Tránh 'mượn' chất xám trong nghiên cứu khoa học sinh viên

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/08/2020 08:07 GMT+7

Nghiên cứu khoa học không dễ dàng. Làm sao để khuyến khích nhiều sinh viên tham gia và đóng góp sự sáng tạo, chất xám thật sự, để các nghiên cứu được ứng dụng nhiều trong thực tiễn?

Các giảng viên, sinh viên (SV) đã chia sẻ với PV Báo Thanh Niên góc nhìn về vấn đề này.

Khuyến khích sự sáng tạo trong mỗi sinh viên

Thạc sĩ Nguyễn Lâm Hữu Phước, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc trao đổi cởi mở giữa giảng viên và sinh viên (SV) về định hướng, mục đích, vai trò của nghiên cứu khoa học trong học tập và thực tiễn đời sống giúp SV dấn thân, đam mê nhiều hơn.
Cũng theo thạc sĩ Phước, động lực để SV ham thích nghiên cứu còn là những ý tưởng nghiên cứu thú vị, hấp dẫn, có tính thời sự và phục vụ công tác giảng dạy ở nhà trường trong tương lai.
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Anh Tùng, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ngay từ năm nhất, SV trong trường đã được tham gia Ngày hội kỹ thuật, nơi SV có thể trình bày những ý tưởng sáng tạo và cụ thể hóa bằng các sản phẩm mô hình.

Đạo đức, ý thức này là một hệ thống và cần được xây dựng từ khi là một đứa trẻ, từ cha mẹ, thầy cô. Nếu đứa trẻ từ nhỏ đã quen việc học thuộc văn mẫu, cha mẹ cũng khuyến khích việc học tập theo kiểu thuộc lòng, sao chép rập khuôn thì rất khó để đứa trẻ đó không mắc bệnh thành tích ảo

Tiến sĩ Hà Anh Tùng - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Tiếp theo, để khuyến khích SV tìm hiểu cái mới, nâng cao khả năng nghiên cứu, trong quá trình học các môn chuyên ngành, các bạn luôn có thể phát huy tính sáng tạo của mình thông qua các tiểu luận, đồ án cũng như đề tài nghiên cứu dành cho SV.
“Khi nảy ra các ý tưởng nghiên cứu khoa học, SV có thể đề xuất sự hỗ trợ, tư vấn từ giảng viên, ngoài ra các giảng viên cũng có thể mời SV cùng tham gia đề tài nghiên cứu của mình. Đặc biệt, nhiều luận văn tốt nghiệp ĐH của SV đã được đặt hàng từ chính nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của xã hội. Vì thế, những luận văn tốt nghiệp này mang nhiều tính mới, có thể xem như một dạng nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cần đầu tư công sức, chất xám cao. Đã có nhiều mô hình kỹ thuật, đồ án, luận văn tốt nghiệp chất lượng cao của SV đã được các doanh nghiệp nắm bắt ý tưởng và trở thành sản phẩm mới của thị trường”, tiến sĩ Hà Anh Tùng nói.
Tránh 'mượn' chất xám trong nghiên cứu khoa học sinh viên1

Thạc sĩ Phước hướng dẫn SV đang làm nghiên cứu khoa học

ẢNH: THÚY HẰNG

Nghiên cứu lành mạnh

Môi trường nghiên cứu lành mạnh sẽ nuôi dưỡng sự trung thực trong người trẻ. Ngược lại, những bạn trẻ sao chép quen tay từ các cấp học nhỏ, khi trưởng thành, đi làm, khó tránh khỏi tư duy có thể vay mượn chất xám thành sáng kiến của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Lâm Hữu Phước cho rằng trước khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, mỗi SV nên tìm hiểu đề tài này đã có tác giả nào nghiên cứu, khi mình triển khai thì có gì khác biệt, đồng thời phải trích dẫn nguồn đầy đủ, chính xác.
“Hiện tại đã có nhiều phần mềm quét chống “đạo” văn. Nhưng yếu tố quyết định đến việc ngăn chặn đạo văn trong nghiên cứu chính là đạo đức khoa học. Khi tiến hành các nghiên cứu khoa học, SV và người hướng dẫn cần xác định rõ, nghiên cứu để trải nghiệm, học tập, nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề chứ không phải chạy theo thành tích”, thạc sĩ Phước nói.
Tiến sĩ Hà Anh Tùng cho biết trong quá trình giảng dạy, cũng có trường hợp SV không trung thực ngay cả với luận văn tốt nghiệp ĐH của mình. Do đó, giảng viên cần thường xuyên trao đổi với SV, đặt các câu hỏi “tại sao” để xem SV có lao động nghiêm túc hay không. “Đề tài có thể cũ nhưng các thông số luôn luôn khác. Ví dụ, SV khi thiết kế hệ thống điều hòa không khí cho một tòa nhà cao tầng, mặc dù quy trình thiết kế đã có sẵn nhưng diện tích, chức năng hoạt động ở các tầng, số người làm việc, vị trí, điều kiện khí hậu ảnh hưởng... là khác nhau. Vì vậy đòi hỏi SV phải khảo sát cụ thể để đưa ra phương án thiết kế hợp lý, không thể sao chép nguyên xi từ một nguồn tài liệu có sẵn”, tiến sĩ Tùng nói.
Theo tiến sĩ Tùng, để tránh những nghiên cứu khoa học chạy theo thành tích, “đạo” văn, “đạo” ý tưởng, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho người trẻ ý thức. “Đạo đức, ý thức này là một hệ thống và cần được xây dựng từ khi là một đứa trẻ, từ cha mẹ, thầy cô. Nếu đứa trẻ từ nhỏ đã quen việc học thuộc văn mẫu, cha mẹ cũng khuyến khích việc học tập theo kiểu thuộc lòng, sao chép rập khuôn thì rất khó để đứa trẻ đó không mắc bệnh thành tích ảo”, tiến sĩ Tùng trao đổi.
Ý kiến
Nữ giới nghiên cứu khoa học nhiều vất vả, có những ngày phải thức đêm để chờ kết quả từ phòng lab nhưng với tôi, đó là đam mê. Động lực là những kết quả mình nghiên cứu sẽ có ý nghĩa với cộng đồng.
Tô Hoàng Minh  Sống tại TP.HCM, chờ tham gia khóa trao đổi tại ĐH Laval, Canada
Tô Hoàng Minh 
Sống tại TP.HCM, chờ tham gia khóa trao đổi tại ĐH Laval, Canada
Không phải vì điểm số hay giải thưởng, các nghiên cứu khoa học cho nhiều kinh nghiệm làm việc nhóm, giúp chúng tôi mở rộng vốn hiểu biết.
Hoàng Hồng Thúy  Cựu SV Viện Công nghệ Việt - Nhật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Hoàng Hồng Thúy 
Cựu SV Viện Công nghệ Việt - Nhật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Chúng tôi được học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa hoc và kỹ năng mềm. Chúng tôi mong muốn những kết quả thu được sẽ là những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, có ứng dụng khi mình ra trường.
Đặng Thị Kim Hằng  SV năm thứ 4, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Đặng Thị Kim Hằng 
SV năm thứ 4, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.