Trách nhiệm 'xin truyền lại đời bộ trưởng sau'

18/11/2015 05:37 GMT+7

Hôm qua (17.11), trong ngày thứ 2 phiên chất vấn tại hội trường, một số bộ trưởng đã không làm hài lòng các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi vì trả lời rất lòng vòng, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm. Thậm chí, có bộ trưởng còn 'gây sốc' khi tuyên bố: 'Trách nhiệm với ngành, xin truyền lại đời bộ trưởng sau'.

Hôm qua (17.11), trong ngày thứ 2 phiên chất vấn tại hội trường, một số bộ trưởng đã không làm hài lòng các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi vì trả lời rất lòng vòng, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm. Thậm chí, có bộ trưởng còn 'gây sốc' khi tuyên bố: 'Trách nhiệm với ngành, xin truyền lại đời bộ trưởng sau'.

Nhiều đại biểu Quốc hội cười nghiêng ngả sau câu trả lời “gây sốc” của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
Nhiều đại biểu Quốc hội cười nghiêng ngả sau câu trả lời “gây sốc” của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
“T.Ư làm thế chưa có quy định luật pháp”
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi: “Từ kỳ họp thứ 8, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng chức danh “hàm” (hàm vụ trưởng, hàm vụ phó... - PV) không có trong quy định nhà nước nhưng một số cơ quan lại triển khai thực hiện. Bộ trưởng đã hứa sẽ tổ chức hội thảo để tìm ra giải pháp nhưng chưa thấy hồi âm. Vấn đề này còn kéo dài đến bao giờ?”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: “Hiện nay chưa có quy định nào về chức “hàm” với cơ quan, tổ chức đơn vị cho cán bộ, công chức. Vừa qua, chúng tôi cũng đã có yêu cầu các cơ quan có chức danh hàm báo cáo về việc này. Chúng tôi cũng đã lập ban nghiên cứu để đánh giá”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “ĐB chỉ hỏi là trên T.Ư có chức danh đó thì làm thế có đúng không, địa phương có làm được không?”. Bộ trưởng Bình: “Dạ, T.Ư làm thế chưa có quy định luật pháp”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Không đúng thì thôi, đã không đúng thì không thể mở rộng cho làm được”.
Bộ trưởng Nội vụ tiếp tục trình bày, Chủ tịch QH lại ngắt: “Đồng chí báo cáo làm gì, vô cùng nhiều việc, vấn đề ở đây là địa phương có làm được không?”.
“Đến hôm nay thì chưa có văn bản nào nhà nước cho làm”, ông Bình nhắc lại.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Chưa có quy định nào mà cho làm là sai”.
“Hiện nay việc này vẫn đang nghiên cứu, trong thời gian này thì cả T.Ư và địa phương đều không được làm”, ông Bình nói.
 
 
 
 
 
 
 
 
       
