Trần Ly Ly: Tôi và khán giả... không gặp nhau

01/06/2013 09:30 GMT+7

(TNTS) Trần Ly Ly nói rằng: “Với nghệ thuật, tôi bay bổng trong giới hạn cho phép, thòi ra một cái phách thừa thôi cũng không được. Nhưng thực tế cuộc sống của tôi lại có khá nhiều phách thừa, và tôi không hiểu mình nhiều”.

Biên đạo múa Trần Ly Ly - bản thể đầy mâu thuẫn, đấy là tất cả về cô. Một tinh thần phóng khoáng bên ngoài bao bọc những trăn trở âm tính bên trong. Tôi nghĩ, Trần Ly Ly bị ám ảnh bởi múa đương đại.

Từ dạo chị làm giám khảo, cái tên Trần Ly Ly bỗng nhiên được khai thác triệt để. Muốn viết về Trần Ly Ly ở góc nhìn này, giở các báo ra thì đã thấy có người nhắc đến trước rồi, đến là khổ! Chị có bao giờ lâm vào trường hợp tương tự thế này chưa?

Thường xuyên. Đơn cử việc ngồi trên ghế giám khảo, mình nói chuyện giống người ta là không ổn rồi. Khi người ta phát biểu một ý kiến mà mình đang dự tính sẽ nói thì mình phải chuyển hướng khác ngay. Bắt buộc phải thế! Trong đầu mình cần có nhiều lựa chọn và hướng giải quyết khác nhau. Tại sao mình đi lặp lại một cách dở hơi mà không thể là thú vị hơn? Đấy là làm giám khảo nhé, chưa kể đến làm nghệ thuật.

Có câu nói của một triết gia nổi tiếng: “Nghệ thuật là sự bắt chước”, và hẳn là không ít người đồng tình với câu nói đó?

 

Thế thì phải xem câu nói đó đặt ở ngữ cảnh nào. Quan điểm của tôi là mọi thứ chất liệu đều có sẵn, sự sáng tạo của bạn là đưa những thứ có sẵn ấy thành thành phẩm mới hơn, hay hơn. Nói nghệ thuật là sự bắt chước cũng có khía cạnh đúng, chỉ là thụ động hay chủ động. Khi anh xem cái này thấy đẹp, anh biến nó thành của anh ở đâu đấy mà anh hoàn toàn không hay biết, ấy là bắt chước thụ động. Còn nếu bắt chước mà anh biết chắc rằng anh đang bắt chước là không chấp nhận được. Nhưng bạn ơi, những người sáng tác thực thụ họ cực kỳ tự trọng. Họ không làm vậy. Họ buồn với chính họ khi không nghĩ ra được cái gì khác, trời ơi họ đau khổ kinh khủng! Người sáng tác thực thụ coi khinh chuyện ấy. Lặp lại chính mình đã là quá đau khổ, huống gì là chép lại của người khác. Chép lại của người khác hóa ra mình thành số 0 à? Không được phép. Mình không làm được nữa thì mình phải dừng lại để tìm cảm hứng mới. Mình không được tham lam để cuối cùng rơi vào tình cảnh khốn khổ kia. Sáng tác là chặng đường dài, và đâu phải tác phẩm nào cũng cho mình sự sung sướng.

Thế chị đã sướng bao nhiêu lần trong cuộc đời tính đến thời điểm này rồi?

Câu hỏi này đa nghĩa quá! (Cười). Tôi chưa từng sướng đến cùng cực thỏa mãn hết sức, mà tôi nghĩ nếu được như vậy thì chắc mình sắp chết tới nơi rồi. Mỗi cái sướng trong tác phẩm đều có một khoảng riêng. Sáng tác khi hai mươi tuổi khác biệt so với khi ba mươi. Tác phẩm của tôi phản ánh đúng con người tôi ở một thời điểm nhất định. Tôi vui, tôi làm tác phẩm cực vui, tôi buồn, tôi làm tác phẩm cực buồn... Vì thế mà mỗi thời điểm tôi sướng một kiểu khác nhau. Tôi mười tám, tôi yêu người đàn ông theo mẫu hình tuổi mười tám. Nhưng chả nhẽ, ngoài ba mươi rồi mà tôi lại vẫn yêu được người đàn ông của thời tôi mười tám.

Hóa ra với chị, tình yêu dành cho múa đương đại giống tình yêu dành cho một người đàn ông à?

Cứ cho là thế đi, mà có khi còn yêu hơn cả đàn ông.

Bao lâu rồi chị không làm một tác phẩm dài cho riêng mình?

