Trần Ly Ly và kế hoạch đưa Hồ Thiên nga xuyên Việt

Ngọc An
Ngọc An
15/12/2019 09:38 GMT+7

Phiên bản Hồ Thiên nga đầu tiên của người Việt đã “cháy vé”, đáp trả những hồ nghi với nghệ thuật hàn lâm nước nhà của không ít người trước đó. Người đứng sau “cơn dư chấn” của ballet Việt trong thời gian qua không ai khác là NSƯT Trần Ly Ly.

1 năm lên kế hoạch, 6 tháng tập luyện ròng rã, vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga đã trở lại sân khấu Việt với đầy đủ hình hài sau hơn 30 năm.

Sợ nhất là đang có những đỉnh cao mà không dám với tiếp

Điều thỏa mãn con người làm nghệ thuật là được chơi những cuộc chơi lớn, mang những sản phẩm đến với công chúng. Công chúng được hưởng thụ những sản phẩm mình làm ra. Đấy là mục tiêu cho đến nhắm mắt xuôi tay của tôi

 
Ở vai trò người tổng chỉ huy, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chị chấp nhận “một là mất, hai là được” khi đưa Hồ Thiên nga trở lại?
Nói chấp nhận “một là mất, hai là được” cũng không hoàn toàn đúng, bởi những nhà quản lý cũng như nhà định hướng, nhà kinh doanh có thể rất liều, nhưng khi làm không phải là không có cơ sở. Cơ sở đó được dựa trên lòng quyết tâm, có kế hoạch hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng. Nhưng dù thế nào, cuối cùng vẫn phải… liều. Vì tất cả những định hướng đều là trước khi bắt đầu.

Vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga sau hơn 30 năm trở lại sân khấu Việt một cách trọn vẹn

Khi bắt đầu, bao giờ mọi người cũng nghĩ đến khó khăn nhiều hơn thuận lợi và bản chất của sự việc đúng là như vậy. Nhưng giám đốc một nhà hát như giám đốc của một công ty tư nhân đều phải quyết đoán, quyết liệt mới làm ra được những sản phẩm tốt. Tôi không ảo tưởng sức mạnh nhưng cũng không phải không dám, không được phép mơ ước. Tôi mơ ước dù đến hơn 90% những người xung quanh cản, vì nghĩ rằng việc đó sẽ làm hại cho tôi. Thành công thì không sao, nhưng thất bại sẽ vô cùng đau khổ. Nhưng không làm thì không biết được. Và tôi không phải là người sợ thất bại đến nỗi không làm. Tôi coi thất bại là bài học. Sợ nhất là đang có những đỉnh cao tốt đẹp mà không dám với tiếp, không dám xuống mà cũng không dám lên!
Chị có nghĩ Hồ Thiên nga “cháy vé” còn cho thấy đời sống thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả đang còn thiếu thốn?
NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, chị học tập tại Trường ĐH Công nghệ Queensland (Úc) và tốt nghiệp vào năm 2003. Sau đó, chị có thời gian làm việc tại Pháp. Chị là một trong những người tiên phong cho múa đương đại tại Việt Nam và từng đảm nhận vai trò Phó giám đốc Trường trung cấp Múa TP.HCM. Từ tháng 3.2018, chị là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Trong vai trò diễn viên múa, Trần Ly Ly đã thành công với nhiều tác phẩm của các biên đạo nổi tiếng Việt Nam và thế giới như: Cứu bạn, Paquita, Xin chào, Under skin,  Body armour… Còn trong vai trò biên đạo, chị ghi dấu với nhiều tác phẩm: Một ngày, Zen, 7X, Có có không không… Chị là nghệ sĩ đại diện Việt Nam tham gia liên hoan múa ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Ba Lan, Pháp, Đức… Trần Ly Ly vừa được tạp chí Forbes vinh danh trong top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019
Khi cuộc sống xã hội, kinh tế phát triển đến mức nhất định, con người sẽ đòi hỏi những thứ khác, trong đó có nghệ thuật. Tinh thần càng ngày càng đòi hỏi và nhu cầu của chúng ta là có thật. Tuy nhiên trước đây, các đường dẫn giữa nhiều sản phẩm nghệ thuật và công chúng bị đứt đoạn, chưa có nhiều sản phẩm được giới thiệu, PR, marketing, người dân chả hiểu sản phẩm đó là gì nên người ta không mua.
Trước đây, ở nhà hát, khoản PR, marketing gần như không có, tiền cho những việc này tất nhiên là không. Đầu tư của nhà nước chỉ là đầu tư cơ bản, khó ra sản phẩm lớn. Chúng tôi phải liều ở cả việc bỏ vốn, kêu gọi đầu tư, bên cạnh sự giúp đỡ của bạn bè…, và cả việc làm thế nào để mọi người biết đến sản phẩm của mình. Nhưng làm PR, marketing phải đúng với thực tế sản phẩm, bởi quảng cáo quá đà sẽ là con dao hai lưỡi, sẽ tệ hơn nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Trần Ly Ly và kế hoạch đưa Hồ Thiên nga xuyên Việt

