Trách nhiệm giám sát

Anh Vũ
Anh Vũ
16/06/2022 04:17 GMT+7

Hôm nay (16.6), Quốc hội sẽ biểu quyết về một loạt các “siêu dự án” Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, 3 cao tốc phía nam... với tổng mức đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Để có thể đi đến quyết định cuối cùng, Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành đã phải chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng; các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều vòng, rất tâm huyết. Tất cả đều chung một ý chí, làm sao để cởi trói được rào cản; huy động nguồn lực lớn… tạo bước đột phá thực sự về hạ tầng, thể chế qua đó đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau cú sốc của đại dịch Covid-19.

Kỳ họp này có thể gọi là lịch sử, không chỉ bởi quy mô của các dự án trọng điểm. Lần đầu tiên Quốc hội đã cho phép rất nhiều cơ chế đặc thù: phân cấp cho địa phương làm đường cao tốc; tách dự án giải phóng mặt bằng… Quốc hội cũng cho phép thí điểm kéo dài việc xử lý nợ xấu, tăng bội chi, trần nợ công để sẵn sàng huy động đủ vốn cho các dự án.

Những quyết sách lớn đó là điều mà cử tri, nhân dân cả nước vẫn luôn mong chờ. Và, các đại biểu Quốc hội có lẽ chắc chắn cũng sẽ đồng thuận để bấm nút thông qua. Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều việc phải làm.

Thách thức lớn nhất hiện nay là chúng ta đang “kích cầu” chậm so với các nước, kéo theo áp lực bão giá, lạm phát. Giá xăng, dầu phi mã kéo theo giá nguyên, vật liệu; cước vận tải… ồ ạt tăng theo. Nhà thầu dừng thi công vì đội vốn, doanh nghiệp thua lỗ vì chi phí giá thành tăng cao, đời sống người dân chật vật hơn.

Bối cảnh đó buộc chúng ta phải đua nước rút, khi cơ chế đặc thù đã được trao, trách nhiệm được phân cấp tới từng bộ, ngành, địa phương, tiền đã sẵn sàng. Nếu không quyết liệt hành động, công trình đình trệ phải tăng vốn, gánh nặng lãi vay… sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Chúng ta đã có nhiều bài học xương máu từ quá khứ: 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Các dự án sai phạm này làm thất thoát ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng, hàng trăm cán bộ bị xử lý, kinh tế suy giảm, niềm tin của nhân dân bị xói mòn.

Chạy nhanh hơn với cơ chế đặc thù là cần thiết lúc này, nhưng chắc chắn phải gắn với trách nhiệm. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc nhở phải cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều dự án, chương trình, quyết sách lớn đã được Quốc hội giám sát chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, với các dự án trọng điểm, cơ chế đặc thù và bối cảnh đặc biệt hiện nay, việc giám sát chắc chắn sẽ càng cần phải được tăng cường, nâng lên ở mức cao nhất. Giám sát để đảm bảo nguồn vốn đi đúng địa chỉ, đúng quy định; giám sát để khắc phục lỗ hổng thể chế; giám sát để kịp thời phát hiện sai phạm, tránh mất đi cán bộ… Từ đó, giúp kinh tế phục hồi, quay lại quỹ đạo tăng trưởng, đáp ứng niềm tin, mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.