Tranh luận chi tiết hư cấu trong phim 'Em và Trịnh': Luật sư nói gì?

27/06/2022 09:07 GMT+7

Bộ phim Em và Trịnh sau khi công chiếu đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều tranh luận dấy lên xoay quanh các chi tiết hư cấu trong phim. Câu hỏi được đặt ra là nhà sản xuất, đạo diễn có vi phạm luật hay không khi xây dựng nhân vật trong phim không đúng với nguyên mẫu?

Trước những tranh cãi xoay quanh phim Em và Trịnh cùng việc xây dựng hình tượng nhân vật không đúng với đời thực, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Sơn, Chuyên gia nghiên cứu về luật điện ảnh - Phụ trách khoa Luật, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM).

Phim Em và Trịnh đang tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội do cách xây dựng hình tượng các nhân vật có chi tiết không đúng đời thực

đpcc

* Trên thế giới hiện nay có những bộ phim về các nhân vật có thật. Vậy, pháp luật Việt Nam có cho phép sản xuất phim về nhân vật có thật hay không?

- TS Nguyễn Ngọc Sơn: Trên thế giới, việc sản xuất phim về những nhân vật có thật (còn sống hoặc đã qua đời) đều được pháp luật thừa nhận và các nhà sản xuất phim cũng khai thác. Ngay cả hai vị giáo hoàng hiện nay (Giáo hoàng danh dự Biển Đức XVI và Giáo hoàng đương kim Phanxico) cũng được làm phim. The Two Popes là một bộ phim chính kịch tự truyện năm 2019 được đạo diễn bởi Fernando Meirelles và được viết bởi Anthony McCarten, dựa trên vở kịch năm 2017 The Pope của McCarten. Bộ phim có sự tham gia của Anthony Hopkins trong vai Giáo hoàng Biển Đức XVI và Jonathan Pryce trong vai Hồng y Jorge Mario Bergoglio (sau này là Giáo hoàng Phanxicô).

Pháp luật Việt Nam không cấm việc sản xuất và trình chiếu các bộ phim về những nhân vật có thật hoặc được xây dựng từ những nhân vật có thật. Nhiều bộ phim ở các thể loại (phim truyền hình, phim lịch sử, phim điện ảnh) được sản xuất từ những nhân vật có thật hoặc về những nhân vật có thật. Điều quan trọng khi làm phim về những nhân vật có thật, nhà sản xuất, đạo diễn phải đảm bảo không bôi nhọ hay xâm phạm đến bí mật riêng tư của nhân vật. Ở điểm này, tôi cũng cần lưu ý rằng những bí mật riêng tư phải là “bí mật”. Những câu chuyện đã được công khai thì việc khai thác không vi phạm quy định về bảo vệ bí mật riêng tư.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Chuyên gia nghiên cứu về luật điện ảnh - Phụ trách khoa Luật, Trường đại học Tôn Đức Thắng

NVCC

* Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm điện ảnh có bắt buộc phải miêu tả toàn bộ sự thật về các sự kiện, nhân vật?

- Pháp luật không có quy định bắt buộc một tác phẩm điện ảnh phải miêu tả toàn bộ sự thật về các sự kiện, nhân vật. Khoản 7 Điều 4 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phư­ơng tiện hay hình thức nào”. Trong khái niệm “tác phẩm” theo luật Sở hữu trí tuệ quy định có tác phẩm điện ảnh. Do đó, có thể thấy rằng pháp luật cho phép những người tạo nên tác phẩm có thể sáng tạo.

Tuy nhiên, sự sáng tạo có những giới hạn bởi quyền nhân thân của nhân vật hoặc của những người mà tác phẩm có đề cập tới. Điều này được hiểu là sự sáng tạo không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người mà tác phẩm đề cập đến. Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Dĩ nhiên, những sáng tạo đơn giản tình tiết trong phim như trang phục, lời nói vui, hành động ăn sữa chua hay đi thăm nhau... (cho dù chuyện này không xảy ra trên thực tế) thì cũng không đủ để quy kết tác phẩm điện ảnh xâm phạm danh dự, uy tín của nhân vật.

Danh ca Khánh Ly thẳng thắn chia sẻ bà cảm thấy không vui với cách mà Em và Trịnh khắc họa chân dung bà trên màn bạc

đpcc

* Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm điện ảnh có được phép sửa đổi các sự kiện, nhân vật có thật không?