Chúng ta không so với Thái Lan được rồi nhưng so sánh với Lào, Campuchia, đến bao giờ du lịch VN được như họ?
ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai)
Nhà nước chây ì, ai chấp nhận được
Đề cập đến một vụ oan sai cụ thể là vụ ông Lương Ngọc Phi, một doanh nhân tỉnh Thái Bình bị bắt giam, phạt tù oan về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tội trốn thuế, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chất vấn Chánh án TAND tối cao: “Việc kiện đòi bồi thường của ông Phi đã kéo dài hơn 11 năm, tòa cứ xử xong, tuyên bồi thường, gần nhất là TAND Thái Bình xử chấp nhận bồi thường cho ông Phi 23 tỉ đồng, rồi lại hủy. Kéo dài như vậy, càng gây thêm nỗi đau cho người bị oan và gia đình của họ. Chánh án có cam kết giải quyết vụ án 2015 theo nghị quyết bồi thường oan sai? Nguyên nhân vụ việc kéo dài và trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách sau khi bồi thường cho đương sự như thế nào?”.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: “Vụ ông Phi khởi kiện đòi bồi thường mới từ năm 2013 chứ không phải 10 năm, đến nay đang giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Biện pháp giải quyết thì chỉ có cách duy nhất là theo trình tự tố tụng. Còn cam kết dứt điểm trong năm nay không thì thẩm quyền giải quyết là của hội đồng xét xử phúc thẩm, hội đồng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chánh án TAND tối cao không có thẩm quyền, chỉ có thể yêu cầu xét xử đúng pháp luật”. “Đã oan thì phải bồi thường, muốn xử lý nhanh nhưng cũng phải đúng pháp luật”, chánh án khẳng định thêm.
ĐB Xuyền tỏ ý thất vọng: “Chánh án trả lời thế tôi đã không chất vấn làm gì. Chánh án bảo theo luật nhưng tôi không thấy vai trò, vị trí của chánh án thế nào và chánh án cũng trả lời không đúng diễn biến vụ án”.
ĐB Xuyền nêu cụ thể hơn quá trình xảy ra oan sai từ năm 1999 và khẳng định vụ khiếu kiện đòi bồi thường của công dân từ năm 2004. “Bây giờ tòa kháng cáo để kéo dài vụ án nên nguyên đơn họ cũng phải kháng cáo. Nếu tòa tỉnh rút đơn thì nguyên đơn cho biết họ cũng rút đơn vì mệt mỏi quá rồi. Nên chánh án phải xem xét, nhanh chóng giải quyết”, ông nói.
“Việc thương lượng, xem xét đã hơn chục năm nay rồi. Cá nhân lấy 2 triệu đồng của nhà nước đã phải đi tù mà nhà nước làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng của công dân mà chây ì bồi thường, ai chấp nhận được”, ĐB Xuyền bày tỏ.
“Ăn phải lăn ra chết mới xử lý được”
Nói rằng “chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại ngắn như vậy”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, từ nhiều kỳ họp trước đến nay, các ĐB đã chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT về trách nhiệm của bộ này trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi... “Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành thế nào”, ông Vinh chất vấn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Không phải là do thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành. Lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên, từ việc ban hành đến triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thật sự sâu rộng để xử lý căn cơ”.
Bộ trưởng Phát cũng đề nghị QH xem xét sửa đổi một số quy định trong bộ luật Hình sự. “Cụ thể, tại điều 155 của bộ luật Hình sự về quy định đối với việc sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Hay điều 244 quy định nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì xử lý. Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được”, Bộ trưởng Phát nói thêm.
       