Trần Ly Ly cùng các nghệ sĩ trên sàn tập vở ballet Hồ Thiên nga

Tham vọng của tôi rõ ràng lắm !

Bứt phá quyết liệt

Cách đây khoảng 13 năm, khi tôi còn làm giám đốc, Ly Ly có đến nhà hát và đặt vấn đề làm tác phẩm Một ngày. Ly vừa đi học ở Úc về, còn rất trẻ. Ở tuổi ấy, ít ai dám liều dựng vở diễn dài hơi và mạnh bạo như thế, nên tôi thấy cần ủng hộ. Tác phẩm này không chỉ cho thấy sự đột phá về tư duy, mà còn cho thấy nhiều “chất Việt” từ câu chuyện, đến sự kết hợp giữa hiện đại và dân tộc. Tuy nhiên khi đó, múa đương đại còn khá xa lạ, nhiều nhà quản lý vẫn còn cái nhìn khắt khe. Tôi đã thuyết phục hội đồng duyệt tác phẩm khi ấy, bởi quan trọng là phải khuyến khích những cái mới, những cái còn ít, và những người trẻ.

Bây giờ, Ly Ly đang ở tuổi mà sự sáng tạo rất mạnh mẽ, cùng với sự quyết đoán, rất cần cho người ở vai trò giám đốc nhà hát. Trong
2 năm kể từ khi Ly Ly làm giám đốc, tôi nhìn thấy những bứt phá quyết liệt, mạnh dạn, và quan trọng là tập hợp được anh em nghệ sĩ. Trong lúc khó khăn, cuộc sống anh em nghệ sĩ còn nhiều thiếu thốn, Ly Ly dám đương đầu như thế, tạo ra được nhiều tác phẩm ghi dấu ấn. Cùng với nỗ lực của một giám đốc như vậy, tôi vẫn cho rằng nhà nước cần phải có chế độ, chính sách đúng với những cống hiến, tài năng của các nghệ sĩ.
NSND Nguyễn Công Nhạc (nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam)
Ngoài lịch diễn 3 đêm theo kế hoạch từ trước, Hồ Thiên nga tiếp tục diễn thêm 2 đêm nữa để đáp ứng nhu cầu khán giả, nhưng có vẻ là chưa đủ, bởi các buổi diễn luôn trong tình trạng “cháy vé”. Đến giờ, Hồ Thiên nga đã hòa vốn?
Chưa đâu! Sản phẩm nghệ thuật nói thật là khó đong đếm được. 150 người trong 6 tháng tập luyện đòi hỏi kinh phí rất lớn. Thứ nữa, trên sân khấu với gần 100 diễn viên, số tiền trang phục cũng rất kinh khủng. Cùng với đó là việc thuê đạo diễn, chỉ huy… Ở những nhà hát lớn bên Tây, họ có hẳn đơn vị tổ chức sự kiện cả trăm người ấy, diễn viên chỉ cần đến và diễn. Ở đây, chỉ có vỏn vẹn từng ấy người nhưng phải làm cả việc này lẫn việc kia, vì tiền rất hạn chế.
Ca sĩ bỏ ra 3 - 5 tỉ đồng làm show là bình thường. Còn nhà hát, tiền các sản phẩm được đặt hàng chỉ có hơn 2 tỉ đồng. Thực sự, riêng tiền tập còn không đủ, huống chi là những thứ tiền khác. Nhưng mình nghĩ phải vươn ra, chứ làm sản phẩm này 500 triệu đồng, sản phẩm kia cũng 500 triệu đồng thì không bao giờ có chuyện sản phẩm hay. Nhà hát không đi theo số lượng mà đi theo chất lượng. Tiền bán vé vở ballet Hồ Thiên nga (1 - 1,8 triệu đồng/vé - PV) vẫn chưa tương xứng với sản phẩm được đầu tư, cùng công sức của mọi người bỏ ra… Nhưng sau một số buổi diễn nhất định thì sẽ lãi.
Và chị đang có ý định đưa Hồ Thiên nga xuyên Việt?
Không phải là ý định nữa mà kế hoạch này đang triển khai. Sản phẩm nghệ thuật tốt mang đến công chúng là dĩ nhiên. Việc “on tour” là việc những đoàn chuyên nghiệp nào trên thế giới cũng phải làm. Việc đó cũng định hình sự chuyên nghiệp hóa của một đoàn nghệ thuật, đồng thời đo đếm được sản phẩm nghệ thuật ấy đối với công chúng. Cái đấy rất quan trọng. Đừng nói tôi thích làm gì thì tôi làm. Chúng ta phải phục vụ chứ! Tất nhiên mỗi sản phẩm nghệ thuật có một dòng công chúng khác nhau.
