Trần Minh Thương hầu chuyện ‘tối lửa tắt đèn’ trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/11/2022 18:35 GMT+7

Nhân tuần lễ khánh thành Đường Sách Cao Lãnh,chiều 22.11 NXB Tổng hợp TP.HCM và Ngôi Sao Biển trung tâm Sài Gòn cùng phối hợp tổ chức buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang của tác giả Trần Minh Thương.

Tác phẩm Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang của tác giả Trần Minh Thương ghi lại nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, đậm đà tình làng nghĩa xóm, lời ăn tiếng nói mộc mạc, thiệt lòng thiệt dạ của người dân nơi đây.

Ông Lê Minh Trung (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, phải) chúc mừng tác giả Trần Minh Thương với tác phẩm mới

Bà Nguyễn Ánh Tuyết (PGĐ - Phó Tổng Biên Tập NXB Tổng hợp TP.HCM, trái) tặng lưu niệm tập sách Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang đến bà Trần Thị Mỹ Trinh (Giám Đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp) và ông Trương Quang Hòa (Phó Tổng Giám Đốc Ngôi Sao Biển trung tâm Sài Gòn)

nvcc

Là người con của quê hương Hậu giang, Trần Minh Thương được nghe và chứng kiến nhiều cách thức ứng xử độc đáo của bà con miền quê. Hàng ngày, người ta xưng, hô, kêu/ gọi nhau để giao tiếp, trò chuyện, tâm tình, lúc lại gọi để cho nhau chén canh, tô cháo; thiếu hụt thì chạy tìm vay mượn hàng xóm; đồ dùng không hết thì đem bán cho người cần mua...

Những nhu cầu tất yếu đó như hơi thở, miếng ăn, giấc ngủ... của con người. Nó liên tục diễn ra và góp phần hình thành nên nét văn hóa ứng xử trong dân gian.

"Không có đồ ăn nghen, vì mấy cha nội lấy làm mồi nhậu hết rồi"

Tác giả Trần Minh Thương ví von với nhiều câu chuyện kể rất cụ thể, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày của bà con miền quê. Muôn kiểu thể hiện với chuyện nhắn, gởi: từ nhắn lời, gởi nhà cửa đến gởi con, gởi cháu; chuyện hùn hạp nhau để làm ăn khi có lợi thì chia chác như hùn nhau nuôi lợn, hùn nấu bánh tét, hùn ăn hùn uống, hùn công đi làm mướn; Hay chuyện rủ mời nhau cũng rất phổ biến trong đời sống miền sông nước: rủ nhau làm đồng, rủ nhau sinh hoạt mua bán vui chơi, mời khách đến nhà, đám tiệc hay giỗ quải…

Có một chi tiết khá thú vị khi nghe từ “quá giang” tức là xin đi cùng, theo âm từ Hán Việt có nghĩa là qua sông mà bà con cô bác hay dùng. Muốn xin “quá giang” để đến nơi cần đến, mà ngày nay được hiểu theo nghĩa rộng hơn và cũng chẳng cần liên quan đến sông nước.

Tác giả Trần Minh Thương (trái) và MC Thủy Tiên tại buổi ra mắt sách

Các khách mời, độc giả và các em học sinh THPT Đỗ Công Tường chụp hình kỷ niệm cùng tác giả Trần Minh Thương

nvcc

Người Hậu giang vốn tính cách cởi mở, trọng tình xã giao, tương thân tương ái, cùng chia sớt, san sẻ cả ngọt bùi lẫn cay đắng trong cuộc sống. Miệt Hậu giang còn sở hữu có một nét đặc trưng vô cùng hấp dẫn mang tên chợ nổi. Đời sống buôn bán trên ghe xuồng ở chợ nổi tấp nập rộn ràng, có phương thức quảng cáo rao hàng độc đáo bằng cách bẹo (hàng hóa hay đồ ăn thức uống được trưng ra để tạo sự hấp dẫn, bày biện trên mui ghe, treo tòn ten trên cây sào) với nguyên tắc là bán gì bẹo nấy và có lúc cũng mang tính tượng trưng.

Ở đâu đó miền Tây vang vọng lời rao ngọt như mía lùi “Ai ăn xôi, bắp nấu hôn!”; “Ai ăn chè bột khoai, bún tàu đậu xanh nước dừa, đường cát hôn”. Chính những lời rao này đã gợi nguồn cảm hứng cho soạn giả Thu An viết bài tân cổ Gánh chè khuya qua tiếng hát của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn và Út Bạch Lan đã sống mãi trong lòng những ai yêu thích cổ nhạc ở miền Tây sông nước.

Để hoàn thành tác phẩm mới Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang, tác giả đã phải đi rất nhiều nơi, trải qua nhiều tỉnh thành của miền Tây sông nước. Anh kể: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là trong lần đi điền dã vào một xóm ở thôn quê, đường đi chỉ có lộ đất. Trời trưa, nắng gắt đi hoài, khát nước mà nước uống đem theo đã hết. Đành ghé nhà dân xin nước uống. Thấy căn nhà lá đơn sơ, phía trước có kiệu nước. Bên ngoài nhìn vào thấy yên ắng. Dừng xe lại, rồi cất tiếng hỏi xin nước. Lúc đó mới thấy, phía nhà sau có một mâm 3-4 anh đang nhậu. Nghe tiếng xe, tiếng người, chủ nhà bước ra. Vui vẻ chỉ kiệu nước và kêu ra đó múc uống. Xong xuôi, quay lại, định cám ơn ra về thì anh chủ nhà hỏi: đi đâu, làm gì, ở đây mà coi không phải dân ở đây. Trả lời chưa dứt, chủ nhà liền hào phóng rủ ở lại, uống ly rượu rồi mới cho đi. Từ chối cũng khó, nên mình đành ngồi xuống cùng mấy anh em đang cao trào. Thế là bị bửa ngay câu vào ba ra bảy. Uống liền ba ly rượu đế mà ly nào cũng không được kê tán (không được chừa một ít dưới đáy ly). Mặt mày đỏ tươi, trời đất quay tròn. Đành phải xin phép ra võng nằm. Đến khi tỉnh dậy, mâm nhậu tan lúc nào, chén đũa còn nguyên đó. Trời đã xế bóng, bước ra sân, nghe một chị (có lẽ là vợ anh chủ nhà) nói: Thấy em ngủ ngon quá, nên tui để cho ngủ, mấy cha nhậu xỉn, ai về nhà nấy từ hồi nãy. Chị chủ nhà còn hỏi anh: Có đói không dọn cơm cho ăn, ngặt không có đồ ăn nghen, vì mấy cha nội lấy làm mồi nhậu hết rồi".

Buổi ra mắt sách của tác giả Trần Minh Thương

nvcc

Chính sự mộc mạc, mến khách và chân chất của những người miền Tây sông nước mà anh gặp gỡ đã khơi nguồn và tiếp thêm cho sức sống của những tác phẩm mới của Trần Minh Thương.

Vài nét về Trần Minh Thương

Bút danh: Thạch Ba Xuyên

Tổ trưởng Tổ Văn - Tiếng Anh, trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng)

Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2009)

Những tác phẩm Trần Minh Thương đã xuất bản: Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015); Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016); Hương sắc miền Tây (2018); Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020); Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.