Tôi nhớ phiên chất vấn tại kỳ họp trước Chủ tịch QH có hỏi bao giờ du lịch VN bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ, tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh
“Cho QH đi du lịch rất là mệt”
Trăn trở thực trạng ngành du lịch, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Chúng ta không so với Thái Lan được rồi nhưng so sánh với Lào, Campuchia, đến bao giờ du lịch VN được như họ?”.
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh nói: “VN quá giàu tiềm năng, nhiều danh lam thắng cảnh phong phú đa dạng nhưng quả thực, việc thu hút khách còn hạn chế”. “Tôi nhớ phiên chất vấn tại kỳ họp trước Chủ tịch QH có hỏi bao giờ du lịch VN bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ, tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời”, Bộ trưởng thành thật.
Liệt kê những tiềm năng, sản phẩm ngành du lịch... Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xin nhận trách nhiệm, nhưng làm cả hội trường cười ồ: “Cái trách nhiệm này của chúng tôi sẽ truyền lại cho bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Đồng chí Bộ trưởng cho QH đi du lịch rất là mệt”.
Hai nhà máy lãng phí nghìn tỉ đồng
Nhắc đến sự lãng phí trong dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên và một số nhà máy khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Công thương: “Vài ba nhà máy lãng phí như thế này đã là hơn 1 tỉ đô la rồi, mà chúng ta thì đang cố gắng vay 3 tỉ đô la trong khi luật nước ta chưa cho phép. Chúng tôi đề nghị các bộ trưởng cho biết giải pháp gấp trong chuyện này như thế nào chứ không thể để thiệt hại thêm”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình: “Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên do Công ty luyện kim Trung Quốc làm tổng thầu, được khởi công từ năm 2007. Đến nay dự án mới đạt phần thiết kế 88% khối lượng, phần mua sắm thiết bị đạt gần 94% và phần xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng hoàn toàn do các nhà thầu của VN đảm nhiệm. Nguyên nhân thua lỗ là do giá vật tư, chi phí xây lắp tăng cao cũng như biến động của tỷ giá. Thời gian qua, phía các công ty của Trung Quốc và VN cũng đã thống nhất cuối tháng 11 năm nay ký phụ lục để đến tháng 3.2017 đưa toàn bộ hạng mục vào chạy thử”.
Còn dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) theo Bộ trưởng, đầu năm 2014 nghiệm thu hoạt động sơ bộ, sau đó chính thức vận hành thương mại. Năm 2014 đạt công suất có 48% nên bị lỗ 1.000 tỉ đồng. Nguyên nhân do định mức và chi phí vận hành tăng cao. Công nghệ hiện đại nên năng lực vận hành còn hạn chế. Hiện Thủ tướng có chỉ đạo để khắc phục, trước mắt Tập đoàn dầu khí (chủ đầu tư) đã làm việc tới Tập đoàn dệt may, theo đó dệt may sẽ mua 50% sản phẩm của nhà máy. Sau khi giá cân bằng sẽ mua nhiều hơn. Do đó, theo tính toán năm 2015 giảm lỗ còn 600 tỉ đồng, 2016 cân đối được thu chi.
Chống tham nhũng khi “hoàng hôn nhiệm kỳ”
Cho rằng, đây đang là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của nhiều cán bộ, quan chức nhà nước, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu câu hỏi: “Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ có biện pháp nào ngăn chặn tình trạng cán bộ, quan chức chạy đua nước rút, làm chuyến tàu vét cuối cùng, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, tranh thủ đề bạt, bổ nhiệm có tính vụ lợi trong buổi hoàng hôn cuối nhiệm kỳ?”.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đáp: “Chính phủ cũng đã nêu một số nhiệm vụ phòng chống tham nhũng và trong năm 2016, chúng tôi sẽ lưu ý nội dung này”.
Ông cũng cho biết, trong chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ sẽ lưu ý về trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường thanh tra các hành vi trái pháp luật qua kênh thông tin từ dư luận. “Chúng tôi sẽ thanh tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu tham nhũng”, ông cam kết.
Trả lời chất vấn của ĐB về việc có hay không sự phân cấp chồng chéo dẫn tới giẫm chân nhau khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên nhức nhối, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không có sự chồng lấn. Luật, nghị định, thông tư được ban hành từ năm 2011 - 2012 đã cơ bản làm rõ trách nhiệm và vai trò của từng bộ, ngành. Bản thân Chính phủ cũng đã có ban chỉ đạo liên ngành. “Cá nhân tôi cũng đứng đầu 18 ban chỉ đạo, trong đó có ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ họp định kỳ, tôi cũng không câu nệ thường xuyên trao đổi trực tiếp với cả các chuyên viên để có vấn đề gì xử lý được ngay. Vấn đề quan trọng là luật pháp đã có, nếu thực hiện tốt thì sẽ giải quyết được cơ bản”, Phó thủ tướng khẳng định.
Dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung
Liên quan đến băn khoăn của ĐB về lãng phí khi nhiều địa phương xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, vừa qua sau khi thấy một số địa phương thực hiện quy hoạch nguồn lực quá lớn nên Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm dừng lại các trung tâm hành chính tập trung. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng rà soát lại toàn bộ xem tất cả các khu trung tâm hành chính này còn hạn chế, khiếm khuyết gì sẽ có văn bản để chấn chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.