Sau kế hoạch Hồ Thiên nga, Người tạc tượng, Lá đỏ “on tour”, chương trình Rock symphony (dàn nhạc giao hưởng trình diễn nhạc rock) sẽ diễn ra vào tháng 1 tới. Chúng tôi hạn chế tặng vé tối đa để đo lường thực sự tác phẩm, kiếm tiền thực sự cho nhà hát.

Một ngọn lửa mãnh liệt

Với tôi, cô giống như một ngọn lửa mãnh liệt. Cô luôn cho người khác cơ hội để thử thách bản thân, không ngại việc người này khả năng chưa đủ, mà luôn nhìn điểm mạnh của họ, cho họ cơ hội phát triển.
Trong lúc tập luyện vở diễn, nhiều lần tôi mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, cô nói với tôi: “Phải tin vào bản thân mình!”. Sự động viên đó rất quan trọng với tôi. Cô Ly vừa là sếp, nhưng cũng là người tôi rất hâm mộ và tôn trọng, một người luôn tràn đầy năng lượng và tinh thần xông pha.
Phạm Thúy Hằng (diễn viên vở ballet Hồ Thiên nga - Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam)
Khi quyết định nhận vị trí đứng đầu nhà hát, chị có đặt ra mục tiêu nào cho mình?
Làm những tác phẩm nghệ thuật đúng với mục tiêu phát triển của nhà hát một cách thực sự, được công chúng công nhận, cộng đồng phải đánh giá lại các sản phẩm của nhà hát. Đấy là những mục tiêu. Tham vọng của tôi rõ ràng lắm! Tôi có khao khát xa hơn, không phải trong 2 năm mình đã làm được là làm sao để cuộc sống của anh em sẽ khá hơn. Tiền bạc đối với mình cũng rất cần, con người cũng phải sống thôi, anh em có lợi, mình cũng có lợi. Dù vậy, đó không phải là mục đích cuối cùng của việc làm nghệ thuật.
Nói thật, tôi “đau tim” lắm! Ở đây không có gì chắc chắn, vì nhà nước chưa có chính sách bảo vệ các đoàn nghệ thuật công lập một cách chuyên nghiệp. Ví dụ lương cơ bản của nghệ sĩ mới vào nhà hát chỉ có hơn 3 - 4 triệu đồng, mà phải tập luyện suốt ngày. Với tiền lương ấy, người ta không muốn chọn vào đoàn ballet vì vất vả. Múa ballet đòi hỏi phải rất giỏi, giỏi nhất mới đong được một đoạn, nhưng có khi học sinh tốt nghiệp giỏi nhất ra cũng chưa chắc múa được một đoạn của cổ điển. Các thể loại múa khác dễ hơn và đi được lâu dài hơn vì không quá khó. Bởi vậy, đầu vào nhà hát vô cùng khó khăn.
Có diễn viên tập bao lâu mới được vai diễn, xong đùng một ngày, họ có thể bảo đến nơi khác làm 20 - 40 triệu đồng, làm sao cản được vì không có cái gì “trói” các bạn ấy cả. Hay như vừa rồi, nhà hát phải mời nghệ sĩ đã về hưu để chơi kèn trong dàn nhạc “live” cho vở Hồ Thiên nga. Bởi họ là những người đã có kinh nghiệm xử lý, và giờ cũng không tìm được ai chơi loại kèn của họ. Trong trường dạy nhạc, thầy dạy còn không có học sinh thì lấy đâu đầu ra. Đào tạo đỉnh cao khổ lắm!
Chưa kể trong nghệ thuật, nhân tài không phải lúc nào cũng xuất hiện. Bao nhiêu năm mới có được người. Nhân tài rất ít, mà làm nghệ thuật phải là nhân tài, không lằng nhằng được.