- Như đã nêu ở các câu trả lời trên, tác phẩm điện ảnh không phải là phim tài liệu hay phim tư liệu về cuộc đời của một nhân vật nào đó, tác phẩm điện ảnh là một “tác phẩm” được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ và luật Điện ảnh. Người tạo ra tác phẩm điện ảnh có thể sáng tạo, chỉnh sửa, thêm thắt các tình tiết để cho tác phẩm được hay hơn và hấp dẫn hơn. Cố nhiên, việc sáng tạo này vẫn phải đảm bảo không xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật có thật mà tác phẩm đề cập.

Vướng tranh cãi hư cấu hình tượng nhân vật, nhà sản xuất 'Em và Trịnh' nói gì?

Kinh nghiệm làm phim trên thế giới, nhiều tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại có đề cập hoặc khai thác đới tư hoặc công việc của nhân vật có thật và các nhà biên kịch, đạo diễn cũng sáng tạo, sửa đổi, thêm thắt nhiều sự kiện (thậm chí không có thật) để làm cho tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn trước công chúng. Ví dụ như bộ phim The Two Popes đã đề cập của đạo diễn Fernando Meirelles, các sự kiện về hai vị giáo hoàng đương đại và diễn biến câu chuyện của toàn bộ bộ phim gần như là hư cấu. Người xem vẫn đón nhận, các nhân vật có trong bộ phim cũng bình thản đón nhận. Bộ phim này cũng được một số đề cử giải Oscar danh giá.

* Với sự đồng ý của gia đình cố nhạc sĩ, Em và Trịnh đã có đảm bảo về pháp lý ở hình tượng Trịnh Công Sơn xuyên suốt bộ phim chưa?

- Sự đồng ý của gia định cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng mà còn thể hiện sự gắn kết của những người sản xuất bộ phim đối với gia đình nhạc sĩ. Về mặt pháp lý, sự đồng ý của những người thừa kế trong gia đình nhạc sĩ là sự đồng ý cho phép khai thác các tư liệu có thật và tạo dựng những câu chuyện trong toàn bộ đường dây kịch bản của bộ phim. Dĩ nhiên, một lần nữa tôi phải nhắc lại là sự sáng tạo không làm mất danh dự, uy tín, nhân phẩm của người có liên quan. Dưới góc độ một khán giả, tôi nhận thấy rằng những “câu chuyện thêm” mà nhà biên kịch và đạo diễn đưa vào bộ phim hoàn toàn trong sạch và không có bất kỳ sự xâm phạm danh dự, uy tín nào của các nhân vật có liên quan. Toàn bộ đường dây của câu chuyện có trong bộ phim đem lại cho người xem sự yêu mến âm nhạc của Trịnh Công Sơn và yêu thương thêm những nhân vật có trong đời sống của cố nhạc sĩ, trong đó có cô Dao Ánh, cô Khánh Ly, cô Thanh Thúy…

Trong Em và Trịnh, nhân vật Khánh Ly có nhiều cử chỉ thân mật với Trịnh Công Sơn như đút sữa chua, nói chuyện ngang hàng phải lứa... Những chi tiết này đang hứng chỉ trích của nhiều khán giả lẫn người trong cuộc

đpcc

Cách xây dựng hình tượng danh ca Thanh Thúy trong Em và Trịnh cũng được cho là xa rời nguyên mẫu

đpcc

* Phần mở đầu phim có nêu rõ Em và Trịnh có những tình tiết hư cấu để tăng kịch tính cho bộ phim. Việc hư cấu thêm để tăng tính kịch tính có vi phạm điều cấm của pháp luật và những nhân vật có liên quan có thể khởi kiện được hay không?

- Như tôi đã nêu, một tác phẩm nói chung và tác phẩm điện ảnh nói riêng đều có những phần sáng tạo của người sản xuất, của đạo diễn. Các đạo luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ, luật Điện ảnh không có quy định cấm việc xây dựng nhân vật hư cấu hay hư cấu câu chuyện của nhân vật có thật. Thậm chí, ở góc độ nào đó, pháp luật bảo hộ quyền sáng tạo của người làm phim miễn sao không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật. Ranh giới mà pháp luật đặt ra chỉ là sự sáng tạo phải tôn trọng nhân phẩm, danh dự và uy tín của người khác. Pháp luật không hạn chế quyền sáng tạo của người sản xuất một tác phẩm điện ảnh.

Việc khởi kiện hoặc yêu cầu đính chính chỉ có cơ sở khi các câu chuyện hư cấu mà người làm phim đưa ra có dấu hiệu xâm phạm danh dự, uy tín và nhân phẩm. Việc khởi kiện hoàn toàn do các cá nhân liên quan quyết định. Song với những câu chuyện trong nội dung của bộ phim, việc khởi kiện khó có thể xảy ra do bộ phim chủ yếu tôn vinh những tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ.

