Trắng đêm 15 năm bán hơn 300 kg dế: Chăn vịt lỗ 600 triệu sang dế kiếm 1-2 triệu/ngày

19/01/2021 12:37 GMT+7

Thức dậy từ 1 giờ sáng để đưa hơn 300 kg dế lên xe, chạy xuyên đêm từ Tây Ninh đến TP.HCM để kịp giao hàng cho khách là công việc quen thuộc hằng ngày của ông Tánh suốt 15 năm qua.

Đúng 4 giờ sáng, xe tải chở côn trùng của ông Võ Văn Tánh (53 tuổi) và anh Nguyễn Hoàng Đông (37 tuổi, cháu rể của ông) đã cập bến tại một địa điểm trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM). Xe vừa đến, ông Tánh liên tục di chuyển các bao đựng côn trùng và dế xuống đất còn anh Đông phân chia các bao đựng côn trùng thành các xâu.

‘Thả con vịt, bắt con dế’

Rảnh tay hơn một xíu, ông Tánh ngồi xuống uống ngụm nước kể lại, trước khi đến với nghề nuôi dế và phân phối côn trùng, ông từng làm nghề nuôi vịt để sống. Tuy nhiên nghề nuôi vịt không mang lại lợi nhuận lại còn khiến cuộc sống của ông khó khăn hơn.
Người mua người bán tấp nập một góc đường
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
“Có thời điểm tôi lỗ hơn 600 triệu đồng vì nuôi vịt khiến gia đình tôi lao đao. Lúc đó, tôi buồn đến mức chết không được mà sống cũng không yên. Rồi tình cờ tôi biết đến nghề bán dế này, thấy hay hay nên quyết định thử. Từ đó bỏ con vịt mà gắn bó... với lũ dế, cũng ngót nghét 15 năm rồi”, ông kể lại.
Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Tánh gắn bó với chiếc xe máy “cà tàng” chất đầy dế lên rồi đi bán cho khách. Việc buôn bán gặp nhiều khó khăn vì chưa có nhiều người biết đến ông. Không nản chí, ông Tánh tiếp tục kiên trì bám trụ. Dần dần, ông trở nên quen mặt hơn với khách hàng. Sau 5 năm tích góp, ông Tánh bỏ chiếc xe máy cũ, mua được một chiếc xe tải nhỏ để chở dế đi giao.
Xe của ông Tánh cập bến ở đường Trường Chinh vào 4 giờ sáng
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Chưa đầy 1 năm sau, chiếc xe tải của ông tánh không đủ để chứa hàng trước nhu cầu ngày càng lớn của khách. Ông quyết định mua một chiếc xe tải lớn hơn để vận chuyển và sử dụng đến bây giờ. Tâm sự với chúng tôi, ông nói bản thân cũng không ngờ có thể “ăn nên làm ra” từ nghề này đến vậy.
Hiện tại, mỗi ngày, ông Tánh giao hơn 300kg dế cho khách. “Dế là do nhà tôi tự mở trang trại để nuôi, còn các loại côn trùng là tôi mua từ người khác phân phối lại”, ông Tánh cho hay.
Mỗi ngày ông Tánh vận chuyển khoảng 300kg dế từ Tây Ninh xuống Sài Gòn
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Vừa dừng xe, ông Tánh và người nhà làm không nghỉ tay
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Để kịp chuyến xe sáng sớm đến Sài Gòn, mỗi ngày anh Đông phải thức lúc 12 giờ đêm để đóng gói hàng hóa và chuyển hàng lên xe. Côn trùng sẽ được cung cấp cho những lái nhỏ hơn rồi giao đến nhiều nơi trong thành phố, người mua chủ yếu là người nuôi chim hay để câu cá.
“Chúng tôi còn cung cấp các loại dế cho người ăn. Tuy nhiên, loại này phải được chế biến rất kỹ trước khi bán cho người tiêu dùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Đông kể.
Anh Đông đang xâu các bao đựng côn trùng thành chuỗi
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Anh Võ Minh Nhật (29 tuổi, con trai ông Tánh) cho biết, việc nuôi dế rất kỳ công đòi hỏi người nuôi phải thực sự tỉ mỉ, chăm chỉ. Nếu không, dế nuôi sẽ không đạt được chất lượng tốt nhất. Thức ăn của dế chủ yếu là lá khoai mì nên cũng không quá đắt đỏ và dễ tìm. Hiện gia đình anh đang nuôi 2 loại dế là dế chim và dế thịt.
“Gọi là dế chim vì nó dùng để cho chim ăn, còn dế thịt là loại dế được nuôi lâu hơn để cho người ăn. Trang trại của gia đình tôi hiện có hơn 100 chuồng dế, ngoài ra tôi còn gửi dế cho nhiều người tại địa phương nuôi, rồi thu mua lại, tổng số đó cũng gần 1.000 chuồng”, anh thông tin thêm.
“Tôi giao hàng cho ông Tánh gần 7 năm rồi, riết trở thành mối quen. Mỗi ngày, tôi thường thức 3 giờ sáng để chạy đến đây nhận hàng, rồi vận chuyển các loại côn trùng này đến mấy tiệm bán chim ở Tân Bình để giao”, ông Trần Văn Tuấn (58 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết.

