Trăm nỗi lo tết: 'Ám ảnh' tổng vệ sinh, 'đau đầu' với đồ gỗ chạm trổ

Hoài Nhân
Hoài Nhân
13/01/2020 13:54 GMT+7

Một trong những nỗi “ám ảnh” ngày tết là tổng vệ sinh nhà cửa, từ ngoài sân vào đến tận giường. Dọn dẹp bụi bặm, sắp xếp đồ đạc, sửa sang nhà cửa sau một năm, quả thực mệt lắm chứ chẳng đùa!

Nhà to dọn cũng mệt, nhà nhỏ xuống cấp cũng khổ!

Cuối năm, ai ai cũng phải lui cui dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài, chuẩn bị ăn một cái Tết tươm tất. Nhà, sân sạch sẽ để đón điều may, điều tốt đến với gia đình, lâu nay đã thành thông lệ. Mà cái thông lệ này khiến nhiều người cũng ngán ngẩm.
Cuối năm bao thứ dồn dập, lo cân đối chi tiêu tết, lo tiền lì xì tết, chạy deadline… thế mà về còn thấy căn nhà to đùng chỗ bàn bám bụi, chỗ ghế có mạng nhện, chỗ quần áo cũ không dùng nằm bừa bộn, thở dài ngay!

Lau dọn nhà để loại bỏ xú uế, bụi bặm cũng như xui xẻo trong một năm đã trở thành thông lệ để đón năm mới

HOÀI NHÂN

Cứ độ giữa tháng Chạp, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Nam (69 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) lại lục đục lau dọn nguyên ngôi nhà 5 tầng đầy đồ đạc. Căn nhà là nơi sinh sống của một đại gia đình hơn chục người, lại có nhiều con nít nên khá bừa bộn, năm nào tổng vệ sinh cũng phải mất hơn cả tuần.
“Mấy vợ chồng sắp nhỏ làm công ty bảo vệ với kinh doanh tiệm tạp hóa, toàn những cái nghề tết tới là “chạy” việc gấp mấy lần ngày thường, nên có nghỉ sớm được đâu. Vợ chồng già chúng tôi đành lục đục dọn trước, được nhiêu hay nhiêu. Tụi nhỏ kêu thuê người mà bả không chịu, bảo "thuê tốn tiền”. Thế là è cổ ra quét mạng nhện, lau rửa bàn ghế, sửa mái che sân thượng, sửa lại tường toàn bộ cái gian bếp bị thấm nước. Trước giao thừa 2 – 3 ngày tụi nhỏ mới tranh thủ về phụ giúp cho xong”, ông Nam kể.
Ông cũng cho biết, dù cũng lui cui dọn dẹp mỗi ngày, thế mà tổng vệ sinh lại, vẫn thấy rớt ra cả đống bụi bặm, rác, nhất là các kẽ tủ, gầm giường. Nhiều chỗ mối mọt làm hư hại mà không hay, nhờ tết tới mới phát hiện ra.

Nhiều cửa hàng cũng tất bật dọn dẹp mọi thứ tươm tất trước giao thừa

HOÀI NHÂN

Gia đình chị Thu Trang tranh thủ sửa sang lại căn nhà xuống cấp để đón tết

NVCC

Trong khi đó, vợ chồng chị Nguyễn Thu Trang (31 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cũng khá khổ sở với căn nhà nhỏ xuống cấp của mình. Căn nhà của bố mẹ xây từ trước năm 1995 và để lại cho vợ chồng chị. Qua nhiều lần nâng sửa mặt đường phía trước, căn nhà nay đã thấp lè tè với cửa sổ ngang bánh xe chạy. Nhiều chỗ ẩm thấp, dột, thấm, nứt tường khiến việc sửa sang, dọn dẹp càng cực hơn.
“Nhiều năm trước cũng bàn với chồng, lấy tiền dành dụm tầm hai, ba trăm triệu để sửa sang toàn bộ nhà. Còn đang ngần ngại thì mình lại mang thai ngoài kế hoạch, rồi chồng chuyển công ty. Chi tiêu càng phải thắt chặt nên gác lại việc làm nhà. Mỗi lần Tết tới là dọn mệt xỉu. Năm nay phải đi mua sơn về lấp đi các mảng tường bẩn, mua lại bàn ghế bị dột hư hỏng. Năm nào bố mẹ dưới quê cũng cùng ông bà ngoại lên chơi, nên gì thì gì cũng phải sạch sẽ một tí”, chị Trang tâm sự.

