Tranh cãi về tuyên bố bỏ đảng của ông Thaksin

Minh Quang
Minh Quang
06/04/2018 07:14 GMT+7

Phát ngôn bất ngờ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra gây ra nhiều tranh luận và đồn đoán tại Thái Lan.

Mới đây, ông Thaksin và em gái, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, tham dự sự kiện quảng bá sách ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản theo lời mời của một cựu bộ trưởng nước này. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của anh em nhà Shinawatra kể từ khi bà Yingluck chạy khỏi Thái Lan hồi tháng 8.2017. Phát biểu với giới truyền thông quốc tế ở Nhật, ông Thaksin tuyên bố “không còn dính đến đảng Pheu Thai vì các thành viên không muốn ông can dự vào chuyện nội bộ của đảng”. Cựu thủ tướng này còn nhấn mạnh dù không có ông, đảng Pheu Thai sẽ phát triển và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 2.2019.
Phát biểu của ông Thaksin đã gây xôn xao trong dư luận Thái Lan từ nhiều ngày qua và đa phần đều tỏ ra hoài nghi. Dù đã lưu vong 10 năm nhưng ông được cho là còn ảnh hưởng rất lớn đối với Pheu Thai. Khi bà Yingluck đại diện đảng này tham gia tranh cử năm 2011, ông còn tuyên bố thẳng: “Thaksin nghĩ, Pheu Thai hành động”. Đặc biệt là hằng năm, các lãnh đạo Pheu Thai vẫn ra nước ngoài để gặp ông Thaksin với lý do “mừng sinh nhật” nhưng thực chất là để nhận chỉ đạo. Vì thế, chính quyền quân sự hiện nay rất khó chịu và vào năm ngoái đã ban hành luật cấm cá nhân không phải là thành viên tham gia chuyện nội bộ đảng. Chính phủ còn dọa giải tán Pheu Thai nếu đảng này tiếp tục để ông Thaksin “nhiếp chính”.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, cựu Thủ tướng Abhisit Vejajiva, đối thủ lớn của nhà Shinawatra và hiện là lãnh đạo đảng Dân chủ, khẳng định không tin lời ông Thaksin. “Như mọi người đều biết. Ông ấy vẫn can thiệp vào tình hình Thái Lan nhưng tỏ ra là không vì ông ấy biết điều đó là trái luật”, ông Abhisit nói. Ngược lại, Giáo sư Lae Dilokvidhyarat thuộc Đại học Chulalongkorn thì cho rằng vì luật mới đe dọa sự tồn vong của Pheu Thai nên ông Thaksin không thể có tuyên bố khác. Bản thân đảng này cũng nói phát biểu “từ bỏ” của ông Thaksin là “không ngoài dự đoán và phù hợp với luật”.
Trong khi đó, nhà hoạt động chính trị Sombat Boonngamanong cho rằng những diễn biến sắp tới rất khó lường. “Dù có bỏ đảng hay không thì tầm ảnh hưởng của ông ấy đối với Pheu Thai vẫn là điều chắc chắn”, ông Sombat nói với Thanh Niên. Tuy nhiên, theo nhà hoạt động chính trị này, không dễ dự đoán vai trò của ông Thaksin sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Kể từ năm 2001 cho đến cuộc đảo chính của quân đội lật đổ bà Yingluck năm 2014, các đảng liên quan đến nhà Shinawatra đã chiến thắng trong mọi cuộc bỏ phiếu ở Thái Lan nhưng sau đó liên tục đối mặt với khủng hoảng chính trị, luận tội và phế truất. Chính vì thế, nếu thắng cử lần này, không thể loại trừ khả năng đảng Pheu Thai tìm cách hạn chế sự hiện diện của anh em ông Thaksin để có thể yên ổn cầm quyền và tránh nguy cơ quân đội lại ra tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.