‘Đổi đời’ nhờ con dế

Từ ngày gắn bó với nghề nuôi dế, cuộc sống của gia đình ông Tánh cũng thoải mái hơn, đủ ăn đủ mặc. Công việc giúp ông nuôi sống cả gia đình và các con khôn lớn. Không chỉ vậy, trang trại nuôi dế của ông Tánh còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều hộ dân tại địa phương.

Côn trùng sẽ được để trong bao bóng, chọc lỗ để lấy không khí

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tuy nhiên, ông Tánh cũng gặp phải nhiều thất bại khi nuôi dế. “Năm 2012 là năm đầu tiên tôi bắt đầu nuôi dế, trại dế của tôi bị lỗ 800 triệu. Đến năm 2019, có thời điểm tôi lỗ đến 400 triệu, đến năm 2020 thì lỗ 600 triệu nữa. Tuy nhiên, khác với nhiều nghề, việc nuôi dế có thể gỡ lỗ lại rất nhanh nên tôi cũng không quá lo lắng”, ông cười nói.
Được biết, 1kg dế được ông Tánh bán ra với giá 60.000 đồng. Mỗi ngày, ông bán được hơn 20 triệu đồng, trừ tất cả chi phí ông thu được lợi nhuận từ 1 triệu - 2 triệu đồng. Thường từ tháng 1 đến tháng 5, nhu cầu về các loại côn trùng, đặc biệt là dế rất lớn. Do vậy, đây là thời điểm mà thu nhập của gia đình ông cao hơn so với các tháng khác.

Dế được để trong bao gai

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Tánh, người có 15 năm gắn bó với con dế

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Với ông Tánh, được gắn bó với các loại côn trùng cũng là một niềm vui một phần vì còn giúp giảm các loại côn trùng gây hại cho mùa màng. “Nuôi bán dế cực thì có cực nhưng cuộc sống tôi ổn định hơn rất nhiều. Thật lòng, nhờ nó mà tôi đã đổi đời hơn so với lúc trước. Đó cũng là lý do mà tôi quyết định gắn bó với những con dế đến khi không còn sức để làm nữa thì thôi”, ông Tánh cười.
Không chỉ ông, nhiều người có mặt tại chợ Côn trùng này cũng đã gắn bó với công việc mua bán các loại côn trùng, dế, nhái… trong nhiều năm qua. Có thâm niên buôn bán côn trùng hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Định (59 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) chuyên phân phối các loại nhái. “Mỗi ngày tôi bán khoảng 45kg nhái. Chủ yếu là hàng được nhập từ dưới Kiên Giang lên, rồi tôi ra nhận về để bán. Làm nghề này cũng vui”, ông Định nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.