"Ám ảnh" chùi kẽ đồ gỗ

Những người kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê cũng tất bật dọn dẹp vào dịp này. Tranh thủ lúc các khách trọ trả phòng về quê đồng loạt, chủ nhà cũng tổng vệ sinh, thay sửa đồ đạc hư hỏng để đón luồng khách mới trong năm mới.
Anh Nguyễn Thiên Phúc (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), quản lý một căn trọ khá lớn trên đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh) cho biết, do diện tích lớn, anh phải thuê người để vệ sinh cuối năm.
“Trước kia mình quản lý nhà trọ nhỏ nhỏ thì thuê từng dịch vụ riêng lẻ, ví dụ vệ sinh sàn nhà 25.000 đồng/m2, giặt rèm cửa, màn 35.000 đồng/kg… Giờ làm nhà lớn hơn thì mình thường khoán luôn trên dưới 3 triệu cho một lần tổng vệ sinh. Chi phí vệ sinh ngày Tết thường tăng gấp đôi, nhưng phải chịu vì nhu cầu thiết yếu mà”, anh Phúc cho biết.

Nhiều nhà cho thuê tranh thủ tổng vệ sinh khi khách đồng loạt trả phòng vào cuối năm

HOÀI NHÂN

Câu chuyện dọn nhà ngày tết cũng được khá nhiều người trẻ than thở trên mạng xã hội. Trong đó có một nỗi ám ảnh dở khóc dở cười mang tên “những chiếc kẽ”.
Những ngày cuối năm, mạng xã hội xuất hiện những bức ảnh chụp giường tủ, bàn ghế gỗ chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ kèm trạng thái ngán ngẩm. Những hình ảnh uốn lượn như rồng, hổ, chim, hoa lá… khiến nội thất trở nên rất sang trọng, nhưng lại trở thành nỗi khổ khi phải vệ sinh.
Bạn Nguyễn Hữu Thuận (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), năm nào cũng về quê phụ ba mẹ dọn dẹp nhà đón Tết. Gia đình Thuận hiện đang sinh sống và trông coi một căn nhà thuộc dạng cổ ở Bến Tre. Căn nhà cổ miền Tây với kèo, cột, vách, nội thất làm từ gỗ quý với chạm trổ tinh vi khiến Thuận khá khốn đốn mỗi độ xuân về.
“Ôi, nhìn vào toàn gỗ là gỗ, toàn kẽ là kẽ. Chắc hẳn ai cũng biết bụi bặm lọt vào trong các kẽ này thì lau chùi phải kiên nhẫn vô cùng. Nếu không có dụng cụ vệ sinh chuyên dụng thì tìm mọi cách như nhét nùi giẻ, chà bằng bàn chải đánh răng, tăm bông. Nhà của mình lại là nhà thờ, bà con dòng họ tết đổ về cúng kiếng, sum vầy nên ba mẹ kêu phải làm sạch kĩ đâu ra đó. Sau này mà mình có mua đồ nội thất, mình mua trơn lù hết, không có khắc khắc gì đâu”, Thuận pha trò.

Những bộ bàn ghế gỗ chạm trổ tinh vi góp phần làm đẹp căn nhà...

HOÀI NHÂN

... lại trở thành nỗi ám ảnh khi phải lau chùi bụi bặm đóng trong các kẽ

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.