Tranh chấp liên quan bài thơ 'Gánh mẹ': thêm chứng cứ, tòa tạm ngưng, sẽ triệu tập vợ chồng Quách Beem

21/10/2020 16:30 GMT+7

Phiên sơ thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan bài thơ Gánh mẹ đã tạm ngưng sau khi phía nguyên đơn – ông Trương Minh Nhật - người nhận là tác giả bài thơ đưa ra 2 chứng cứ mới.

Sau 2 lần hoãn, sáng 21.10, phiên sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại - về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan bài thơ Gánh mẹ đã diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP.HCM, với sự tham gia của nguyên đơn: ông Trương Minh Nhật cùng luật sư đại diện, phía bị đơn gồm: luật sư và đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Lý Hải Production (của ca sĩ Lý Hải - PV) và đại diện theo ủy quyền của ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem).

Bị đơn bác bỏ các yêu cầu từ nguyên đơn 

Tại Tòa, phía nguyên đơn - luật sự đại diện ông Trương Minh Nhật đã nêu các yêu cầu đối với bị đơn là Công Ty TNHH Lý Hải Production và ông Đoàn Đông Đức. Cụ thể:
- Đối với Công ty TNHH Lý Hải Production: đảm bảo quyền nhân thân của ông Trương Minh Nhật với bài thơ Gánh mẹ, cụ thể là phải nêu tên ông Trương Minh Nhật là tác giả bài thơ Gánh mẹ trên phim Lật mặt 4 Nhà có khách (gọi ngắn gọn là Lật mặt 4) và tất cả các bài viết, bài đăng, thông tin công bố khác có liên quan; bồi thường thiệt hại cho ông Trương Minh Nhật do hành vi sử dụng bài thơ Gánh mẹ của ông Nhật trong phim Lật mặt 4 mà không xin phép trong khoảng thời gian từ ngày khởi kiện trở về trước, tạm tính số tiền bồi thường thiệt hại là 825 triệu đồng; thỏa thuận với ông Trương Minh Nhật và thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho hành vi sử dụng bài thơ Gánh mẹ trong phim phim Lật mặt 4 cho khoảng thời gian sau ngày khởi kiện; xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sử dụng bài thơ Gánh mẹ của ông Trương Minh Nhật trong phim Lật mặt 4 mà không xin phép và không thông tin đúng về tác giả; tạm dừng khai thác bài thơ Gánh mẹ trên mọi phương tiện và nền tảng trong khoảng thời gian từ ngày Tòa thụ lý vụ án cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Trước khi tìm đến sự tư vấn pháp lý, ông Nhật đã rất nhiều lần liên hệ với ca - nhạc sĩ Quách Beem với mong muốn được thừa nhận quyền tác giả của mình đối với bài thơ Gánh mẹ, nhưng ông cho biết đã không nhận được phản hồi thỏa đáng từ ca - nhạc sĩ Quách Beem

Ảnh: T.A

- Đối với bị đơn là ông Đoàn Đông Đức: yêu cầu ông Đoàn Đông Đức phải tạm ngừng việc khai thác bài thơ Gánh mẹ của ông Trương Minh Nhật trên mọi phương tiện nền tảng; bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, tạm tính bồi thường thiệt hại vật chất: 500 triệu đồng và bồi thường thiệt hại tinh thần là 50 triệu đồng, tổng cộng 550 triệu đồng; buộc ông Đoàn Đông Đức phải đảm bảo quyền nhân thân của ông Trương Minh Nhật đối với bài thơ Gánh mẹ, cụ thể nêu tên ông Trương Minh Nhật là tác giả của phần lời thơ Gánh mẹ; phải khắc phục, sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
Trước những yêu cầu này, phía đại diện theo ủy quyền của ông Đoàn Đông Đức bác bỏ hoàn toàn với lý do là nguyên đơn chưa chứng minh được là tác giả và chủ sở hữu bài thơ Gánh mẹ, trong khi phía ông Đoàn Đông Đức có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT -DL cấp.  
Phía đại diện theo ủy quyền của Công ty Lý Hải Production (gọi tắt là Công ty Lý Hải) cũng yêu cầu hội đồng xét xử bác bỏ những yêu cầu từ nguyên đơn vì cho rằng không có căn cứ, do Công ty Lý Hải Production sử dụng ca khúc Gánh mẹ trong phim Lật mặt 4 chứ không sử dụng bài thơ; cũng như Công ty Lý Hải đã ký hợp đồng với ca nhạc sĩ Quách Beem (Đoàn Đông Đức) - người có giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả, chủ sở hữu ca khúc Gánh mẹ.

