Tránh tình trạng nhà nước mua sách giáo khoa cho mượn, phụ huynh cũng mua

06/10/2022 09:40 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc tính đúng, tính đủ là rất cần thiết để không khiến chính sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn rất nhân văn vô tình lại trở nên lãng phí hơn.

Trong khi các nhà trường ở vùng khó khăn hào hứng với thông tin nhà nước sẽ mua sách giáo khoa (SGK) cho học sinh (HS) mượn thì phụ huynh và trường học ở khu vực TP như Hà Nội lại cho rằng cần tính đúng, tính đủ để không gây tốn kém, lãng phí hơn.

Phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh đầu năm học mới

đào ngọc thạch

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), cho biết thực hiện Nghị định 81/2021 của Chính phủ, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều được ngân sách mua SGK đưa vào thư viện nhà trường để cho HS mượn học. Nhờ vậy, việc thiếu SGK trước năm học mới đã không xảy ra. Tuy nhiên, huyện cũng còn 2 trường là Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pả Vi và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pả Vi không thuộc diện được ngân sách nhà nước mua SGK cho mượn, nhưng thực tế thì phần lớn gia đình HS cũng rất khó khăn.

Rất may là tháng 7.2022 vừa qua, Trường Marie Curie (Hà Nội) sau khi tiếp nhận thông tin này đã đề nghị hiệu trưởng của 2 trường gửi danh mục SGK, sách giáo viên lớp 1, 2, 3, 6, 7 (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) và số lượng cần trang bị cho thư viện trường. Sau đó, Trường Marie Curie đã làm việc với Công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục của tỉnh Hà Giang trang bị đủ số lượng SGK, sách giáo viên cho 2 trường theo nhu cầu. Trường này còn hứa sẽ trang bị SGK lớp 4, 5 và 8, 9 vào những năm học sau, khi thay sách mới. Ước tính tổng kinh phí mà Trường Marie Curie mua tặng SGK và đồ dùng học tập cho cho 2 trường ở Mèo Vạc khoảng 300 triệu đồng.

Bà Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Pả Vi (H.Mèo Vạc), cho hay nhà trường xác định đây là SGK trang bị cho thư viện để sử dụng nhiều năm, nhiều thế hệ HS nên trường phải dặn dò HS rất kỹ về ý thức giữ gìn, bảo quản SGK. Tuy nhiên, chính các trường này cũng cho rằng, nếu việc trang bị SGK cho HS trở thành một chính sách của nhà nước thay vì trông chờ vào tấm lòng hảo tâm của các đơn vị, cá nhân, thì thầy trò các nhà trường ở nơi khó khăn sẽ yên tâm hơn mỗi dịp chuẩn bị năm học mới; không còn “nơm nớp” lo HS thiếu SGK nữa.

Học sinh H.Mèo Vạc (Hà Giang) đọc sách báo do thầy trò Trường Marie Curie (Hà Nội) trao tặng

mc

Tại Hà Nội, phụ huynh cũng đón nhận thông tin ngân sách mua SGK cho khoảng 70% HS mượn với tâm trạng khác nhau. Chị Thu Hằng, có con học lớp 11 tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho hay vẫn có những HS ở TP cần đến chính sách nhân văn này nhưng không nhiều. Ví dụ, chị Hằng vẫn mua SGK cho con nhưng luôn dặn con phải giữ gìn trong quá trình sử dụng SGK để mang tặng cho các em ở nơi khó khăn, cần đến sau khi kết thúc năm học. “Vì vậy, tôi rất băn khoăn về việc dự kiến mua SGK cho 70% HS mượn. Nếu là 100% thì tất cả HS đi học sẽ yên tâm không phải mua SGK nữa, nhưng nhiều phụ huynh ở khu vực thành thị như tôi sẽ nghĩ mình là số 30% còn lại phải mua SGK cho con. Như thế còn lãng phí và tốn kém hơn khi nhà nước mua cho 70% HS rồi nhưng có thể lại có 70% phụ huynh vẫn tự mua”, chị Hằng nói.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc tính đúng, tính đủ là rất cần thiết để không khiến một chính sách nhân văn vô tình lại trở nên gây lãng phí hơn. Theo bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội), phương án trích ngân sách nhà nước mua SGK nên áp dụng cho vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn, còn những nơi như TP, trường học thuận lợi, việc này không cần thiết. Thực tế, ở vùng thuận lợi vẫn có HS khó khăn và nên mua SGK tuy nhiên đa số cha mẹ cũng mong muốn được mua cho con bộ sách mới để tới trường. Thư viện nhà trường cũng không thể chứa cùng lúc 3.000 - 4.000 bộ sách”, bà Yến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.