5 năm rồi, từ sau Living in the box vào năm 2008. Bù lại, tôi đã làm rất nhiều tác phẩm ngắn trong khoảng thời gian này, cũng rất thích. Giống kiểu ngày xưa mình chỉ ao ước viết tiểu thuyết, nhưng bắt tay vào viết truyện ngắn rồi thì lại nghĩ  “ơ, truyện 100 chữ cũng chả tồi”. Tiểu thuyết là tư duy dài, còn truyện ngắn là tư duy khúc chiết. Những mẫu truyện 100 chữ đôi khi làm tôi khóc lên được. Tôi phát hiện ra, sáng tác tác phẩm ngắn rất khó. Trong vòng một phút rưỡi hoặc năm phút đồng hồ mình phải mở, thắt nút mà không được để khán giả lơi ra khỏi cảm xúc chút nào. “Một thằng bé đen đủi đứng đấy chờ mẹ...”, lúc đầu coi thường và nghĩ làm tác phẩm ngắn chắc dễ lắm, sau đó thì càng ngắn càng ham.

 

Anh xác định bản thân mình phải là người tạo ra xu hướng hay anh quả quyết rằng tác phẩm của anh làm ra để cho công chúng? Quá khác biệt nhau

Tác phẩm ngắn và khoảng thời gian 5 năm có phải là cuộc nghỉ ngơi của chị?

Đúng vậy. Tôi gặp vấn đề với Living in the box.

Và chị đã nghỉ ngơi đến tận bây giờ?

Vâng, tôi chuyển một phát sang tác phẩm ngắn. Ở thời điểm ấy, tư tưởng của tôi không gặp mọi người.

Hay là mọi người không gặp chị?

Có thể là cả hai. Không biết được, tóm lại là đã không gặp nhau.

Đoán thử, nếu trở lại với tác phẩm dài, chị có tìm gặp mọi người hoặc làm cho mọi người gặp được mình không?

Tôi sẽ cố gắng. Tất nhiên, tôi vẫn sẽ độc lập và hướng mọi người đến với cái của tôi. Nhưng tôi nghiệm thấy rằng, cần phải có cầu nối để cho những người kia hiểu được cái mình đang làm thì mới gọi là thành công. Tôi từng nghĩ đơn giản tôi là tôi, mặc kệ mọi người. Khi câu chuyện của cách đây 5 năm xảy ra, tôi cũng không ngồi lại để phân tích. Tôi lập tức ngưng. Rồi thì, cuối cùng tôi cũng tìm được cảm hứng ở tác phẩm ngắn.

 
Ảnh: Đại Ngô

Một người quá yêu nghề như chị thì tại sao không nghĩ ra cách đưa tác phẩm của mình đến gần công chúng nhỉ, có người nghệ sĩ nào mà không muốn tác phẩm mình được công nhận đâu?

Hai tác phẩm lớn nhất của tôi là One dayLiving in the box. Tôi nghĩ One day thành công. Trước đấy tôi được giải sáng tác của Úc. Được công nhận vui lắm chứ. Tôi thích được công nhận và tôi quý trọng điều đó. Nếu ai đó nói rằng họ không cần công nhận là bởi họ chưa nếm trải cảm giác được công nhân thật sự. Song tôi nghĩ ở mặt nào đó, không nên quan tâm quá đến việc này. Được công nhận thì sướng, còn không được công nhận thì sao? Dừng lại à? Không, tất nhiên mình phải đi tiếp rồi. Ở mỗi tác phẩm, tôi cố gắng làm thật tốt. Nhưng buồn cười, mỗi lần làm xong và ngồi coi lại tác phẩm, tôi cứ ngơ ngác kiểu như tác phẩm đó là của ai khác vậy. Tôi không xem lại, vì tôi sợ lỡ mình thích thú quá, quen thuộc quá, mình sẽ không làm được cái mới nữa. Tôi trốn chạy và đợi đến mấy tháng sau, tôi mới xem lại với tâm thế một khán giả, chứ không phải một người sáng tác.

Riêng chuyện khán giả và tôi không gặp nhau, số phận bắt vậy thì phải vậy thôi. Còn cách nào khác nữa?

Thỏa hiệp. Biến tác phẩm ấy 50% là của mình, và 50% là của công chúng?

Không bao giờ được. Sự thỏa hiệp, nếu có, thì nó phải có từ lúc anh bắt đầu chọn lựa con đường của mình. Anh xác định bản thân mình phải là người tạo ra xu hướng hay anh quả quyết rằng tác phẩm của anh làm ra để cho công chúng? Quá khác biệt nhau. Đấy, vì thế tôi mới bị suy nghĩ. Tôi cần khán giả, nhưng tôi sợ đánh mất bản thân. Khi không còn là mình nữa, khán giả sẽ thôi yêu mình. Khán giả có thể không hài lòng với tư duy, tác phẩm của mình, nhưng ít ra mình vẫn còn chỗ đứng. Còn nếu mình là khán giả rồi, thì làm nghệ thuật thế nào đươc.

Khi nhen nhóm ý tưởng cho Living in the box, chị có tính đến chuyện mình và khán giả sẽ không gặp nhau không?

