Tranh cãi về bí ẩn đằng sau mặt nạ xác ướp

22/09/2018 11:13 GMT+7

Một mảnh giấy cói được dùng để làm mặt nạ cho xác ướp có thể chứa những dòng chữ ghi lại nội dung trong phúc âm Mark và được cho là có niên đại vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Khi đề cập đến xác ướp cổ đại, ai nấy có thói quen mường tượng ra hình ảnh các thi hài được bao bọc bên trong quách bằng đá quý, mang mặt nạ bằng vàng lộng lẫy. Tuy nhiên, chỉ có giới quý tộc thời Ai Cập xưa mới được trang điểm đẹp đẽ như thế; trong khi mặt nạ dành cho người chết xuất thân thường dân lại được tạo thành từ những vật liệu khiêm tốn hơn nhiều, như giấy cói, hồ dán và nước sơn.
Vì giá giấy cói quá đắt đỏ, không ít mặt nạ giấy dùng vật liệu đã qua sử dụng. Cũng nhờ vậy mà một đội ngũ các chuyên gia cho rằng họ đã tìm được bản chép tay cổ nhất của kinh thánh khi phân tích và nghiên cứu mặt nạ làm từ giấy cói thuộc về một trong những xác ướp ít có điều kiện khi còn sống. Chữ viết trên mặt nạ được cho là ghi lại một phần nội dung của phúc âm Mark, một trong 4 cuốn đầu tiên và quan trọng nhất giúp hình thành kinh Tân ước của Kitô giáo, theo trang Smithsonian.org.
Giáo sư Craig Evans của Đại học Acadia Divinity ở Nova Scotia (Canada) là người đã công bố phát hiện thu hút sự chú ý cao độ của giới truyền thông. Theo Đài CNN, mảnh giấy được tìm thấy khi nhóm của Giáo sư Evans phân rã một mặt nạ của xác ướp Ai Cập để tìm kiếm những tài liệu cổ đại. Mặt nạ xác ướp là một phần vô cùng quan trọng trong tập tục chôn cất của người Ai Cập cổ, nhưng chỉ có giới cực giàu mới đủ sức đeo mặt nạ vàng khi qua đời. Đa số những mặt nạ còn lại làm từ những mảnh vụn của vải linen và giấy cói, được dán lại bằng keo. Việc tách rời những tấm mặt nạ kiểu này mang đến nhiều tài liệu cổ quý cho người đời sau. Ông Evans cam đoan rằng bên cạnh những dòng chữ về Kitô giáo, họ đã tìm thấy hàng trăm văn bản Hy Lạp cổ, đủ loại giấy tờ giao dịch mua bán, thậm chí cả thư cá nhân.
Trong quá trình phân tách, chiếc mặt nạ mà họ đang nghiên cứu đã bị hủy hoại. Họ đã áp dụng một biện pháp gây tranh cãi khi bóc tách tài liệu, theo đó cho phép loại bỏ keo dán kết dính các phần của mặt nạ, mà không làm tổn hại đến mực in trên giấy cói, nhưng mẫu vật ban đầu không còn nguyên vẹn. Mất đi chiếc mặt nạ, không ai ngoại trừ một nhóm nhỏ những người từng tiếp xúc với chiếc mặt nạ từ đầu đọc được nội dung trên mảnh giấy cói, dù tài liệu này liên tục được các nhà nghiên cứu đề cập đến, bao gồm ông Daniel Wallace, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu các bản Tân ước viết tay tại Trường dòng Thần học Dallas, bang Texas (Mỹ).
Về phần mình, đội ngũ chuyên gia của Canada cho hay đã tìm cách xác định được niên đại của mảnh giấy cói bằng cách giám định những tài liệu được dùng để tạo thành chiếc mặt nạ đó, được cho là trước năm 90 của thế kỷ thứ nhất. Dù vậy, nhóm của Giáo sư Evans đã đối mặt với những chỉ trích trong giới nghiên cứu vì gây tổn thất không thể đền bù đối với mẫu vật quan trọng.
Giáo sư Evans lẫn ông Wallace đều cam đoan rằng đoạn văn bản trong mặt nạ sẽ mang đến những manh mối quan trọng để xác định liệu phúc âm Mark có sự thay đổi như thế nào qua nhiều thế kỷ tồn tại và lưu truyền đến đời sau. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ nội dung nào của bản tài liệu được công bố, khiến giới nghiên cứu đều nửa tin nửa ngờ về tuyên bố của nhóm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.