Trần Vũ Mai quyết liệt và lặng lẽ

26/01/2017 09:00 GMT+7

Hằng năm, cứ đến ngày 19 tháng Giêng, ngày nhà thơ Trần Vũ Mai qua đời, là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến anh, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ. Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của mình. Công tác ở NXB Tác Phẩm Mới (tức NXB Hội Nhà Văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở NXB “nhà” này. Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác.
Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho… mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký. Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, thì Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (Mai mất năm 1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ. Trong chiến tranh, Mai trụ bám ở chiến trường Cực nam (anh vốn họ tên là Vũ Xuân Mai, nhưng lấy bút danh Trần Vũ Mai do ngưỡng mộ nhà thơ đàn anh đồng hương của mình là Trần Mai Ninh, người đã chiến đấu và hi sinh ở chiến trường Cực nam Trung bộ hồi kháng chiến chống Pháp) là chiến trường ác liệt và gian khổ bậc nhất.
Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là Cảm giác lạc quan, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng, đã gợi ý anh nên đổi tên là Ở làng Phước Hậu cho nó… dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên Cảm giác lạc quan này tuy hay và lạ nhưng hơi… thế nào ấy (?). Thôi thì lấy tên Ở làng Phước Hậu có vẻ “người thật việc thật” cho nó... lành. Tôi nghĩ chính cú “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ, có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai không nghĩ như vậy. Anh bình thản. Và tiếp tục… uống rượu, tiếp tục viết nhật ký và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới Nàng chim Lạc mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.
Tôi ít thấy một nhà thơ nào mà coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu tây. Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway. Dù là chết trong hòa bình.
Bây giờ, đọc lại bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng, bài thơ Trần Vũ Mai viết đầu năm 1971, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm cùng anh chị em trong lớp viết văn trẻ đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam, bài thơ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa hồn nhiên vừa kiêu hãnh, tôi lại càng tiếc cho một tài năng thơ đã sớm bị cắt ngang mạch sáng tạo. Đầu xuân, có lẽ chúng ta nên đọc lại bài thơ này để có cảm nhận sâu hơn về một thế hệ đã dấn thân vào chiến trường những tháng năm ác liệt nhất.
Thảm cỏ bờ sông Hồng
Buổi sớm
gương mặt em như xa vắng
anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen
lổ đổ tinh mơ rêu phủ
đường cong xa vời
gạch lửa phơi đỏ thắm
Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
mảnh tường tươi này
anh thuộc lòng dấu cũ em qua
Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng
mưa lũ
tay em lạnh mà không run sợ
anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
mặt anh thì xạm cháy
nhưng ngày mai ơi
chớ vắng bàn tay em
trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc
ngày mai ơi
Hà Nội không phai
suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
nhớ riêng em
tôi nhớ những gì tôi chưa có được
thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt
nếu ta có lỗi với em
cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi
bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi
Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng
thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới
những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
đừng buồn em nhé, bây giờ
hồi em buồn nhớ
anh còn buồn hơn
Em
nhỏ bé mà trắng tinh
trước mặt thảm cỏ dòng sông
cầm tay một bông đại đóa
em ạ, chớ buồn
anh vào cực Nam đây.
Hà Nội, 3.1971, Trần Vũ Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.