Nhiều thông tin không khớp trong lời khai bị đơn

Trong phần hỏi đáp, nhiều thông tin phía bị đơn đưa ra không khớp với nhau. Chẳng hạn, khi luật sư nguyên đơn hỏi phía đại diện Lý Hải lúc ký hợp đồng mua ca khúc Gánh mẹ, bên ông Đoàn Đông Đức có cung cấp giấy chứng nhận là chủ sở hữu ca khúc này do Cục Bản quyền tác giả cấp hay chưa, thì được trả lời có. Nhưng sau đó, lúc hội đồng xét xử hỏi lại thời gian cấp giấy chứng nhận này, cũng như thời gian ký hợp đồng giữa Công ty Lý Hải và ông Đoàn Đông Đức thì kết quả... ngược lại. 

Chứng cứ mới tại phiên tòa - Biên bản làm việc lần 1

Ảnh: T.A

Cụ thể, thời gian ký hợp đồng mua ca khúc do phía 2 bị đơn cung cấp là ngày 4.3.2019; trong khi thời gian thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp cho ông Đoàn Đông Đức là ngày 24.4.2019. Nghĩa là, khi ký hợp đồng mua ca khúc Gánh mẹ, giấy chứng nhận này chưa có.
Bên cạnh đó, khi luật sư nguyên đơn hỏi phía đại diện ông Đoàn Đông Đức có thỏa thuận nào với ông Trương Minh Nhật trước khi đưa vụ việc ra tòa hay không, thì được trả lời là không. Nhưng sau đó, ông Trương Minh Nhật cho biết khi phát hiện nội dung bài thơ Gánh mẹ của ông bị sử dụng, khai thác trên nhiều phương tiện (cụ thể là trong ca khúc Gánh mẹ, với tên tác giả sáng tác là Quách Beem) mà không có sự xin phép nào, ông đã liên lạc với Quách Beem và có làm việc 2 lần với phía Quách Beem; cùng với đó là 2 biên bản được ông Nhật gửi lên hội đồng xét xử.
Cụ thể, ngày 1.10.2019 ông Nhựt đã làm việc với bà Trần Ngọc Diễm Châu, người nhận là quản lý và là vợ ông Đoàn Đông Đức (theo lời ông Nhật); nội dung trong biên bản này bà ghi: "Tôi sẽ thông tin sự việc đến ca sĩ Quách Beem và hẹn gặp ông Trương Minh Nhật khoảng từ ngày 10-12.10.2019 với sự có mặt của tôi, ông Quách Beem và ông Trương Minh Nhật". Sau đó ngày 11.10.2019, có một biên bản khác được thỏa thuận giữa ông Đoàn Đông Đức và ông Trương Minh Nhật về việc "ông Trương Minh Nhật và tôi sẽ hợp tác trong tác phẩm Gánh mẹ 2, lời thơ Trương Minh Nhật, phổ nhạc Quách Beem...".

Biên bản làm việc giữa ông Trương Minh Nhật và ông Đoàn Đông Đức (Quách Beem)

Ảnh: T.A

Sau khi xem 2 biên bản này, phía đại diện ông Đoàn Đông Đức xác nhận chữ ký biên bản ngày 11.10.2019 là của ông Đức, nhưng cho rằng chữ ký ở biên bản ngày 1.10.2019 không phải của bà Trần Ngọc Diễm Châu.
Trước những tình tiết này, hội đồng xét xử cho rằng vì có 2 chứng cứ mới, mà hội đồng xét xử cần phải làm rõ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trong khi nhân chứng được đề cập trong chứng cứ - bà Trần Ngọc Diễm Châu, cũng như ông Đoàn Đông Đức không có mặt tại phiên tòa, do đó sau khi thảo luận, hội ý, hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa. Hội đồng xét xử cho biết sẽ triệu tập bà Trần Ngọc Diễm Châu và ông Đoàn Đông Đức đến tòa để làm việc, tiến hành đối chất công khai chứng cứ giữa các bên nguyên đơn và bị đơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.