Tranh luận 'TP.HCM chìm hay không chìm' vẫn chưa có hồi kết

06/11/2019 06:38 GMT+7

Cuộc tranh luận về dự báo đến năm 2050, phần lớn miền Nam VN, trong đó có diện tích không nhỏ của TP.HCM sẽ chìm trong nước biển vẫn chưa có hồi kết.

Khởi đầu, ngày 30.10, tờ The New York Times dẫn nghiên cứu do Tổ chức khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature trước đó 1 ngày cho biết, hiện tượng nước biển dâng sẽ xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050, khiến số dân cư bị ảnh hưởng tăng lên tới 150 triệu người, gấp 3 lần so với dự đoán trước đây.
Đáng chú ý, Climate Central cảnh báo phần lớn ĐBSCL có thể bị ngập do tác động của triều cường vào năm 2050, so với các dự báo trước đó về việc chỉ ngập một phần. Khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số, sẽ bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng. Phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước.
Ngay sau khi thông tin trên được báo chí trong nước dẫn lại, trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thừa nhận có nhiều con số nghiên cứu cho thấy TP.HCM đang sụt lún và có thể xảy ra ngập lụt do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn chưa có một số liệu chính xác nào về việc 50 năm nữa TP sẽ “chìm”.
“Lên tiếng” mạnh mẽ hơn, thông qua một số phương tiện truyền thông, PGS-TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), cho rằng có một số vấn đề trong nghiên cứu của Climate Central cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Thứ nhất, các tác giả chỉ sử dụng số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh cho toàn cầu là chưa chính xác. Trên thực tế, so sánh bài báo với kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho VN năm 2016 cho thấy, số liệu trong nghiên cứu này không tốt hơn số liệu mà Bộ TN-MT đã sử dụng.
Thứ hai, các giả thiết về mực nước biển dâng kết hợp với triều cường là tình huống cực đoan rất khó xảy ra. Cụ thể, các tác giả sử dụng kịch bản nước biển dâng 2 m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Đây là sự chồng chập của hai giả định rất cực đoan, tất nhiên sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ rủi ro rất cao.
Hơn nữa, kết quả đưa ra sẽ không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ). Bên cạnh đó, kịch bản nước biển dâng 2 m không được đề xuất trong báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). “Còn thông tin “năm 2050, TP.HCM và ĐBSCL sẽ bị “xóa sổ” là chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan”, đại diện Bộ TN-MT khẳng định.
Chưa kịp bình tâm sau lời trấn an của cơ quan quản lý, dư luận lại tiếp tục xôn xao khi ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central - đồng tác giả của nghiên cứu vừa công bố, đã đăng đàn tái khẳng định kết quả và làm rõ một số quan điểm nghiên cứu. Ông Strauss cung cấp những thông tin trái ngược với 3 điểm bất hợp lý trong kịch bản miền Nam VN ngập dưới đỉnh triều năm 2050 mà Bộ TN-MT chỉ ra.
Theo đó, thừa nhận có thể có sai số do hạn chế lỗi số liệu độ cao (do thu thập dữ liệu độ cao cho vùng đất thấp ven biển của VN chưa có), nhưng ông Strauss nhấn mạnh, Climate Central cũng dành cả một phần của bài viết thảo luận về việc có khả năng sai sót lớn hơn trong đánh giá các khu vực hạn chế (như ĐBSCL) so với các khu vực lớn hơn nhiều (như toàn bộ quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu).
Các chuyên gia đã cải thiện dữ liệu độ cao thông qua việc sử dụng các thuật toán, chia sẻ những phát hiện dựa trên việc so sánh độ cao của mực nước dự kiến với độ cao của đất, và cũng lưu ý các vùng đất có thể được bảo vệ nhờ tuyến phòng thủ ven biển. Bên cạnh đó, ông khẳng định kịch bản chính mà Climate Central đã phân tích và nhấn mạnh là nước biển dâng dưới 1 m vào năm 2100 như hướng dẫn của IPCC, không phải kịch bản nước biển dâng 2 m như Bộ TN-MT phản bác.
Các chuyên gia cũng xem xét các kịch bản cả có và không có lũ lụt ngắn hạn được thêm vào trên mực nước biển dâng một cách cụ thể, rõ ràng, không phải kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần.
Không có dữ liệu chính xác để đối chiếu, cuộc tranh luận chưa có hồi kết, người dân vẫn chưa hết hoang mang: 30 năm nữa, TP.HCM chìm hay không chìm?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.