Tranh luận sôi nổi về lương của hiệu trưởng trường đại học

03/11/2020 06:03 GMT+7

Nhiều bạn đọc tranh luận sôi nổi về chuyện lương của hiệu trưởng trường đại học ; người cho là quá cao, người lại cho rằng điều quan trọng là năng lực của hiệu trưởng và phải rõ ràng, minh bạch.

Như Thanh Niên đã đưa tin, câu chuyện lương của hiệu trưởng một số trường đại học (ĐH) công lập tự chủ tài chính xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng, thậm chí có người lên đến hơn 500 triệu đồng/tháng khiến dư luận có nhiều ý kiến. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 30.10, khi được hỏi về mức lương của ông Lê Vinh Danh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: Đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH thì đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nghị quyết T.Ư mới đây cũng đưa ra tinh thần là trường ĐH được áp dụng cơ chế trả lương như doanh nghiệp. “Cho nên, việc trả lương trước tiên là dựa vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Còn hợp lý hay không, cao hay thấp thì Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và Tổng liên đoàn Lao động sẽ xem xét cụ thể”, ông Thăng cho biết thêm.

Lương nên theo năng lực

“Tôi là một người cũng công tác trong ngành giáo dục, lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Cứ nghĩ đến có hiệu trưởng ĐH lãnh lương hơn 500 triệu đồng/tháng, hơn mình gần cả trăm lần mà tủi thân. Nghĩ mình học hành không bằng người ta, lại chỉ là một giáo viên bình thường ở một trường bình thường, buồn. May mà con mình không hỏi mình về lương...”, bạn đọc (BĐ) Minh Trang viết. Tâm sự của BĐ này có lẽ cũng là nỗi niềm của nhiều người.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bài viết Cần cơ chế đột phá về việc trả lương cho hiệu trưởng trên Thanh Niên: “Cần phá vỡ cơ chế trả lương hiện nay để đi tới một tư duy đột phá rằng dù công hay tư, nếu hiệu trưởng mang lại giá trị thì “phần thưởng” mang lại cho họ phải tương xứng nhưng phải minh bạch và rõ ràng”. Ý kiến rất hay.   

Thu Yến

Tuy nhiên, BĐ Bính thì cho rằng “So sánh như thế không đúng” vì “Giáo viên như bạn nói chỉ dạy mấy lớp mà thôi, còn hiệu trưởng họ điều hành cả một trường ĐH, công việc nặng hơn nhiều”. BĐ Thanh Lê nêu ý kiến: “Trường tư hay công lập, nếu đã tự chủ về tài chính thì cứ “lương theo năng lực” mà xét. Lương cao quá nhiều bạn kêu “choáng”, lấy tiền đâu trả lương. Nhưng các bạn chưa xem xét là người nhận lương khủng đã kéo bao nhiêu tỉ đồng lợi nhuận về cho trường. Phải “thắng thầu” được tiền đầu tư của nhà nước vào các dự án nghiên cứu, sản xuất, hoặc được doanh nghiệp ngoài tin tưởng đặt hàng dự án của họ; phải có các công trình hợp tác trong/ngoài nước; các công trình (và theo đó là các bài viết) có chất lượng nâng cao uy tín trường, từ đó nâng cao độ hấp dẫn sinh viên theo học, hấp dẫn đối tác... thì mới có mức lãi ròng hàng trăm tỉ. Công sức bỏ ra để thành công cho mấy yêu cầu “phải” ở trên không hề nhỏ”.

Cứ theo luật mà làm, phải rõ ràng, minh bạch

Nói về mức lương hiệu trưởng trường ĐH, BĐ Thuấn cho rằng: “Hiệu trưởng ĐH nhận lương bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng là có xứng đáng với hiệu quả công việc không. Nếu trường hoạt động tốt, tuyển sinh nhiều, uy tín cao... thì lương hiệu trưởng 1 tỉ đồng mỗi tháng cũng xứng đáng mà”.

Con mình đã hỏi mình về lương. Mình chỉ nói: Con cố gắng học thật giỏi, đóng góp được nhiều lợi ích thiết thực cho đơn vị, xã hội, thì sẽ có lương cao, có khi lên đến cả tỉ đồng một tháng. Cố lên!   

Bích Châu

BĐ Thuận nêu ý kiến: “Cứ theo quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường mà làm. Trường đã ra quy chế, tất phải có lý của trường. Hơn nữa, hiệu trưởng bị rất nhiều áp lực, nếu họ không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thì sẽ bị cho thôi ngay”. Cùng ý kiến, BĐ Anh Đào cho biết thêm: “Nói về lương thì bao la lắm. Cứ theo luật mà làm, hoặc quy chế chi tiêu nội bộ của trường, hoặc hội nghị công nhân viên chức, hoặc thỏa thuận, tùy theo từng loại trường. Cái nào luật không cấm thì được làm. Làm nhiều thì hưởng nhiều, vậy thôi”.
Nhiều BĐ khác cũng đồng quan điểm trên, chỉ bổ sung “phải rõ ràng và minh bạch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.