Hoàn toàn nghĩ đến, nghĩ đến mà vẫn làm. Đó là vấn đề của người trẻ. Tôi muốn lồng vào bên trong múa là những suy tưởng, chiêm nghiệm về cuộc sống. Có thể cách lồng vào của mình quá xa vời với mọi người nên tôi không nối được với khán giả. Chắc chỉ một nhúm người thích Living in the box. Nhưng tôi tin vẫn có nhiều người coi trọng tôi. Sự coi trọng đó được đánh giá qua việc đều đặn mỗi năm Viện Goethe mời tôi sang Đức một lần. Họ bỏ tiền ra mời tôi làm việc với nhóm sáng tác nước họ, cụ thể rõ ràng chứ không nói suông.

Miệt mài làm nghệ thuật, nhưng chỉ đến khi ngồi vào ghế giảm khảo của một chương trình truyền hình thực tế, cái tên Trần Ly Ly mới trở nên gần gũi hơn. Chị tủi chứ?

Không, vì tôi rất tỉnh.

Tôi không nghĩ chị là một người tỉnh với câu chuyện của 5 năm trước...

Để đạt được độ tỉnh thì phải từng mê lắm rồi. Ừ, với câu chuyện 5 năm trước, tôi phải mất 2 năm cân bằng. Buồn lắm! Con đường nào mình đi, mình có làm tiếp được không, mình có đủ tài năng không... Tôi vật vã trong hàng tá suy nghĩ. Bám víu duy nhất lúc ấy là một nhúm khán giả yêu thích mình, nhưng tận sâu bên trong vẫn thật sự thất vọng vô cùng.

Cùng với thất vọng, chị có tự hoài nghi không?

Có, tôi đã hoài nghi. Và sau hoài nghi, tôi thử làm việc khác xem sao. Cũng không hẳn là thử, nói chính xác là làm theo đơn đặt hàng của bạn bè. Cuối cùng, mọi thứ chảy sang một dòng khác. Hiện tại, tôi đang muốn trở lại với tác phẩm dài. Sắp tới, tôi mang Thiền đi tham dự Festival Nghệ thuật Hàn Quốc. Sau khi về, chắc tôi sẽ phải đi tìm cảm xúc. Tôi rất muốn đi Trường Sa. Núi tụ, biển tỏa nên tôi cần một thứ cảm xúc lớn mạnh.

Tôi đã nghe về một Trần Ly Ly suốt nhiều năm cô độc ở nước ngoài, nghe thêm về một Trần Ly Ly cô đơn trên chính sân khấu quê nhà, nhưng thú vị nhất lại là được nhìn thấy một cô Hiệu phó Trần Ly Ly nghiêm khắc trong trường múa...

Gia đình tôi có truyền thống múa. Bố tôi cũng dạy múa. Thật ra thì tôi ngại đi dạy. Dạy học tốn rất nhiều năng lượng, không được “thu” mà chỉ “phát”. Bên cạnh đó, việc cho điểm học sinh đối với tôi là một chuyện quan trọng, giống việc ngồi trên ghế giám khảo chấm điểm vậy. Điểm số mình cho nó là lòng tự trọng của thí sinh, mà cũng là lòng tự trọng của chính mình. Nói chung đi dạy vất vả lắm, nhưng vì tôi thương trò và muốn trải nghiệm những thử thách khác nhau. Ví dụ như dạy một lớp học rất dở thành một lớp học rất giỏi, rất vui.

Chị có ý định hướng hai con của mình theo truyền thống múa của gia đình không?

Con tôi là con trai, nó biết múa tôi cũng không khuyến khích, trừ khi nó định sống độc thân không phải lo lắng cho gia đình, và nó phải múa cực giỏi. Con trai đi múa vất vả lắm, mà tiền kiếm được lại không nhiều. Nhưng dù sao đó cũng là suy nghĩ của riêng tôi. Hồi tôi còn bé, bố mẹ tôi quan điểm y như tôi lúc này, không thích tôi theo múa. Nhưng tôi thích rồi thì bố mẹ cho đi thôi. Gia đình tôi sống tôn trọng lẫn nhau.

Nếu chỉ tiếp xúc sơ qua, thật khó mà tin là chị đã làm mẹ hai con đấy!

Ồ, người ngạc nhiên về chuyện tôi có gia đình nhất là mẹ tôi. Có gia đình, mà lại rất chỉn chu. Còn chỉn chu đến bao giờ thì tôi chưa biết được (cười).

Tự nhiên thắc mắc, chị có bao giờ để tóc dài chưa nhỉ?

Tôi có 21 năm để tóc dài, vì học trong trường múa phải để tóc dài cho tới khi tôi sang Pháp. Vào một ngày đẹp trời, tôi và một anh bạn lang thang trên thành phố biển La Rochelle, lúc ấy tôi nhớ Việt Nam vô cùng. Chúng tôi ghé một tiệm cắt tóc. Thợ cắt tóc hỏi muốn làm thế nào, tôi bảo “sao cũng được”. Thế là thức dậy sau giấc ngủ ngắn mơ mơ màng màng, tóc tôi chỉ còn hai phân. Mang mái tóc mới về đoàn, ai cũng khen tôi rất hợp với tóc ngắn. Tôi để tóc ngắn đến giờ luôn.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện, và mong được nhìn thấy tác phẩm mới của chị!

Nguyễn Khắc Ngân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.