Có hậu thuẫn vững vàng

Ở nhà hát, chị là người chỉ đạo quyết liệt. Còn ở nhà, chị có thích chỉ đạo?
Tôi chả chỉ đạo gì, chỉ sắp đặt thôi (cười). Tôi tự thấy mình là người khoa học lắm, sắp đặt mọi việc nhẹ nhàng. Nếu tôi không làm được thì tôi chắc chắn có người làm giúp tôi, nên nhà cửa cũng ổn, êm thấm, tạm thời không có vấn đề gì.
Người ta vẫn nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là một người phụ nữ. Còn đằng sau thành công của một người phụ nữ như chị là gì?
Trời thương tôi lắm! Tôi có hậu thuẫn rất vững vàng. Thực ra, người muốn hết lòng vì nghệ thuật cũng khó đấy, vì phải có hậu thuẫn.
Tôi không phải nghĩ hôm nay mình kiếm được bao nhiêu, nên tôi nhẹ nhõm lắm. Bố mẹ mình may mắn vẫn còn khỏe mạnh, có trí tuệ, mình đã được sự chia sẻ. Gia đình nhà chồng tôi cũng vậy. Ông bà còn cho mình thêm. Về nhà có khi mệt ngất ra ngủ luôn. Phải có gia đình hỗ trợ thì mới làm nghệ thuật lăn xả được.
Chị nghĩ sứ mệnh của mình bây giờ là gì?
Sứ mệnh của tôi bây giờ là phát triển nghệ thuật chứ không còn là sáng tạo nghệ thuật nữa. Sứ mệnh đã thay đổi theo thời gian, đầu tiên biểu diễn nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật và bây giờ là ủng hộ nghệ thuật phát triển bằng mọi cách. Giữ vai trò giám đốc cũng là cách ủng hộ tạo ra những sản phẩm, sáng tạo nghệ thuật, định hướng nghệ thuật.
Điều thỏa mãn con người làm nghệ thuật là được chơi những cuộc chơi lớn, mang những sản phẩm đến với công chúng. Công chúng được hưởng thụ những sản phẩm mình làm ra. Đấy là mục tiêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay của tôi. Tôi theo đạo Phật, đi theo quan điểm cuối cùng con người còn lại gì, nên làm cái gì mình cảm thấy hạnh phúc. Mà làm việc là một thứ hạnh phúc của tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.