Trăm nỗi lo Tết 2020: Người mới ra trường chật vậy xoay xở tiền Tết

16/01/2020 13:46 GMT+7

Những ngày cuối năm, lượng công việc nhiều, chất cao như núi trong khi tiền lương vẫn vậy mà thưởng tết lại không có khiến sinh viên vừa ra trường hoặc người mới nhảy việc loay hoay mối lo về quê ăn Tết.

Lo bị người thân hỏi về công việc, lương thưởng

Là sinh viên đại học năm cuối, dịp tết năm nay với chị Nguyễn Thị Thu (21 tuổi) có nhiều nỗi lo lắng, muộn phiền. Khác với bạn bè, thực tập xong Thu không đi làm ngay mà chọn nghỉ ngơi, tận hưởng những ngày tháng cuối cùng của sinh viên.

Năm nay, Thu đón Tết ở quê ngoại, cũng chọn đây là nơi an cư lập nghiệp sau 4 năm học ở Sài Gòn. Trước khi về quê, Thu làm một số công việc bán thời gian với đồng lương chỉ đủ trang trải một phần sinh hoạt phí, chứ không nói đến chuyện dư để sắm Tết.

Thu chia sẻ: “Mình đang lo ra Tết xin việc ở đâu và cũng chờ kết quả học tập, bết bát quá ăn tết không ngon. Thôi đành đeo mẹ thêm ít hôm nữa”.

Vừa tìm được việc làm chưa đầy tháng, chị Trần Như Quỳnh (21 tuổi) lo lắng Tết sao đến nhanh quá. “Là một sinh viên mới ra trường, vừa bắt đầu đi làm như Quỳnh thì tiền lương không được bao nhiêu, thưởng Tết chưa có. Mà Tết đến thì cần chi tiêu nhiều thứ. Phải lo tiền về quê, tiền mua quà cho ba mẹ với em gái. Còn một nỗi lo to bự nữa là lo bị người thân, họ hàng hỏi về công việc, lương thưởng”, Quỳnh tâm sự.

Tết với người mới ra trường lo nhiều hơn vui

ẢNH: TRỊNH THANH

Chị Huỳnh Thị Trúc Mai (22 tuổi) quyết định xin nghỉ việc tại công ty ngay trước thềm năm mới. “Nỗi lo Tết năm nay là việc không đủ tiền cho mọi chi phí phát sinh. Bởi lẽ, thu nhập chưa cao, nhưng phải chi trả nhiều khoản trang trải cuộc sống. Tôi là dân tỉnh, vì thế, khi về quê, hàng xóm họ hàng sẽ hỏi: "Tết thưởng nhiều không con? Lương bao nhiêu" áp lực tinh thần lại tăng lên gấp bội. Đồng thời, Tết còn phải thăm viếng dòng họ, chi phí phát sinh cho khoản đó cũng không nhỏ. Tôi còn xin nghỉ ở công ty nên gánh nặng tài chính tăng thêm”, chị than thở.

Chị Nguyễn Mỹ Huyền (23 tuổi), hiện đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng với thu nhập khá ổn. Công ty chị có chính sách thưởng Tết rõ ràng. Những người làm việc hơn một năm mới thưởng tháng lương thứ 13, dưới một năm thì tính theo phần trăm số tháng. Theo chị, sinh viên mới ra trường để được gọi là rộng rãi và an tâm chi tiêu thì mức lương từ 7 triệu đồng/tháng trở lên.

“Sinh viên sẽ ăn tết sẽ khác so với có việc làm và ra trường. Nó còn khác nhau giữa việc mới ra trường chưa tìm được việc làm và ra trường có việc làm như mình cũng sẽ khác. Như mình, có tiền thưởng Tết cảm thấy may mắn. Mình có tiền mua sắm đồ mang về nhà tặng ba mẹ, có tiền lì xì ông bà, cha mẹ cũng như con cháu của mình. Mình cũng tậu được vài bộ đồ tết ưng ý. Nhìn chung là ổn hơn so với việc ăn tết khi còn là sinh viên, vì khi còn đi học thì không có tiền để làm gì cả”, chị Huyền bày tỏ.

Chi tiêu vượt mức

Cha mẹ, ông bà không yêu cầu con, cháu phải mua sắm hay biếu tặng. Nhưng hầu hết ai cũng nhận thức đó là điều nên làm để ngày Tết vui cửa vui nhà.

Theo chị Mai, mức chi tiêu Tết năm ngoái của chị chỉ giao động chừng 2 triệu đồng. Nhưng năm nay, dự tính lên đến 5 triệu đồng. Hiện tại, chị chưa có kế hoạch sắm sửa, mua đồ tết vì chi phí sinh hoạt hàng ngày tại thành phố khiến chị đau đầu hơn.

Giống như chị Mai, chị Quỳnh cũng dự đoán mức chi tiêu sẽ cao hơn mọi năm mặc dù chưa lấy lương. Cho tới giờ chị vẫn chưa sắm sửa gì cho bản thân.

Tâm lý đi học, đi làm xa nhà khi về phải có quà biếu người thân trở thành gánh nặng cho người trẻ

ẢNH: TRỊNH THANH

Không chỉ với phụ nữ, cánh mày râu cũng gặp nỗi lo này. Anh Phạm Hiếu Thuận (21 tuổi) chia sẻ: “Điều mà tôi lo lắng nhất đó là sự ổn định và mức thưởng của công việc đang làm vì chưa có thông báo cụ thể. Những dịp Tết trước mức chi tiêu của tôi rất thấp, chỉ mua những gì cần thiết. Năm nay khi đã đi làm thì chắc chắn sẽ chuẩn bị kỹ càng và hợp lý hơn. Chuẩn bị thì cũng sắm sửa những dụng cụ, nguyên liệu để sửa sang lại đồ dùng với trang phục cần thiết”.

Tuy nhiên, thay vì nhìn vấn đề với con mắt tiêu cực, chị Quỳnh lại có suy nghĩ lạc quan hơn. Chị bày tỏ: “Không có tiền thưởng Quỳnh nghĩ cũng chỉ là buồn xíu thôi. Không có lương thì vẫn có Tết mà. Tết là dịp được về quê, sum vầy với gia đình, vậy là đã rất vui rồi. Có thêm một khoản tiền chỉ làm mình thoải mái hơn thôi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.