Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Xe hủ tíu Giang Cẩu ký 'since 1968'

Lê Vân
Lê Vân
05/05/2022 08:25 GMT+7

Ở mỗi khu chợ trăm tuổi lại có những hàng quán song hành cùng đời chợ từ thuở ban sơ.

Chợ Tân Định có xe hủ tíu được truyền lại cho ông Giang Cẩu (70 tuổi) vào năm 1968. Thực tế, xe hủ tíu đã có từ thời ông nội Giang Cẩu. “Ông nội qua đây lúc mười mấy tuổi, đi làm thuê cho người ta rồi cưới vợ. Để nuôi vợ con, ổng mới quẩy gánh mì Tàu đi khắp phố chợ này từ thời Pháp. Bố tôi là Giang Lâm, xe hủ tíu này chính thức có từ năm 1968 với tên Giang Lâm ký, tới giờ đổi qua tên tôi là Giang Cẩu ký”, ông Giang Cẩu, 70 tuổi, chủ xe hủ tíu trước chợ Tân Định tâm sự.

Xe hủ tíu Giang Cẩu ký “since 1968”

Lê Vân

Ký ức chợ xưa

“Ở ngã ba Trần Văn Thạch (nay là đường Nguyễn Hữu Cầu) - Mã Lộ, khi chiều tối sẽ có mấy xe đẩy bắt đầu buổi nhóm chợ. Dưới ánh đèn măng sông là những xe bán chè sâm bổ lượng, hủ tíu, mì hoành thánh, mì xào giòn, bánh bò, bánh tiêu, dầu cháo quẩy chiên tại chỗ… Góc đường Hai Bà Trưng đối diện cổng chợ là 2 tiệm ăn Tàu bán cơm thố với thịt heo quay, xá xíu và cà phê… Xe mì của bố tôi cũng đứng bán ké tiệm Tàu bán cà phê, nước ngọt…”, ông Giang Cẩu hoài niệm.

Ký ức của ông Cẩu về chợ Tân Định xưa nay luôn bắt đầu bằng những buổi họp chợ rất sớm từ lúc 4 hay 5 giờ sáng, chợ vãn vào tầm 1 - 2 giờ chiều. Khi những hàng thịt, cá trong nhà lồng của chợ dẹp hàng, các sạp ngoài nhà lồng bị khiêng đi và xếp dựa bức tường hông của chẩn y viện (trên đường Hai Bà Trưng, có trước 1975, nay đã dỡ bỏ - PV). Sau đó, những người phu chợ sẽ quét dọn và rửa chợ với nước cung cấp bởi máy nước ngay bên hông chợ. Các cửa hàng ở mặt tiền chợ vẫn tiếp tục bán tới xế chiều và trên vỉa hè đường Mã Lộ phía sau vẫn còn thấy vài rổ rau cải bán cho những người đi chợ chiều.

Cả gia đình ông Giang Cẩu cùng bán ở xe hủ tíu

Lê Vân

Xe hủ tíu Giang Lâm ký của cha ông Giang Cẩu trước 1975 bán từ 4 giờ sáng tới 1 - 2 giờ khuya hôm sau. Cả gia đình ông Giang Lâm thay phiên nhau bán 2 ca. Họ nghỉ từ 2 giờ chiều để chuẩn bị cho buổi tối bán từ 6 - 7 giờ cho tới khuya. Khách quen của xe hủ tíu xưa nhà ông Giang Cẩu có 2 kiểu chính. Một là những người lao động bán buôn, phu phen trong chợ. Hai là những khách sang đến chợ để mua vàng, vải vóc lụa là và chơi bar Bình Viện (có trước 1975 - PV), xem phim ở rạp hát Kinh Thành (trên đường Hai Bà Trưng, trước 1975 - PV) thường ăn vào độ khuya hoặc sáng sớm sau khi “quẩy” đã đời cả đêm.

Thực khách người Hoa của tiệm hủ tíu này thường lui tới các tiệm thuốc Bắc đường Hai Bà Trưng mà ngày nay là những tiệm vải vóc. Chủ các tiệm buôn trước 1975 ở dãy nhà trệt đối diện cổng chợ Hai Bà Trưng phần lớn là người Tàu, bán đủ thứ từ mỹ phẩm đến mọi đồ dùng trong nhà, đồ chơi đặt trong tủ, kiếng pha đèn rất đẹp mắt. Vào dịp Tết trung thu hay Tết Nguyên đán, trên vỉa hè trước các tiệm này, người ta bày bán lồng đèn, bánh trung thu hay bánh mứt ngày tết.

