Trách nhiệm trước thực phẩm bẩn

22/04/2017 06:31 GMT+7

Nâng mức xử phạt là giải pháp đạt được sự thống nhất cao khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về chính sách pháp luật an toàn thực phẩm hôm 20.4.

 300 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm chuyển cơ quan điều tra trong 5 năm, nhưng chỉ khởi tố được 1 vụ cho thấy có những kẽ hở về luật pháp hình sự liên quan đến an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nói rằng, nâng mức xử phạt trong pháp luật hình sự là đúng, nhưng “tôi thấy cần nâng cao vai trò kiểm tra kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn”.
Bà Ngân muốn nói đến vai trò của các cơ quan chuyên môn kiểm soát an toàn thực phẩm và chính quyền các cấp. Khi nói về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) diễn ra đáng báo động trên phạm vi cả nước, rất nhiều người, đặc biệt là các bộ chuyên ngành và lãnh đạo các địa phương hay nại lý do... thiếu khung khổ pháp lý, thậm chí là thiếu tiền.
Nhưng ít ai thừa nhận một thực tế rằng, chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc giám sát ATVSTP; hàng loạt lò mổ tập trung sử dụng vốn ADB hàng triệu USD. Nhưng cũng thật đau lòng khi các đầu tư không mấy hiệu quả, các dây chuyền lò mổ tập trung, do không đúng quy cách nên đắp chiếu, mạng nhện giăng đầy, trong khi con người tự đầu độc nhau bằng các lò mổ mất vệ sinh.
Các quy phạm pháp luật về xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật ATVSTP cũng không thiếu. Nhưng vấn đề lớn nhất, chính là những người có trách nhiệm không thi hành, sự thờ ơ của chính quyền các cấp. Để xảy ra các vụ mất ATTP ở các địa phương, trách nhiệm xây dựng khung khổ pháp lý của các bộ là rất lớn. Nhưng làm thế nào để các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các quy định mới là chuyện quan trọng. Không nên ngồi đó và đổ lỗi cho các quy định của pháp luật.
Những sản phẩm do nông dân làm ra đang phải mang tiếng xấu khi mỗi ngày xuất hiện thông tin kiểu: rau muống tưới dầu nhớt thải; măng tươi tẩm chất vàng ô; dưa cải ngâm chất vàng ô; thịt lợn nhiễm chất tạo nạc; phẩm màu nhuộm ruốc; chất tạo thịt gà đẹp; dấm gạo chế biến từ a xít; nội tạng động vật thối tẩy mùi bằng hóa chất... tràn lan trong các chợ trong cả nước.
Chính quyền đã ở đâu khi để những thứ bẩn đó tự do xuất hiện, tự do lưu thông? Có chuyện nông dân sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, có chuyện thương lái sử dụng chất bảo quản thực phẩm độc hại. Nhưng việc để tình trạng vật tư nông nghiệp đầu vào nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chất bảo quản, chất phụ gia độc hại trôi nổi trên thị trường, là do quản lý nhà nước chưa tốt, chứ không phải lỗi của mình nông dân.
Để giải quyết vấn đề ATVSTP không có giải pháp nào tốt hơn là gắn cụ thể với trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước và làm rõ trách nhiệm của các địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.