật hoang dã. Bên cạnh đó là nâng cao ý thức người dân đối với động vật hoang dã. BĐ này nhấn mạnh: Tôi nghĩ cứ phạt như Nghị định 100 về nồng độ cồn thì sẽ dẹp được.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Khac Hieu (TP.HCM) cho rằng: “Vụ bia rượu khi lái xe còn phổ biến hơn nhiều mà Nghị định 100 còn trị được, thì không lẽ không trị được vụ ăn uống "đặc sản" chết người như trên. Cứ phạt nặng như Nghị định 100, tôi tin chắc sẽ "xử đẹp" vụ này”.
Chia sẻ về việc ăn chay, BĐ Tha Thu (TP.HCM) kể: “Tôi bắt đầu ăn chay khoảng 1 năm nay, bắt đầu là 1 tuần 1 ngày, giờ 1 tuần 2 ngày. Ban đầu thấy rất cồn cào, hay đói, giờ thấy tương đối dễ chịu. Lạ là bây giờ thấy thịt tôi không thích ăn nữa. Những ngày không ăn chay, tôi cũng chỉ ăn một ít cá hoặc cái trứng, chủ yếu là ăn cơm, rau củ quả, đậu hũ, uống sữa, ăn sữa chua... Mọi người thử ăn chay xem”.
“Có những món mới nhìn tôi đã sợ nổi cả da gà, muốn bỏ chạy. Tôi không lên án những người ăn nó, đó là quyền tự do của họ, chỉ muốn mọi người hãy ăn chay, đừng sát sinh, thế thôi. Ăn chay không làm cho người ta yếu đi, mà mạnh mẽ hơn. Nếu không mạnh mẽ hơn thì làm sao họ chiến thắng được nỗi thèm ăn thịt?”.
Ly Thanh Thanh (TP.HCM)
“Nếu in các tờ rơi ngắn gọn có ảnh minh họa các loài hải sản độc hại này, phát cho các nhà hàng, khách sạn ven biển để họ treo tại nơi dễ thấy tại cơ sở kinh doanh thì sẽ tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc do ăn nhầm các loại hải sản có độc”.
Truyền Đặng (Hà Nội)
“Cũng là miếng ăn thôi mà. Ăn uống độc lạ, dễ rước họa vào thân, còn bị thiên hạ chê cười”.
Kiệt Ròm (Tây Ninh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.