Trách nhiệm chính trị

30/12/2014 04:32 GMT+7

“Bài” cách chức cán bộ cấp dưới, tuyên bố địa chỉ chịu trách nhiệm (tổng thầu) của Bộ GTVT trong vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội hôm 28.12.2014 đã không còn “thiêng” giống như từng áp dụng trong nghi án nhận hối lộ của quan chức đường sắt, hay vụ rơi dầm thép gây chết người cũng tại dự án này hơn 1 tháng trước.

“Bài” cách chức cán bộ cấp dưới, tuyên bố địa chỉ chịu trách nhiệm (tổng thầu) của Bộ GTVT trong vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội hôm 28.12.2014 đã không còn “thiêng” giống như từng áp dụng trong nghi án nhận hối lộ của quan chức đường sắt, hay vụ rơi dầm thép gây chết người cũng tại dự án này hơn 1 tháng trước.

Thậm chí, rất nhiều bạn đọc trong thư gửi Báo Thanh Niên nói rằng thực chất đây là cách chối bỏ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Một luật sư sống tại Hà Nội, trong thư gửi đến Thanh Niên viết: Sau vụ rơi dầm thép chết người hôm 6.11.2014 thì chuyện sập giàn giáo tại dự án đường sắt đô thị không còn chỉ là “lỗi nhà thầu” do thi công ẩu nữa mà lỗi chính, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm. Đề nghị Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội trả lời cho nhân dân biết: Tại sao một công trình quốc gia trọng điểm như vậy lại để tổng thầu xây lắp và tư vấn giám sát đều là nhà thầu Trung Quốc? VN không đủ trình độ giám sát hoặc không có tiền để thuê tư vấn giám sát là nhà thầu ở nước thứ ba hay sao?
Khi vụ rơi dầm thép xảy ra, người ta có lý do biện hộ cho quản lý nhà nước và rất nhiều đại biểu QH cũng như cử tri đã lấy làm hài lòng khi Bộ trưởng GTVT cam kết rằng: Sẽ không có tai nạn nào như vậy nữa xảy ra. Càng hài lòng hơn khi Bộ GTVT nhanh chóng xử lý trách nhiệm hành chính hàng loạt cán bộ. Nhưng khi tai nạn lặp lại quá nhanh và quá nghiêm trọng thì người ta buộc phải đặt câu hỏi về trách nhiệm chính trị - loại trách nhiệm chỉ dành cho quan chức cấp cao.
Khi vụ bê bối hối lộ quan chức đường sắt xảy ra, hàng loạt cán bộ thuộc BQL dự án của Cục Đường sắt VN bị khởi tố điều tra, Bộ GTVT rút 5 dự án đường sắt mà Cục này đang quản lý về trực thuộc Bộ (trong đó có dự án đường sắt đô thị Hà Nội), vụ việc coi như được giải quyết. Và sau hàng loạt tai nạn nghiêm trọng ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội vừa rồi, thì rất có thể quyết định cách chức Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc BQL dự án cũng sẽ là quyết định trách nhiệm pháp lý cuối cùng.
Trong khi, bảo đảm trách nhiệm chính trị mới là bảo đảm cho sự trong sạch và vững mạnh của bộ máy hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.