Khi cha mẹ mất, lồng chợ Tân Định sau 1975 cũng được tu sửa nhiều lần, ông Cẩu xin được một góc trước cổng chợ mặt đường Nguyễn Hữu Cầu và bán cho tới nay, xe hủ tíu xưa của gia đình ông cũng đổi tên thành Giang Cẩu ký (tên trên xe vẫn là Giang Lâm ký - PV).

Hai tiệm ăn người Hoa cổng Hai Bà Trưng chợ Tân Định, nơi xe hủ tíu Giang Cẩu Ký bán trước 1975

tư liệu

Chiếc xe gỗ xuyên thời gian

Giang Vỹ Thanh, 39 tuổi, hiện là đời thứ 3 tiếp quản xe hủ tíu nhà họ Giang. Dù học đại học nhưng Thanh vẫn quyết định về bán hủ tíu vì “bỏ nghề ông nội thì tiếc lắm”. Chiếc xe gỗ đóng bằng những cây củi từ thời xưa đã xuyên thời gian suốt hơn 50 năm cùng họ Giang cho đến hôm nay, nuôi lớn 3 thế hệ. Giữa trưa nắng tháng 3, một chiếc xe hơi sang trọng đỗ ngay bãi xe cổng Nguyễn Hữu Cầu của chợ Tân Định. Đó là những thực khách quen từ Hà Nội, lần nào ghé TP.HCM cũng phải đi ăn hủ tíu Giang Cẩu. Giang Vỹ Thanh vui vẻ chia sẻ: “Thấy khách ghé hoài, ăn ngon và vui vẻ là món quà lớn nhất với mình. Cứ thế mà có động lực để làm tiếp thôi”.

Cả gia đình ông Giang Cẩu cùng bán ở xe hủ tíu

Lê Vân

Vợ ông Giang Cẩu làm hủ tíu cho khách

Lê Vân

Ông già họ Giang năm nay cũng đã 70 tuổi. Dáng thấp đậm và bạc râu tóc nhưng chưa chịu nghỉ hưu. Ngày ngày, cứ 5 giờ sáng ông lại cùng vợ con đẩy chiếc xe chuẩn bị cho buổi chợ sớm. Bây giờ, tiệm mì chỉ bán từ sáng tới 4 giờ chiều là dọn, rồi lại chuẩn bị cho buổi bán sáng hôm sau. Ông Cẩu nói: “Ông nội bán đồ ăn vì nghĩ dễ kiếm sống, thời nào cũng vậy, ăn uống không bao giờ ế. Chỉ cần mình chăm chỉ, giữ khách bằng đồ ăn ngon là sống khỏe”. Tiệm mì của ông Cẩu ở kế bên xe mì của một người bạn hàng Quảng Đông. Hai chiếc xe hủ tíu mì đồng hành cùng nhau suốt hơn 50 năm nay nhưng chưa hề có điều qua tiếng lại cạnh tranh. Ông Cẩu nói bí quyết: “Dân chợ có lý sống hay lắm, đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối là vậy”.

Nhiều khách quen từ Hà Nội mỗi lần ghé Sài Gòn không thể không ghé tiệm Giang Cẩu ký

Lê Vân

Xe hủ tíu 3 đời Giang Cẩu ký sắp tới chưa biết sẽ “chân truyền” ra sao vì cả 3 đứa con của ông Giang Cẩu đều chưa có người nối nghiệp. Ông già họ Giang nói nhẹ bẫng: “Thời ông nội qua đất khách lập nghiệp, đến nay tôi cũng có 3 đứa con nương nhờ xe mì rồi. Thời thế ra sao chưa biết nhưng mình còn sống khỏe, thấy con theo nghề vui, sau này ra sao thì tính tiếp vậy thôi”. (còn tiếp)

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài Thành

Ai đi ở chợ 'chảnh'?

Chợ nhà giàu nuôi người nghèo

Chợ nhà giàu 'xuyên thế kỷ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.