Trà Sư: Nâng tầm du lịch đẳng cấp quốc tế

31/12/2021 08:00 GMT+7

Rừng tràm Trà Sư được ví là lá phổi xanh ở phía Tây Sông Hậu, với vẻ đẹp đầy quyến rũ. Tuyệt tác của thiên nhiên nơi đây sẽ làm du khách say sưa trong tiết trời dịu mát.

Cuộc sống vốn dĩ luôn bộn bề, đôi lúc khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, mệt nhoài. Vậy tiếc gì mà không tìm nơi trút bỏ cái tâm tư chật chội ấy dù chỉ một lần. Tour “bắt trend - trốn phố lên rừng” là một trải nghiệm vô cùng thú vị, là chất xúc tác thúc đẩy du lịch sinh thái cất cánh.

Mặt nước gợn sóng lăn tăn dệt nên những tia sáng lấp lánh

Lan Anh

Lạc bước trong “mỏ vàng” du lịch sinh thái

Rừng tràm Trà Sư được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ đặc trưng nên được mệnh danh là “mỏ vàng” cho loại hình du lịch sinh thái. Khí quyển - thủy quyển bao quanh khu rừng vô cùng độc đáo, đất đai trù phú, là nơi bảo tồn quần thể đa dạng sinh vật nhiệt đới ở vùng đất Tây Nam.

“Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để đổi lấy kinh tế”.Kim chỉ nam ấy đã được nhà đầu tư thể hiện qua mô hình du lịch này. Họ càng thấu hiểu việc bạt rừng, phá núi đã gây hậu họa to lớn như thế nào trong lịch sử ngành du lịch trên toàn cầu. Bài toán làm sao cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên đã được hóa giải, mà rừng tràm Trà Sư là đáp án không sai. Chọn cách xây dựng các sản phẩm du lịch tiệm cận đến các giá trị của du lịch xanh đầy trách nhiệm, tử tế với thiên nhiên là hoàn toàn phù hợp trong mọi thời điểm.

Cùng khoe sắc thắm duyên trong không gian xanh kỳ bí

Lan Anh

Ông Trần Minh Trí, Tổng giám đốc An Giang Tourimex, lạc quan chia sẻ: “Đây là cú hích mở ra vô số cánh cửa mới cho ngành công nghiệp không khói từ những thay đổi vượt trội trong nhu cầu du khách, nhất là gu về với thiên nhiên, tham quan, chiêm bái…đang rất thu hút khách”.Một cơ hội để ngành du lịch An Giang náo nhiệt trở lại sau thời gian “ngủ đông”, năng động điều phối thị trường để du khách có một chuyến đi an toàn, đúng đắn và vô cùng tinh tế.

Phương án bảo tồn “thiên đường” rừng tràm Trà Sư

Để phát huy tiềm lực, bảo tồn những tài nguyên của rừng tràm Trà Sư, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 2674/QĐ-UBND phê duyệt đề án: “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của phương án quản lý là bảo vệ những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước.

Tự tại trong Vương quốc của chính mình

Lan Anh

Cách “Ăn xổi, ở thì” cần phải loại trừ để đưa yếu tố bền vững lên hàng đầu trong phát triển du lịch. Sử dụng tốt các tài nguyên thiên nhiên, duy trì giá trị đa dạng sinh học như cảnh quan tự nhiên của tràm, các loài thủy sản, thiên điểu hoang dã, quý hiếm.

Vẫn vẹn nguyên các công trình đạt kỷ lục Việt, đó là “Cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam; Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam” làm thay đổi diện mạo một Trà Sư thật khác lạ. Lối thiết kế nghệ thuật cách điệu, thể hiện tính tương tác với cảnh quan tổng thể. Chất liệu mộc thuần Việt nhưng lại làm bật lên dấu ấn đặc trưng, được cộng đồng du lịch tán dương, lan tỏa mạnh, thu hút giới trẻ đua nhau đến check-in.

Hội tụ nét đẹp của nhân tạo và thiên nhiên

Lan Anh

Với sự hòa quyện bền chặt theo thời gian thì những điểm khác cũng cực kỳ hấp dẫn như: Cầu Kiều Trà Sư, Bến thủy tạ - lâu đài bồ câu Trời Âu, sân ngắm chim trời, cụm tiểu cảnh vườn hoa ngũ sắc cực chất để du khách tha hồ sống ảo trong cõi thật, rất đời thường.

Rừng tràm Trà Sư rất xứng để nâng tầm chạm đến đẳng cấp quốc tế. Mục tiêu ấy là bảo chứng cho An Giang có thêm động lực, cho nhà đầu tư nuôi dưỡng khát vọng chinh phục ở cột mốc cao hơn. Cả đôi bên đang chung tay kiến tạo một môi trường sống cho tất cả cư dân sở tại có cuộc sống an vui.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.