Tranh cãi về Nusantara - tên thủ đô mới của Indonesia

Khánh An
Khánh An
28/01/2022 14:00 GMT+7

Tên gọi thủ đô mới và dự án dời đô của Indonesia đang làm dấy lên nhiều tranh cãi xoay quanh nhiều vấn đề liên quan.

Tổng thống Widodo chọn tên thủ đô mới là Nusantara với hàm ý tập trung phát triển đồng đều trên cả nước

reuters

Theo Nikkei Asia, việc Indonesia mới đây thông qua luật về thủ đô mới Nusantara đã dẫn đến tranh cãi về nhiều vấn đề, từ tên gọi đến quy trình lập pháp và quan ngại về ngân sách.

Hạ viện Indonesia thông qua dự luật về thủ đô mới vào tuần trước. Tên gọi Nusantara được đưa ra chỉ một ngày trước đó, lập tức dẫn đến nhiều phản ứng trên mạng xã hội.

Từ tên gọi

Từ “Nusantara”, nguồn gốc từ tiếng Phạn, đề cập đến toàn bộ quần đảo Indonesia và rất nhiều người chỉ ra rằng tên gọi thủ đô mới sẽ dễ bị nhầm lẫn với tên gọi không chính thức của cả nước.

“Từ rất lâu, Nusantara có nghĩa là toàn bộ Indonesia. Nếu bạn sử dụng nó riêng cho thủ đô thì nghe rất kỳ quặc”, một cư dân mạng viết trên Twitter.

Việc lựa chọn tên gọi thực ra phản ánh nỗ lực của Tổng thống Joko Widodo về việc lấy Indonesia làm trung tâm nhằm kéo phát triển khỏi đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo gần trung tâm địa lý của quần đảo hơn.

Vị trí thủ đô mới của Indonesia

ảnh chụp màn hình nikkei asia

Đảo Java trong nhiều thập niên đã là trung tâm phát triển của các chính phủ Indonesia tiền nhiệm, dẫn đến việc tập trung quá nhiều các hoạt động kinh tế và dân số trên hòn đảo chính có diện tích nhỏ nhất của cả nước.

Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng tên gọi đã phá vỡ mục đích khi “lấy Java làm trung tâm” vì từ Nusantara trong lịch sử được đưa ra bởi vương quốc Majapahit, một triều đại lấy Java làm trung tâm từ thế kỷ thứ 13 cho đến 15 và chinh phục toàn Indonesia.

“Không có gì mang tính thuộc địa của Java hơn Nusantara được dùng làm tên thủ đô, trong khi có thể chọn một tên gọi mang tính chất Borneo hơn”, một cư dân mạng khác nhận định.

Indonesia dời đô, tên thủ đô mới sẽ là gì?

Đến quy trình

Việc tranh cãi không dừng lại ở đó. Nhiều người chỉ ra rằng sau khi lập dự luật vào ngày 7.12.2021, ủy ban đặc biệt của hạ viện hoàn tất quá trình lấy ý kiến chỉ trong 6 tuần. Quy trình vội vã bị cho là không lấy đủ sự tham vấn từ người dân.

“Trong quá trình thảo luận, chúng tôi cảm thấy như thể đang bị đuổi chạy, quy trình thảo luận cũng không sâu và toàn diện”, theo đại biểu Hamid Noor Yasin thuộc đảng PKS, đảng duy nhất tại Hạ viện phản đối luật.

Ông nói thêm rằng luật vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề tiềm ẩn về nội dung và tính pháp lý.

Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại về ngân sách, đặc biệt là nền kinh tế chỉ đang phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Khi Tổng thống Widodo công bố kế hoạch vào năm 2019, chính phủ cho biết chỉ có 19% của tổng chi phí ước tính 32,5 tỉ USD sẽ được lấy từ ngân sách. Chính phủ hy vọng thu hút đủ đầu tư từ lĩnh vực tư nhân cho phần còn lại, bao gồm từ cả các đối tác công - tư.

Trước đại dịch, dự án thu hút sự quan tâm của các nhân vật có tên tuổi như Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed và chủ tịch SoftBank Masayoshi Son. Tuy nhiên, khả năng họ tham gia đã không còn được đề cập.

Thay vào đó, trang web chính thức của thủ đô mới ikn.go.id cho biết ngân sách sẽ chiếm phân nửa chi phí. Nội dung này đã bị gỡ sau những tranh cãi mới nhất.

“Chính phủ sẽ theo các mô hình kinh doanh và tài chính mà không gây áp lực cho ngân sách. Chúng tôi cũng sẽ tránh nợ dài hạn”, theo Bộ trưởng Quy hoạch phát triển quốc gia Suharso Monoarfa.

Dự án dài hạn

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết vị trí của toàn bộ thủ đô sẽ là dự án dài hạn chia thành 5 giai đoạn đến năm 2045, và giai đoạn ngắn hạn sẽ tập trung về hạ tầng cơ bản. Chính phủ hiện đang xây một con đập, hệ thống nước và đường sá gần “khu vực then chốt của chính phủ trung tâm”, chiếm khoảng 6.600 ha, tương đương 2,5% của tổng khu vực Nusantara là 256.000 ha. Bà Indrawati cho biết công việc đó là phần cơ bản của chương trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch của chính phủ vì nó sẽ “kích hoạt động lực phát triển tiếp theo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.