Tranh cãi về phục trang vở Thái hậu Dương Vân Nga

Tố Tâm
Tố Tâm
04/05/2018 08:25 GMT+7

Đã có những ý kiến trái chiều về phần phục trang của vai diễn chính khi vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga giới thiệu tạo hình nhân vật.

Mũ, áo giống hoàng hậu Trung Quốc
“Tôi cùng các nhà thiết kế thực hiện bộ áo của Dương Vân Nga, áo của vương triều VN rất kỹ, với mong muốn cải lương sẽ đẹp và sang trọng”
NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ
Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả: Trúc Đường, chuyển thể: Chi Lăng - Hoa Phượng) được NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng lại, chuẩn bị công diễn suất đầu tiên vào ngày 6.5 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Tuy nhiên, khi
ê kíp ra mắt tạo hình nhân vật, có những ý kiến cho rằng phần phục trang, mũ, áo giống hoàng hậu Trung Quốc và một số chi tiết khác chưa phù hợp.
Cụ thể như bối cảnh vở diễn ra vào thời điểm vua Đinh vừa mất, hoàng hậu sẽ mặc áo tang chứ không phải phục trang sặc sỡ nhiều màu sắc. Ngoài ra, hoa văn trên áo hoàng hậu không thể là hình rồng vì hoàng hậu mặc áo phụng, chỉ vua mới có áo thêu hình rồng. Chị Phượng Diễm (Q.10, TP.HCM) góp ý: “Trong bản dựng mà nghệ sĩ Bạch Tuyết đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga trước đây, bà cũng mặc áo màu đen và vấn khăn tang. Vai Thái hậu Dương Vân Nga trong bản mới nếu không mặc áo đen thì có thể mặc áo vàng nhưng bên ngoài phải khoác một áo mỏng đen. Mấn đội cần đơn giản hơn để còn quấn khăn tang”.
Về điều này, đạo diễn Hoa Hạ phản hồi tại buổi họp báo ra mắt vở: “Tôi đã nghiên cứu rất kỹ trong thời kỳ Đinh Tiên Hoàng, những năm đó Đinh Tiên Hoàng mở rộng ngoại giao, thông thương với các nước. Tôi nghĩ khi mở cửa, các nước đã vào thì phục trang hết sức phong phú. Ở đây tôi cùng các nhà thiết kế thực hiện bộ áo của Dương Vân Nga, áo của vương triều VN rất kỹ, với mong muốn vở sẽ đáp ứng cả yếu tố xem và nghe, mong muốn cải lương sẽ đẹp và sang trọng…”.
Đạo diễn Hoa Hạ cũng thông tin toàn bộ trang phục cho các diễn viên trong vở lần này sẽ được thêu và vẽ chứ không dùng kim sa như những lần trước, do nghệ sĩ chuyên may trang phục cải lương Công Minh thực hiện chính.
Không thể lệch quá xa

Sân khấu không phải là bảo tàng để đưa phục trang đúng nguyên lịch sử lên đó, tuy nhiên chúng ta cũng không thể đi quá xa

NSND Lê Huy Quang

Tranh luận về trang phục của nhân vật lịch sử trên sân khấu trước đây cũng từng xảy ra. Như trường hợp vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quí; đạo diễn Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch TP.HCM cách đây nhiều năm. Trang phục của các nhân vật khiến người xem cảm thấy không hợp lý khi phân định rạch ròi hai trục chính - tà bằng màu sắc theo kiểu mặc định: hễ thuộc phe xấu thì mặc đồ đen, xám; còn ngược lại thì quần áo lúc nào cũng rực rỡ. Điều này dẫn đến sự phi lý là thậm chí vua hay quý phi cũng phải mặc đồ đen, còn ai theo cánh của Lê Văn Duyệt thì quần áo luôn được đỏ, vàng. Vở Oan khuất một thời của Nhà hát Chèo Hà Nội vào năm 2009 cũng bị chỉ trích vì váy áo hoàng hậu quá tân thời…
Tại hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở VN” vừa diễn ra ở TP.HCM, NSND Lê Huy Quang ý kiến: “Sân khấu không phải là bảo tàng để đưa phục trang đúng nguyên lịch sử lên đó, tuy nhiên chúng ta cũng không thể đi quá xa. Phục trang cải lương hiện nay vẫn còn lạm dụng kim sa, kim tuyến làm mất vẻ đẹp chân thực, không đúng tinh thần lịch sử. Ví dụ cách vấn khăn theo kiểu Nam Phương hoàng hậu đến giữa thế kỷ 20 mới được biết nhưng bây giờ, trên sân khấu, hễ cứ hoàng hậu, thứ phi, công chúa, nàng hầu là lại đội mấn kiểu Nam Phương hoàng hậu vàng chóe trên đầu mà không hiểu vì sao”.
Hơn 90 triệu đồng cho bộ áo cải lương
Cuối tháng 4 vừa qua, 2 nhà thiết kế thời trang Thế Huy - Hải Long đã hoàn thành bộ phụng bào được đặt thiết kế cho vở Thái hậu Dương Vân Nga. Tuy giá trị của bộ áo không được nhà thiết kế tiết lộ nhưng theo đạo diễn Hoa Hạ thì trang phục của thái hậu ở màn cuối được đầu tư một số tiền rất lớn, phải làm trong 2 tháng mới xong, giá không dưới 90 triệu đồng/bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.