Tranh cãi việc giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non

Thu Hằng
Thu Hằng
17/06/2020 07:51 GMT+7

Do đặc thù công việc, giáo viên mầm non phải được coi là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay, không thể để giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức ngày 16.6.

96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55

Tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, bày tỏ: “Giáo viên mầm non (GVMN) phải được coi là ngành nghề nặng nhọc, độc hại bởi họ không chỉ dạy học mà còn phải dỗ trẻ. Hằng ngày họ phải đến lớp rất sớm để đón trẻ và về rất muộn sau khi đã trả hết trẻ. Bên cạnh đó, trẻ mầm non còn khá non nớt, hành vi của trẻ chưa đầy đủ, quấy khóc, ương bướng... có thể gây áp lực cho GV. Chúng tôi mong muốn nghị định khi đi vào thực thi phải thật khả thi”.

55 tuổi trở đi, GVMN sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy..., nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra

Nguyễn Ngọc Ân (Phó chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục VN)

Đồng tình ý kiến trên, bà Cù Thị Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ GD-ĐT), cho rằng yêu cầu công việc đối với GVMN ngày càng cao. “Trước đây chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây cô sẽ là... bà và các cháu là con. Ngoài công việc áp lực, nhiều cô giáo cũng có những tâm tư, không có thời gian giảng dạy các cháu, điều kiện lo chuyện riêng tư...”.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, đề nghị cho GVMN được về hưu ở tuổi 55. Ông Ân cho hay qua khảo sát của công đoàn ngành, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho GVMN được về hưu ở tuổi 55.
“Hiện tại định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của GVMN quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày). Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của GVMN giảm sút rất nhanh. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, GVMN sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy..., nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra”, ông Ân nói.

Cần nghiên cứu bài bản

Theo bà Cù Thị Thủy, đối với vị trí việc làm của trường mầm non, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể nghỉ hưu muộn để tận dụng kinh nghiệm. Còn GV trực tiếp, nếu được nghỉ hưu ở tuổi 55 các cô rất vui. Tuy nhiên, để đưa ra những căn cứ khoa học, thuyết phục Chính phủ, chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá cụ thể hơn nữa, phải có chuyên gia tính toán định mức lao động, tác động độc hại...
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), qua lấy ý kiến ở các bộ ngành, địa phương, cho rằng những người lao động như GVMN, nhân viên đường sắt, dệt may, các ngành nông nghiệp... đề nghị bổ sung vào danh mục nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, theo bà Ngân, danh mục nghề nặng nhọc độc hại đã được lấy ý kiến của chuyên gia, các bộ ngành nên việc những nghề chưa được đưa vào dự thảo danh mục rất khó được xem xét. Vì vậy, cần có những khảo sát, nghiên cứu cụ thể.

Không phải già rồi thì không làm được đâu, “thầy già” mà không đứng sau kèm thì “con hát trẻ” làm sao hát hay được

PGS-TS Lê Thị Châu Khoa Luật, Trường ĐH Công đoàn

Ngược lại, bà Diệu Hồng, chuyên gia độc lập, lo ngại: “Trước bối cảnh thiếu GVMN như hiện nay, nếu cho họ nghỉ hưu sớm, lấy đâu ra đội ngũ bù đắp. Khi đó, con cháu chúng ta giao cho ai...”.
PGS-TS Lê Thị Châu, Khoa Luật, Trường ĐH Công đoàn, cũng cho rằng không nên để GVMN đang thiếu lại tiếp tục thiếu nếu không tăng tuổi nghỉ hưu. “Công đoàn nên có cuộc điều tra xã hội học, hỏi ý kiến GVMN trên 55 tuổi xem các cô có muốn về hưu hay không? Không phải già rồi thì không làm được đâu, “thầy già” mà không đứng sau kèm thì “con hát trẻ” làm sao hát hay được”, bà Châu góp ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.