Video giật gân gây sốc trên YouTube ở Việt Nam: Ngán ngẩm khi tồn tại tràn lan

08/10/2020 12:15 GMT+7

Cư dân mạng ngán ngẩm trước những video trên YouTube có nội dung giật gân, gây sốc như thả nón bảo hiểm từ trên cao, một ngày làm chó, đổ nước mắm lên đầu mẹ... Và mới đây là video lấy cắp tiền heo đất của Hưng Vlog.

Tràn lan video cố gây sốc để câu view

Con trai bà Tân Vlog, Nguyễn Văn Hưng (28 tuổi), chủ nhân của kênh YouTube Hưng Vlog lại gây tranh cãi khi đăng tải video có tiêu đề: “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi". Video bị nhiều người đánh giá là cổ súy hành vi không đúng đắn, “dạy hư” trẻ nhỏ cách trộm cắp. Trước phản ứng gay gắt từ dư luận, Hưng Vlog đã ẩn (hoặc gỡ) video tranh cãi này.
Với clip này, Hưng Vlog lại bị phạt 10 triệu đồng. Trước đó, vào ngày 10.9, Nguyễn Văn Hưng đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip nấu cháo gà nguyên lông lên mạng xã hội YouTube.
Dưới đoạn video nấu cháo gà nguyên lông, cộng đồng mạng bất bình: “Mất vệ sinh, rất nhiều vi khuẩn. Mình không thích anh Hưng chút nào”, “Cá nhân em thấy không hay! Mất vệ sinh và phí phạm quá anh ạ!”, “Video này độc hại, mất vệ sinh, gây mất thiện cảm cho người xem quá”...
Trong khi đó, Nguyễn Thành Nam (người sở hữu kênh YouTube NTN Vlogs có hơn 8,8 triệu người theo dõi) đã đăng tải video tuyên bố trở lại làm vlog để chinh phục nút kim cương sau nhiều lần khẳng định sẽ rời bỏ YouTube.
Điều đáng nói là Nguyễn Thành Nam từng vướng phải vô số chỉ trích vì làm các video thử thách thiếu an toàn, không phù hợp với văn hóa người Việt. Tiêu biểu phải kể đến video “Thả 100 cái dao trên cao xuống”, “Thử thách 24h trong nhà 5.000 ống hút” hay mới đây là “Bị Nhiễm Virus Corona” đùa cợt về Covid-19...

NTN Vlogs chuyên đăng tải các video thử thách, trêu đùa nguy hiểm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục

Ảnh chụp màn hình

Kênh Hưng Vlog hay NTN Vlogs chỉ là hai ví dụ nhỏ trong vô số các kênh YouTube Việt Nam khác chuyên tạo ra nội dung không ổn, đặc biệt là với con nít. Chỉ cần nhập một vài từ khóa, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy loạt video có nội dung như thử thách một ngày sống dưới lòng đất, thả nón bảo hiểm từ trên tầng cao... Phản cảm hơn là thử thách một ngày làm chó, một ngày ngủ với lợn hay thậm chí là video đổ nước mắm, trứng lên đầu mẹ...
Không những vậy, các nhân vật xuất hiện trong đó cũng sử dụng nhiều từ ngữ thô tục. Đặc biệt, các video không được kiểm định độ an toàn, gắn mác cảnh báo, giới hạn độ tuổi. Một số kênh dù gắn nhãn nội dung hướng đến trẻ em nhưng trang phục, từ ngữ và nội dung lại thể hiện điều ngược lại.
YouTube Việt Nam ngập tràn video “rác”

Các video gây sốc trên mạng thường có lượt xem rất cao

Ảnh chụp màn hình

Lan truyền văn hóa không lành mạnh

Mỗi vlog có nội dung kể trên đều có hàng nghìn, hàng triệu lượt xem, thậm chí con số này ở một vài vlog đạt đến mức vài chục triệu. Đa phần, khán giả đều nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nhưng không phải người trẻ nào cũng đồng tình với các nội dung không lành mạnh đó.
Nhiều người dùng trẻ khẳng định hiện tượng mạng này đang làm sai lệch suy nghĩ của một số bạn trẻ trong xã hội. “Nếu cứ liên tục xem và ủng hộ các video có nội dung như vậy, đến một ngày người xem sẽ nghĩ rằng việc chọc phá người thân trong gia đình hay xã hội là một chuyện bình thường”, bạn Vũ Đình Phương Nghi (18 tuổi) bày tỏ.

