Tranh chấp khi trùng lặp tên gọi ở các cuộc thi hoa hậu

22/06/2022 06:53 GMT+7

Quyết định “cởi trói” cho các cuộc thi hoa hậu đã dẫn đến hệ quả là các cuộc thi mọc lên như nấm sau mưa và chưa lường hết được những rắc rối có thể xảy ra, nhất là việc trùng tên cuộc thi, gây hiểu nhầm cho người tổ chức lẫn công chúng.

“Cuộc chiến” đặt tên cuộc thi

Những năm trước, Việt Nam chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia mỗi năm. Tuy nhiên, quy định mới nhất theo Nghị định 144/2020 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1.2.2021) cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm. Việc tổ chức thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND cấp tỉnh - nơi diễn ra cuộc thi - chấp thuận. Đó là lý do khiến “đấu trường nhan sắc” Việt trở nên nháo nhào, đua nhau diễn ra đến mức trùng lặp nhau ở chính tên gọi cuộc thi khiến khán giả không biết đâu là cuộc thi nào.

Hoa hậu Hòa bình VN 2022 mua bản quyền Miss Grand International họp báo tại VN

Với cụm từ du lịch, có một loạt cuộc thi như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng… Từ Hoa hậu Đại dương, lại có thêm Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Biển môi trường… Điều này đã khiến bà Vũ Thị Mỹ Dung, Trưởng ban Tổ chức Miss Tourism Vietnam (trước đây có tên gọi Hoa khôi du lịch Việt Nam, nay được nâng cấp đổi tên thành Hoa hậu du lịch Việt Nam), Giám đốc Công ty TNHH quảng cáo - truyền thông Tấm và Cám, lên tiếng: “Với một số cuộc thi đã từng lấy tên Hoa hậu Du lịch Việt Nam, chúng tôi đều có công văn xử lý, bởi tên gọi này đã được công ty chúng tôi đăng ký bản quyền với các cơ quan quản lý nên mọi cá nhân, tổ chức, công ty khác lấy tên Hoa hậu Du lịch Việt Nam để tuyển sinh đều có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật”.

Vừa qua, có 2 đơn vị đang tranh giành tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và cả hai cùng đang nhận hồ sơ đăng ký dự thi của các người đẹp, là Công ty Sen Vàng (đơn vị từng tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam và đồng tổ chức Hoa hậu Việt Nam với Báo Tiền Phong) và Công ty Minh Khang Việt Nam. Với Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (tên tiếng Anh: Miss Peace Vietnam, trước đây từng có tên Hoa khôi Hòa bình Việt Nam, nay đổi thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), vòng bán kết dự kiến diễn ra vào ngày 3.9 và chung kết vào ngày 11.9. Còn Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (tên tiếng Anh: Miss Grand International Vietnam) của Công ty Sen Vàng được mua bản quyền quốc tế từ Miss Grand International mà Nguyễn Thúc Thùy Tiên từng giành ngôi vị hoa hậu vào năm 2021 tại Thái Lan. Miss Grand International trong thực tế 10 năm qua đã được lấy tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình quốc tế với nhiều đại diện Việt Nam tham gia tranh tài. Hiện cả hai bên đều đưa ra những cơ sở để chứng minh mình đúng. Tuy nhiên, bà Phạm Kim Dung phía Sen Vàng cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ và đang làm nhiều biện pháp về luật đến cùng để bảo vệ tên gọi cuộc thi, nhằm tiến hành cuộc thi từ ngày 5 đến 25.9, bám sát format của cuộc thi quốc tế để chọn ra người đẹp tranh tài tại Miss Grand International 2022 ở Indonesia vào tháng 10.

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình VN 2022 - Miss Peace Vietnam

Không nói tới các cuộc thi hoa hậu dành cho các cô gái trẻ vốn đã trùng nhiều ý về tên gọi, thì ngay chỉ ở tên gọi “Hoa hậu Doanh nhân” dành cho phụ nữ thành đạt cũng trùng lắp, không thể phân biệt rõ khi đã có những cuộc thi được tổ chức như: Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân hoàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Thái Bình Dương, Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân tài sắc, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Quý bà Doanh nhân…

Rắc rối đến mức có thể… ra tòa !

Mới đây, hai cuộc thi cùng có tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam - một do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức, và cuộc thi thứ 2 cũng y chang tên do Hãng truyền thông Topstar tổ chức, đã nảy sinh tranh chấp tên gọi. Bên phía Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Hãng truyền thông Topstar tổ chức đã công bố hồ sơ pháp lý liên quan đến cuộc thi bao gồm: Chứng nhận đăng ký quyền tác giả về bài viết giới thiệu đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) cấp; chứng nhận đăng ký quyền tác giả về hình thức thể hiện logo Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả cấp; văn bản chấp thuận của UBND TP.Đà Nẵng về tổ chức Chung kết cuộc thi theo Giấy phép số 2613/UBND-SVHTT. Bà Đặng Gia Bena, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, thông tin: “Việc công bố các giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan nhằm bảo vệ độ uy tín, chuyên nghiệp và tránh việc vi phạm bản quyền, tác phẩm của cuộc thi, bảo toàn được tâm huyết của đơn vị tổ chức và tạo sân chơi chuyên nghiệp cho thí sinh”.

Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân VN 2021 của Công ty URA VN

NVCC

Còn phía Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức cho biết: “Đây là sân chơi nhan sắc chính thống do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức, được sự cấp phép của Bộ VH-TT-DL theo Giấy phép số 4409/GP-BVHTTDL ngày 26.11.2020”. Cuộc thi do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức, từng diễn ra thành công vào năm 2021, có sự phối hợp tổ chức cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với sự bảo trợ truyền thông của Báo Thanh Niên, với gương mặt đăng quang là Hoa hậu Doanh nhân Đào Ái Nhi. Cuộc thi này cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người yêu nhan sắc khi chương trình được tổ chức chuyên nghiệp, văn minh và thêm phần ý nghĩa khi các nữ doanh nhân chung tay trong công tác thiện nguyện, cụ thể đã đóng góp trực tiếp hơn 2,7 tỉ đồng bảo trợ cho các cháu mồ côi sau đại dịch Covid-19 trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do Báo Thanh Niên tổ chức.

Hiện tại, trong khi cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 (do Hãng truyền thông Topstar tổ chức, sẽ diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào tháng 7 tới) đang tuyển sinh, thì cuộc thi trùng tên do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam thông tin: “Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam không tổ chức năm 2022”. Sự trùng tên này, theo bà Đặng Bảo Trâm, đồng sáng lập URA Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, cho biết: “Tiền đề của chúng tôi, năm 2020, khi công bố thì cuộc thi mang tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam quốc tế. Vì năm 2020 hết “quota” (chỉ tiêu về số lượng) cho cuộc thi trong nước, nên chúng tôi buộc lấy tên gắn chữ “quốc tế” vào. Nhưng sau đó cảm thấy cái tên này chưa thỏa mãn, nên chúng tôi đợi sang năm 2021 mới tổ chức, và xin giấy phép từ Bộ VH-TT-DL với tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là cuộc thi cuối cùng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ VH-TT-DL, sau đó phân quyền cấp phép về các địa phương”. Theo bà Bảo Trâm, bên Topstar là đơn vị tổ chức Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam trước, vào năm 2019. Về pháp lý, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 của Topstar được UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận tổ chức (theo Giấy phép số 2613/UBND-SVHTT) là không sai. “Vấn đề công ty kia không đúng ở đây là họ kiện chúng tôi vi phạm bản quyền của họ. Về lý do kiện này, chúng tôi chỉ xin nói ngắn gọn: quyền tác giả không liên quan đến tên tác phẩm và các cơ quan chức năng cũng như các anh chị tổ chức cuộc thi buộc phải hiểu quy định này theo luật Sở hữu trí tuệ”, bà Trâm nói.

Bà Bảo Trâm cho rằng: “Về bản quyền các cuộc thi hoa hậu, theo luật, cụm từ Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam hay bất kể các cuộc thi hoa hậu khác có tên gọi đặc thù đều không được bảo hộ quyền, mà chỉ bảo vệ quyền tác giả cho một tác phẩm. Luật Sở hữu trí tuệ chia làm 2 đối tượng: một, là thương hiệu: ví dụ là Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam - thương hiệu này được điều chỉnh theo quy định về bảo hộ nhãn hiệu; hai, là quyền tác giả: tức hình thức thể hiện logo Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, và quyền tác giả này được điều chỉnh theo quy định về quyền tác giả và quyền liên quan. Nói một cách dễ hiểu, bạn có thể tổ chức 100 cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam có logo riêng, nội dung khác nhau và đi đăng ký quyền tác giả cho 100 tác phẩm đó. Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bạn vì bạn đã nghĩ ra nội dung cho nó. Nói vậy để thấy rằng không ai độc quyền tên gọi!”.

Cần phải hiểu, không giống như bài hát, kịch bản… có thể đặt tên trong phạm vi tùy thích, các cuộc thi nhan sắc có quy định hẳn hoi dựa vào mục đích, ý nghĩa của cuộc thi được nêu rõ và phải phù hợp với tên gọi của cuộc thi (được quy định trong mẫu đề án tổ chức cuộc thi do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 144/2020). Tình hình bùng nổ các cuộc thi hoa hậu hiện tại rõ ràng đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến công chúng phải chịu đựng những hệ quả tất yếu từ sự hỗn độn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.