Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Chợ Cũ sắp cũ

Lê Vân
Lê Vân
09/05/2022 06:30 GMT+7

Dự kiến, tháng 6.2022, chợ Cũ sẽ chính thức giải tỏa sau nhiều lần có thông báo dẹp chợ bất thành. Những phận đời chạy chợ từ thuở xa xưa sẽ ra sao khi rời chợ để nhường lại con đường thông thoáng cho những làn xe hơi cấp tập ra vào trung tâm TP.HCM?

Chợ Cũ từ ngày lập chợ cho tới năm 1975 vẫn còn những món ăn gây thương nhớ cho nhiều thế hệ người Sài Gòn. Như món cháo cá chợ Cũ trong Sài Gòn tạp pín lù mà Vương Hồng Sển kể lại: “Người nào, năm nay 1985, khi đi qua đường Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu ngày nay), trước khi quẹo qua đường bên hông Nha Ngân khố ngày xưa (Ngân hàng Nhà nước bây giờ), nơi phố bên tay trái, có một căn lụp xụp chủ nó đã dông mất từ lâu, nhưng cảnh không đổi vẫn cũ xì cũ xọp, ban đêm bán vài miếng ván ọp ẹp… nào biết căn nhà bề ngoài coi xập xệ này, lại là nơi khách phong lưu. Trước đây chiều chiều hay sáng sáng, vẫn tấp nập nơi đây một tiệm có tên Cháo cá Chợ Cũ danh bất hư truyền, từ ngày tôi lên học (1919) đến ngày dẹp tiệm vào năm 1975, đã cha truyền con nối suốt 4 - 5 thế hệ, trót trăm năm chứ không phải chơi… Vì trước khi tôi lên học thì quán kia đã có, vẫn y một chỗ, không thay đổi và món cháo, hương vị vẫn không đổi, vẫn cung phụng cho khách kén ăn trải trăm năm danh tiếng”.

Những sạp hàng ở khu Chợ Cũ hôm nay

Lê Vân

Một đời chợ nhiều phận người

Chợ Cũ hôm nay chỉ còn được tiệm cơm thố Chuyên Ký may ra là cũ nhất. Ông già Quảng Đông với món cháo cá danh bất hư truyền xưa kia đã rời xứ sau tháng 4.1975, “bỏ lại đây bao nhiêu khách đô thành đã mất một món ăn không thể thay thế, và tô cháo còn chăng là trong bài tưởng niệm vô duyên này. Nhớ ai như nhớ tô cháo cá năm nào, sáu xu, một chén, ngọt ngào, ăn thêm” (Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù).

Bà Năm Kim, 85 tuổi, còn sạp bún ở chợ Cũ vẫn nhớ quán cháo cá xưa thời còn chạy chợ Cũ trước 1975: “Hồi đó ga xe lửa chạy dọc con đường Hàm Nghi này tới chợ Cầu Muối rồi tới khu Cầu Mống lận. Dì 7 tuổi đã ôm rổ rau cải chạy bán giấu mấy tốp cảnh sát dí, theo mẹ đi bán ở chợ Cũ này nè. Nhớ hồi sáng sớm tạt ngang qua quán cháo cá ông Tàu thơm lừng thơm nức nhưng có tiền đâu mà ăn, chỉ rón rén nhìn xa xa mà thèm”.

Trong ký ức của người kẻ chợ tuổi gần 90, bà Năm Kim nói khu chợ Cũ này giúp nhiều người khá lắm, nhưng cũng không thiếu người nghèo còn bám chợ. “Có người mắc nợ thấy bà, như sạp kế bên nè, mắc nợ phải đi trốn, bà cũng mắc nợ mà may trả được”, bà Năm Kim nói. Như người kẻ chợ phất lên mà bà Năm Kim nói có tiệm bánh mì Như Lan. Bà Năm Kim kể tòa nhà tiệm bánh mì Như Lan bây giờ trước đó là tiệm của người Hoa, sáng họ bán cà phê, chiều bán hủ tíu xào, xíu mại, kế bên là nhà hàng của Pháp.

Bà Bích bán thịt bò lâu đời ở khu chợ sắp cũ

“Phận đời có số, dì đây cũng chạy chợ từ năm 7 tuổi mà giờ còn lay lắt khu chợ tạm này. Nhớ cái thời đội rổ cải xuống sông Bạch Đằng rửa rồi chạy lên giấu giấu cảnh sát đi bán dạo, tới nay rồi vẫn chưa giàu bằng người ta. Dì chả biết chữ nghĩa gì nên may nhờ bám chợ mà sống được tới giờ cũng vui rồi”, bà Năm Kim đúc kết.

