Trăm năm… ký ức cải lương

Hoàng Kim
Hoàng Kim
19/12/2018 14:16 GMT+7

Một không gian mở ra xinh xắn… Một trời ký ức ùa về… Đây chiếc xuồng nhỏ đầy hoa trái ngọt ngào với tiếng ca ngọt lịm của cô gái quê duyên dáng.

Đây góc đờn với tranh, bầu, nguyệt, sáo réo rắt ru hồn. Đây áo bào lấp lánh kim sa mơ về một Dương Vân Nga trao long bào để người tài chống giặc. Đây gươm giáo hào hùng Nguyễn Huệ từng ra quân đánh đuổi giặc Thanh… Cải lương bỗng hiện ra trong từng lát cắt nhỏ xinh, mà vẫn bùi ngùi gợi nhớ một trăm năm thăng trầm đi cùng dân tộc…
Trích đoạn Đời cô Lựu Ảnh: H.K
Nhà hát Trần Hữu Trang đã kỷ niệm 100 năm cải lương bằng một không gian như thế đó. Gian sảnh tầng trệt bất ngờ được chia thành những góc thật đẹp, mỗi góc là một không gian khác nữa cho cải lương hiện về. Khán giả chợt rung lòng khi nhìn lại chiếc xuồng trôi giữa đám lục bình xanh mướt, cô gái quê áo bà ba hát khúc dân ca như khuấy ngàn gợn sóng. Chiếc xe tay xưa cũ chở tiếng hát của Trần Minh và Quỳnh Nga tiểu thơ thấm đẫm ân tình. Rồi vợ chồng cô Lựu bị hội đồng Thăng hãm hại, tiếng kêu xé lòng trước lúc chia phôi. Lẫn trong gió là tiếng đờn tài tử, giai điệu Lưu Bình Kim rộn ràng, Nam Ai hiu hắt và những bức tượng đóng màu thời gian u hoài thăm thẳm…
Mới gian sảnh thôi, cải lương đã gợi những ký ức vui buồn, thương nhớ… Người của cải lương đi xem chợt rưng rưng nhớ một thuở ấu thơ nơi miền quê xa lắc, cải lương đã nuôi lớn tâm hồn, cải lương đã sẻ chia chữ nhân chữ nghĩa bởi trong đó đong đầy những lời lẽ yêu thương, những nhân vật trung hiếu… Cải lương giờ gom hết trăm năm trong trăm mét vuông khiêm tốn, nhưng chắc chắn ký ức vẫn không hề thu nhỏ, vẫn mở ra cho người của hôm nay ngoái nhìn và trân quý.
Chương trình kỷ niệm 100 năm cải lương do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức tại rạp Hưng Đạo ngày 17-19.12 Ảnh: H.K
Tiếp lên lầu 2 là sân khấu chính quy nhưng những chiếc micro kéo dây gợi nhớ những ngày Út Trà Ôn, Thanh Nga, Minh Vương, Lệ Thuỷ… còn hát với danh tiếng lẫy lừng. Rồi lầu 3 với 100 bức chân dung nghệ sĩ được họa sĩ Trương Văn Ý vẽ bằng sơn dầu, trông vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Tranh khác với ảnh, nó mang một thần thái mà mỗi người xem sẽ tự nhận ra. Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Tấn Đạt, Trường Xuân, Diệp Lang, Thành Tôn, Đinh Bằng Phi, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Tú… những cái tên quá lớn, quá yêu. Hàng trăm khán giả đua nhau chụp hình bên cạnh bức tranh mà mình yêu thích. Nghệ sĩ có người đã đi về thiên cổ, chỉ còn đây bóng dáng dư hương, thì thôi, cũng mừng hạnh ngộ, cũng duyên tương phùng, xin giữ lại hình ảnh với người, để mãi mãi là fan trong cõi nhớ…
Chỉ mong không gian này còn lại lâu hơn, chứ không chỉ vài ngày kỷ niệm. Nhà nước tiếc gì kinh phí để cho lớp trẻ có nhiều cơ hội về chiêm ngưỡng. Đặc biệt, hãy tổ chức vào ngày thứ bảy, chúa nhật, để học sinh, sinh viên, công chức được nghỉ học, nghỉ làm, được đi xem, gắn kết. Hồn dân tộc còn lại chút này, xin níu giữ sợi dây cho cánh diều còn bay theo gió, kẻo đứt rồi thì như kẻ tha hương ngay chính quê mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.