Các video gây sốc trên mạng thường có lượt xem rất cao

Ảnh chụp màn hình

Thế nhưng, người lo sợ nhất hẳn là những vị phụ huynh, khi mà họ không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát xem nội dung con em mình xem là gì.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết (35 tuổi) có con gái đang học tiểu học sau khi vô tình xem được vlog trên kênh NTN Vlogs đã vô cùng thảng thốt. Chị chia sẻ: “Những video này đều có nội dung rất “nhảm”. Nếu trẻ em vô tình xem được sẽ khơi dậy trí tò mò, khiến các con có suy nghĩ lệch lạc hay thậm chí là gặp nguy hiểm nếu bắt chước theo". Chị Tuyết cũng khẳng định không chấp nhận được loại hình nội dung này.
Những người trong nghề, không phải ai cũng có thiện cảm với các dạng video này. Anh Lê Văn Phong, chủ nhân của kênh YouTube Phong Bụi chuyên khai thác các mảnh đời nghị lực trong xã hội chia sẻ rằng: “Trong khi nhiều YouTuber mỗi ngày đều phải suy nghĩ rất nhiều để tạo ra một nội dung giá trị và nhân văn thì các video phản cảm lại phá hủy nỗ lực đó”. Bởi theo anh, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi khán giả, những câu chuyện phản cảm ấy làm xấu đi hình ảnh của người sáng tạo chân chính trên nền tảng YouTube.
YouTube Việt Nam ngập tràn video “rác”

Những câu chuyện rùng rợn đăng tải trên kênh Chuyện Kể Có Thật được thể hiện dưới dạng phim hoạt hình, dễ gây hiểu lầm cho trẻ em

Ảnh chụp màn hình

Để triệt tiêu đường “cung”, phải không có đường “cầu”

Đầu năm 2019, YouTube tuyên bố ngăn chặn sự lan truyền của các video độc hại trên nền tảng. Thế nhưng quá trình kiểm duyệt và mức xử phạt được xem vẫn còn lỏng lẻo, nhẹ nhàng. 
Theo ước tính, những vlogger danh tiếng tầm trung có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một tháng. Các vlogger hàng đầu hiện nay thậm chí có thu nhập đến vài tỷ một năm. Nếu bị cơ quan chức năng phạt vài triệu hay vài chục triệu đồng không đủ tính răn đe để ngăn chặn các YouTuber này thực hiện hành vi tương tự.
Trên thực tế, dù phản đối, “ném đá” nhưng nhiều người vẫn liên tục xem các video có nội dung gây sốc dẫn đến lượt view tiếp tục tăng, mang về thu nhập cho người sáng tạo nội dung. Theo Đỗ Nhật Quyên (chủ nhân của kênh YouTube GaliTV) chia sẻ: “Có cầu thì sẽ có cung, muốn không còn các video “nhảm” thì cần phải giảm bớt cung". Chỉ khi nào người xem mạnh dạn rời đi, lợi nhuận giảm sút, chủ nhân những vlog này mới không còn động lực sản xuất thêm sản phẩm.
Anh Lê Văn Phong gợi ý: “YouTube có phiên bản YouTube Kids dành riêng cho trẻ em. Đây là một lựa chọn để con trẻ có thể tiếp cận với nhiều nội dung thú vị nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Đồng thời, hãy dành nhiều thời gian kiểm tra lịch sử trình chiếu cũng như xem các chương trình giải trí cùng con nhằm kịp thời ngăn chặn nếu có bất cứ sai sót gì có thể xảy ra".
Chính sách của YouTube về nội dung video được đăng tải
Nội dung của các video đăng tải trên nền tảng YouTube phải tuân thủ theo chính sách Nguyên tắc cộng đồng hoặc các quy tắc ứng xử trên YouTube.
Nguyên tắc cộng đồng nói trên không cho phép xuất hiện các video với nội dung spam và có hành vi gian lận nhằm mục đích lừa đảo, gây hiểu lầm hoặc lừa gạt người dùng; các video có nội dung nhạy cảm, khiêu dâm, ảnh khỏa thân, hình ảnh không an toàn cho trẻ em và hành vi tự hủy hoại bản thân; video có nội dung bạo lực hoặc nguy hiểm, xuất hiện lời nói, hành vi căm thù, bạo lực, tấn công người xem bằng mã độc hoặc khuyến khích hành vi...
YouTube cũng không cho phép một số hàng hóa nhất định xuất hiện trong video (bao gồm vũ khí, chất nổ, nội tạng, các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích, rượu, tiền giả, dược phẩm không theo đơn thuốc...).
Nếu nhìn thấy nội dung mà người dùng YouTube cho là vi phạm các nguyên tắc nói trên, người dùng có thể gắn cờ cảnh báo để gửi nội dung đó cho nhân viên của YouTube xem xét.
Nếu vi phạm nguyên tắc của YouTube, biện pháp xử lý người dùng của mạng xã hội sẽ đi từ nhẹ nhất là tạm ngưng các đặc quyền của người sáng tạo đến nặng nhất là chấm dứt tài khoản. Cụ thể, YouTube sẽ gửi cảnh báo đến chủ nhân kênh. Lần cảnh báo vi phạm thứ nhất, chủ nhân kênh YouTube sẽ không thể đăng bất kỳ nội dung nào trong vòng 1 tuần. Lần thứ hai, kênh sẽ không được đăng bất kỳ nội dung nào trong vòng hai tuần. Và khi bị cảnh báo lần thứ ba, kênh vi phạm sẽ bị xóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.