Tranh luận về phạt người ép uống rượu, bia

04/01/2020 08:03 GMT+7

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vừa có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 được nhiều bạn đọc ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn về việc xử phạt các hành vi như xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia... Nhiều bạn đọc đã tranh luận về việc xử phạt người ép uống rượu, bia.
Như Thanh Niên đã thông tin, đại diện Bộ Y tế cho biết đã trình dự thảo và trong tháng 1 này Chính phủ sẽ ban hành nghị định xử phạt nhiều hành vi bị cấm trong luật Phòng chống tác hại rượu, bia vừa có hiệu lực, bao gồm các hành vi như xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia... Theo đại diện Bộ Y tế, chẳng hạn với hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, luật Phòng chống tác hại rượu, bia cho phép lực lượng có thẩm quyền trích xuất camera, ghi hình, chụp ảnh... để làm căn cứ xử lý.

Ủng hộ phạt nặng người ép uống rượu, bia

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự đồng tình đối với luật Phòng chống tác hại rượu, bia, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì từ nay sẽ không bị ép uống rượu, bia, sẽ có cớ từ chối hợp lý và hợp pháp.
BĐ Bình (Đồng Nai) bức xúc: Ép uống rượu, bia là xâm phạm quyền tự do của người khác. Ai thích uống thì uống, không thích thì thôi, không được ép. Kể cả sếp ép nhân viên là phạm luật! Trong họ hàng ỷ bề trên ép bề dưới là phạm luật! Thật may mắn là có luật cấm rượu bia khi lái xe, luật này sẽ là “cái phao” cho những ai hay bị ép uống vì có lý do hợp pháp để từ chối.

“Luật này hay! Bản thân tôi ủng hộ luật này nhưng tôi cũng lo vì áp lực văn hóa uống rượu, bia kinh khủng của người VN. Thêm cái nữa, nên đánh thuế rượu, bia cao thêm 20 - 30% nữa là quá sướng! Hai cái này kết hợp với nhau sẽ làm giảm tệ nạn nhậu nhẹt của nhiều người Việt”.

Bình (Đồng Nai)

Cùng quan điểm, BĐ Dao Anh Tuan (Hải Phòng) cho rằng cần thiết phải có quy định cụ thể, chi tiết về việc xử lý khi bị bắt mời, ép uống bia rượu, sau đó xảy ra hậu quả do việc uống rượu, bia. Những người ép người khác uống rượu, bia phải chịu trách nhiệm liên đới bằng xử phạt tiền, xử tù, tùy theo mức độ. BĐ Thanh (TP.HCM) chia sẻ: Có khi không muốn nhậu mà cứ bị bạn bè rủ rê, ép buộc. Luật đã có hiệu lực thì ai ép nhậu sẽ bị xử lý, nhất là các công sở cần đưa luôn vào việc trừ lương thưởng.

“Sếp kêu cạn 100%, bạn nhấp môi mà được à ?”

Nhiều BĐ khác lo ngại về tính khả thi của việc phạt người ép uống rượu, bia. BĐ Phương Nguyễn (Cần Thơ) cho biết: Khi đã thành niên thì bản thân phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, không đổ cho ai ép được. Tôi thấy cái chuyện xử lý người ép nó khôi hài và không khả thi. BĐ Bích La (Hà Nội) cho rằng: “Có lẽ Bộ Y tế phải thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên túc trực tại các quán nhậu để tóm những ai ép, xúi giục uống rượu, bia mới mong quy định này khả thi”.
Nói về nỗi khổ của người bị ép, BĐ 2lua (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Đang ở nhà thì sếp điện thoại: “Em ở đâu, làm gì, lại đây tiếp khách với anh chút. Như vậy có phải ép không ta?”. Đáp lại, BĐ M.Tom (Hà Giang) cho rằng: “Đúng là ép rồi đó bạn. Sẽ có hướng dẫn phạt cụ thể sau”, nhưng BĐ Nguyễn Huy Cường thì nghĩ khác: “Không hề ép. Không thích uống từ chối bình thường”. Cũng nói về chuyện ép, BĐ Thanh Tâm (Sóc Trăng) than trời về trường hợp khó xử: “Sếp kêu cạn 100%, bạn nhấp môi mà được à?”.

“Sau một tháng hãy tổng kết cả nước xem vấn đề tai nạn giao thông do rượu, bia có giảm không? Thu phạt vi phạm giao thông tăng giảm thế nào? Doanh thu rượu, bia và thu nhập của người lao động có liên quan đến rượu, bia! Cần một cuộc điều tra nghiêm túc, có phản biện xã hội và ý kiến chuyên gia”.   

Đặng Xuân Diễn (Nghệ An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.