Diễn viên Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn thời trẻ cùng diễn viên Nhật Linh (vai danh ca Thanh Thúy)

đpcc

* Phim Em và Trịnh có sử dụng tên một số nhân vật có thật. Đoàn phim cần đảm bảo những hợp đồng, cam kết, giấy tờ… gì về mặt pháp lý để không vi phạm quyền thân nhân của các nhân vật liên quan?

- Việc sử dụng tên của một số nhân vật có thật không vi phạm điều cấm của pháp luật và cũng không có quy định cụ thể về việc khi làm một tác phẩm (nói chung) và tác phẩm điện ảnh nói riêng phải có văn bản đồng ý của những nhân vật có thật. Điều này cũng xảy ra tương tự ở các quốc gia khác. Các bộ phim về những chính khách như Tổng thống Hoa Kỳ, Nữ hoàng Anh, các nhân vật thuộc hoàng gia Anh, các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng cũng được nhiều nhà sản xuất và đạo diễn phim của thế giới sản xuất. Theo hiểu biết của tôi về thực tế pháp lý của nhiều bộ phim dạng tiểu sử thì các nhà sản xuất và đạo diễn không xin phép các nhân vật trên. Điều duy nhất mà pháp luật ràng buộc là không xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của các nhân vật mà bộ phim đề cập.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (áo hồng) - em gái ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều lần thể hiện sự ủng hộ dành cho đoàn phim Em và Trịnh. "Đây là phim điện ảnh, hư cấu chứ không phải phim tư liệu nên tôi nghĩ việc “phản ánh chân thực nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” cũng phải hiểu ở khía cạnh tinh thần, cảm xúc chứ không ở các tiểu tiết, như là diện mạo, cao hay thấp, giọng Huế có giống hay không, đó chỉ là hình thức bên ngoài", bà cho hay

đpcc

* Ý kiến cá nhân của luật sư về những lùm xùm pháp lý liên quan đến Em và Trịnh?

- Tôi thật sự đáng tiếc vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn đã là một tượng đài lớn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Bộ phim thực sự đã thành công khi đạo diễn và những người tham gia làm phim đã góp một phần đưa những điều đẹp đẽ nhất trong âm nhạc của Trịnh đến với khán giả. Tôi cũng đi xem phim và khi ra về, tôi đã dành cả một buổi tối để đắm mình vào với thế giới âm nhạc của Trịnh. Những rung động ấy là có thật và đáng yêu. Những câu chuyện được bộ phim kể lại đều đẹp và yêu thương. Tôi không thấy có bất kỳ sự xúc phạm nào trong các câu chuyện. Đây là bộ phim hay và đáng xem. Có thể ở chừng mực nào đó, một số nhân vật trong phim không hài lòng về những hư cấu mà nhà biên kịch hoặc đạo diễn dàn dựng, song nhìn tổng thể thì nhân cách, cuộc đời, tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là có thật và đáng trân quý.

* Xin cảm ơn chia sẻ của luật sư!

Đại diện nhà sản xuất, ông Lương Công Hiếu, CEO của Galaxy EE chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Em và Trịnh là bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay phim tiểu sử. Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim “Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật”, chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim.

Với độ dài 136 phút, để giữ chân khán giả kiên nhẫn ngồi tại rạp, bắt buộc Em và Trịnh phải cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt nhằm tạo kịch tính cho phim. Không chỉ với Khánh Ly, mà nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… trong phim đều có những chi tiết sáng tạo, hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của bộ phim.

Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời.

Em và Trịnh, bằng ngôn ngữ điện ảnh, đã cố gắng “làm sống lại huyền thoại” Trịnh Công Sơn. Đây là điều vô cùng khó khăn, vì vậy không tránh khỏi thiếu sót. Chỉ mong khán giả hãy đón nhận bộ phim theo cách mà chính cố nhạc sĩ từng nói: “Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm”.

Gần đây, ca sĩ Khánh Ly chia sẻ với báo chí rằng bộ phim Em và Trịnh đã phản ánh không chân thực mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Bà cảm thấy không vui khi biết được trong phim có những cảnh Khánh Ly đút sữa chua cho ông ăn, chủ động đi tìm vị nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn. Khánh Ly khẳng định giữa bà và Trịnh Công Sơn không có tình yêu.

Trong khi đó, danh ca Thanh Thúy cũng cảm thấy lạ lẫm với tạo hình nhân vật của bà trên phim. Bà nhận xét: “Đó là thời gian mẹ tôi mới mất. Tôi để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ tôi mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Tôi cũng rất 'kỵ' hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngõ hẻm mờ ảo như thế. Đó không phải là tôi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.