Trách nhiệm phải rõ ràng

14/03/2023 04:09 GMT+7

Con số hơn 20.000 hồ sơ hành chính ở TP.HCM còn tồn đọng, không giải quyết đúng hẹn nói lên thực tế gì?

Trước tiên, phải công bằng để nhắc đến một thực tế rằng có thể có tình trạng quá tải cục bộ khiến một số công chức không kịp giải quyết thủ tục theo lịch hẹn với công dân.

Cũng phải công bằng để nói rằng, các quy trình thủ tục hành chính hiện nay còn quá phức tạp khiến công chức thụ lý nhiều khi muốn giải quyết nhanh cũng không dễ, nhất là ở mảng hồ sơ thủ tục địa chính và xây dựng. Cũng đừng quên lưu ý rằng, nhiều khi lỗi chậm trả hồ sơ không phải do trực tiếp công chức tiếp dân gây ra, mà do người có thẩm quyền bận việc không thực hiện đúng nhiệm vụ phê duyệt theo quy trình thủ tục đã xây dựng.

Tại các điểm giải quyết thủ tục hành chính một cửa hiện nay, các công chức tiếp nhận hồ sơ về cơ bản đều làm việc tích cực, nhưng họ chỉ là người tiếp nhận. Trình tự dịch chuyển của hồ sơ sau đó phức tạp, qua nhiều bộ phận chức năng, và chỉ cần một bộ phận nào đó quá tải hoặc trì trệ thì coi như toàn bộ quy trình bị chậm trễ. Các truy cứu trách nhiệm đối với một vị trí nào đó gây chậm trễ không phải là quá khó, nhưng điều khó hơn là lời giải thích. Không ít lời giải thích có lẽ sẽ viện dẫn những lý do khách quan không thể khách quan hơn, tạo ra một thực tế như Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan đã nêu rằng trách nhiệm công chức phải cụ thể chứ không được "mờ mờ, ảo ảo", nhiều người cùng một trách nhiệm. Tương tự, trách nhiệm từng phòng ban trong một sở, trách nhiệm liên thông của các sở trong vụ việc cụ thể cũng phải rõ ràng hơn. Và để xoay xở với tình trạng trả muộn hồ sơ, nhiều nơi công chức cố tình không ghi rõ ngày hẹn lên phiếu để người dân khỏi thắc mắc. Con số 20.000 hồ sơ hành chính tồn đọng nói trên cũng chưa hẳn là con số phản ánh đúng thực tế.

Điều quan trọng hơn nữa là cách phản hồi của công chức cho người dân khi hồ sơ bị trễ hẹn. Trên thực tế, ngay việc đơn giản là nhắn tin thông báo cho công dân về việc xin lùi hẹn trả hồ sơ cũng không được thực hiện đúng. Và chức năng "truy vết" hồ sơ đã nộp trên hệ thống trực tuyến cũng không giúp ích cho công dân vì các dữ kiện liên quan không được nhập liệu. Khi công dân truy hỏi thì câu trả lời có thể là "chưa nhập liệu lên hệ thống", hoặc "nhiều hồ sơ quá không làm kịp".

Chúng ta vẫn hy vọng vào một lời xin lỗi được chuyển đi từ hệ thống của chính quyền để "xoa dịu" cảm xúc cho trường hợp công dân bị trễ hẹn trả hồ sơ. Đương nhiên là lời xin lỗi đó có giá trị về mặt cư xử, cho thấy chính quyền biết tôn trọng người dân hơn. Nhưng xin đừng xem lời xin lỗi là "lá bùa hộ mệnh" để bào chữa cho tình trạng trễ hẹn trả hồ sơ.

Khó khăn của đội ngũ công chức trong thực thi nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính không phải là dân không biết, không thông cảm và chia sẻ. Nỗ lực cư xử văn minh như chuyển cho dân lời xin lỗi vì trễ hẹn trả hồ sơ cũng sẽ được người dân ghi nhận. Nhưng đó không phải là điều người dân và doanh nghiệp mong đợi nhất.

Điều mong đợi thật sự là chính quyền quyết liệt hơn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong việc truy cứu trách nhiệm công chức có dấu hiệu quan liêu, trì trệ, qua đó thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến thật sự hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.