Mai đây ai còn kêu tên chợ cũ ?

Trong dãy lồng chợ Cũ hôm nay vẫn lác đác còn những tiệm ăn, quán bán thực phẩm tươi sống để tên cũ: tiệm bánh bèo, bánh lọc chợ Cũ, sạp Bích thịt bò chợ Cũ như muốn hoài niệm về một thời chợ xưa sung túc. Bà Bích, bán thịt bò chợ Cũ, năm nay 65 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm ở chợ. Bà hoài niệm chợ xưa: “Những tiệm lạp xưởng heo quay chợ Cũ hồi xưa là sung túc nhất đến nay còn lại một tiệm Th. ở mặt tiền Hàm Nghi. Sau 1975 cũng còn sung túc một thời gian. Chợ Cũ nổi tiếng vì ai muốn tìm đồ ăn ngon thì tới đây, như tiệm thịt bò của dì, bao chất lượng như từ thời trước 1975. Vì việc kinh doanh mình muốn tồn tại được thì mình phải giữ chất lượng. Dì bán ở đây từ hồi 7 - 8 tuổi tới giờ. Mẹ của dì hồi xưa bán ở đây, dì theo rồi tới chị em cũng theo. Dân buôn bán đa số là người nghèo khổ không à. Nhưng phất lên cũng là nhờ nghề chợ”.

Bà Năm Kim chạy chợ từ lúc 7 tuổi, nay bán bún

Lê Vân

Dự kiến tháng 6.2022, chợ Cũ chính thức giải tỏa. Chợ Cũ đìu hiu từ lúc đường sá thay đổi, những con lươn cắt ngang đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm hay tuyến tàu điện ngầm metro xây dựng kéo dài khiến chợ gần như bị “phong tỏa” trước cả khi dịch Covid-19 ập tới.

Bà Bích cám cảnh: “Kinh doanh giảm trên 50% nên tiểu thương cũng bán cầm chừng lay lắt qua ngày thôi. Chỉ buồn là chợ này giải tỏa nhưng không có chủ trương để có chợ mới cho tiểu thương vô. Với lại hồi xưa muốn mua đồ nhập thì phải qua chợ Cũ Tôn Thất Đạm này, nhưng giờ nó có khắp rồi nên cũng khó bán buôn hơn”. Bà Bích ở chợ này lúc tòa nhà Việt Nam Thương Tín còn chưa cất. Bà nhớ lại: “Hồi đó tòa nhà này cất lên sở rác, bà con mới nhóm chợ bán ở trỏng. Rồi dần dà chạy về đây khi xây cất lồng chợ như bây giờ. Vách hông trường Tôn Đức Thắng có chợ chó, chợ chim xôm tụ. Dọc đường Hàm Nghi là chợ bán đồ thờ cúng…”. Sau 1975, chợ Cũ dù là khu chợ trời nhưng đủ món ăn chơi từ cao cấp đến bình dân.

Nói về chuyện giải tỏa chợ, bà Năm Kim ngậm ngùi: “Chợ Cũ giải tỏa chắc bà về nghỉ, thuê chỗ khác tiền đâu mà thuê. Với giờ bà tuổi cao rồi, bán buôn cũng chậm lắm”. Vậy là có lẽ bà Năm Kim sẽ khép lại cuộc đời chạy chợ ngót nghét 80 năm của mình một cách âm thầm như cuộc đời bà lúc xế bóng. Tôi tự hỏi rồi mai này nếu ghé ngang con đường Tôn Thất Đạm, ai sẽ còn nhớ bà Năm Kim bán bún một thời, ai còn nhớ cái tên chợ Cũ mang trên mình nhiều dấu tích thời gian ở đất Sài thành xưa nay khi chợ Cũ đã sắp cũ thật rồi... (còn tiếp)

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành

Chợ lâu đời nhất Sài Gòn

Bao đời bán buôn, đêm thương vọng chợ…

Lập chợ vì nhớ món quê

Xe hủ tíu Giang Cẩu ký 'since 1968'

Ai đi ở chợ 'chảnh'?

Chợ nhà giàu nuôi người nghèo

Chợ nhà giàu 'xuyên thế kỷ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.