Trả lại không gian biển cho dân

29/03/2021 07:08 GMT+7

Việc duy trì dải đất sát biển là không gian công cộng không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, mà còn là để khai thác hiệu quả hơn các bãi cát ven biển, tài nguyên du lịch biển

 Thu hồi diện tích đất và mặt nước biển từng cho doanh nghiệp thuê để đầu tư phục vụ lợi ích cộng đồng được người dân và dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tiến độ thu hồi cần quyết liệt ở nhiều địa phương.

Trả lối xuống biển cho người dân Nam Ô, Đà Nẵng - Video tư liệu

Quyết tâm cao nhưng tiến độ chậm

Nha Trang (Khánh Hòa) là TP biển, điểm du lịch nổi tiếng, song thời gian dài người dân cảm thấy ngột ngạt, khi có nhiều dự án được cấp phép dọc bãi biển.

Đảm bảo những bãi tắm ven biển là không gian dùng chung không những tạo cơ hội cho người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch sử dụng bãi biển và du lịch biển phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của địa phương và cả nước

PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Công trình lớn nhất phía đông đường ven biển Trần Phú là khu du lịch Ana Mandara. Được xây dựng từ năm 1995, đây là khu resort quy mô, với diện tích 26.000 m2, “bít” toàn bộ chiều dài khoảng 400 m của bờ biển Nha Trang. Khi ngang qua các công trình này, không ai có thể “nhìn xuyên tường” để thấy được vịnh đẹp.
Cách Ana Mandara chừng chục bước chân là dự án công viên Phù Đổng. Dự án có diện tích gần 24.000 m2, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha
Trang từ năm 2012. Trong đó có 21.772 m2 không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các công trình trên mặt đất, gồm công viên cây xanh, đường sử dụng chung, nhà vệ sinh công cộng...; phần còn lại doanh nghiệp thuê, trả tiền đất hằng năm, để xây dựng nhà hàng, hồ bơi. Tuy nhiên, đến nay, phía chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thiện công viên theo thiết kế được phê duyệt. Khi xảy ra dịch Covid-19, dự án gần như ngừng hoạt động, công viên trở nên nhếch nhác, ô nhiễm...
Không chỉ ở phía đông đường Trần Phú, năm 2014, dự án Nha Trang Sao được khởi công bên bờ biển đường Phạm Văn Đồng, dấy lên lo ngại về sự xuất hiện thêm những công trình ngăn cách người dân với biển. Dự án này có tổng diện tích 103.568 m2 (trong đó 44.152 m2 mặt đất và 59.416 m2 mặt nước), vốn đầu tư 33 triệu USD, với nhiều hạng mục như công viên, quảng trường, khối nhà nghỉ, các công trình vui chơi giải trí... Tuy nhiên, suốt nhiều năm, Nha Trang Sao gần như giậm chân tại chỗ, đến nay vẫn là bãi đất trống. Người ta chỉ nhớ đến Nha Trang Sao khi cuối năm 2015, dự án đổ đất, đá làm bờ kè và lấn biển ngoài ranh giới được cấp phép tới 22.968 m2 và bị xử phạt 200 triệu đồng.
Ngày 24.3 vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất dự án Nha Trang Sao. Tại cuộc họp với các sở, ngành sáng 24.3, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo Sở KH-ĐT khẩn trương rà soát các thủ tục, tham mưu UBND tỉnh thu hồi phần diện tích 21.772 m2 đất không thu tiền sử dụng đất tại dự án công viên Phù Đổng, bàn giao cho UBND TP.Nha Trang quản lý, để chỉnh trang phục vụ người dân và du khách.
Đối với khu du lịch Ana Mandara, hồi cuối năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi 10.000 m2 mặt nước biển vịnh Nha Trang, từng cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa thuê phục vụ khách tại khu resort này. Cùng với việc thu hồi mặt nước biển để làm bãi tắm công cộng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã có chủ trương di dời, giải tỏa toàn bộ khu du lịch Ana Mandara. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao đất cho chủ đầu tư tại khu Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh để xây dựng dự án mới. Khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án Ana Mandara Cam Ranh (dự kiến ngày 31.12.2021), khu resort Ana Mandara ở Nha Trang phải thực hiện di dời.
Nha Trang cũng đang điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, trong đó chú trọng tăng không gian công cộng. Khi đó, những trường hợp không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch thì phải tiến hành tháo dỡ. Đồng thời, sẽ bổ sung thêm tiện ích như các khu chức năng, không gian biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao... nhằm phát huy được giá trị tổng thể của toàn khu vực ven biển, phục vụ cộng đồng được nhiều hơn. “Riêng đối với bãi biển, bãi tắm ở Nha Trang thì hiện nay đều phục vụ cộng đồng, không ai có quyền cấm cản, không doanh nghiệp nào được “cát cứ”, ông Tuân nói.
Trước Nha Trang, Bình Định cũng có chủ trương và đang xúc tiến di dời 3 khách sạn ở bãi biển phía đông đường An Dương Vương (TP.Quy Nhơn) gồm khách sạn Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao), để lấy đất ven biển xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cũng còn chậm. Theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2020 tỉnh và Bộ Quốc phòng đã thống nhất các thủ tục để di dời khách sạn Bình Dương. 2 khách sạn còn lại thì tỉnh đang chờ Bộ TN-MT hướng dẫn về việc cho thuê đất để có hướng xử lý tiếp theo.
“Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân được hưởng lợi, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết. Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể sáng nói, chiều dời làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, nói.
Trả lại không gian biển cho dân

Dự án Nha Trang Sao đến nay vẫn là bãi đất trống, vừa bị tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất

ẢNH: NGUYỄN CHUNG

Tránh nhàm chán, lãng phí tài nguyên

Thông tin tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, mặt biển từng cho các dự án “khủng” thuê để quy hoạch làm công viên, sử dụng vào các mục đích phục vụ cộng đồng được nhiều người dân và dư luận đồng tình. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, thẳng thắn: “Lẽ ra tỉnh phải làm việc này từ lâu rồi. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi tin người dân đều ủng hộ quyết định như trên của tỉnh. Trên thực tế, trước đây mỗi lần có dự án mới dọc bờ biển là người dân lại lo ngại và cũng phản ứng dữ lắm, nhưng bằng cách nào đó thì công trình vẫn “mọc lên”. Nếu tỉnh cứ chiều lòng nhà đầu tư thì cảnh quan, không gian vịnh đẹp Nha Trang sẽ bị phá vỡ”.

Đừng để lợi ích công cộng
chỉ thuộc về một nhóm thiểu số

Bình Thuận là địa phương có chiều dài bờ biển tới 192 km, với rất nhiều khu du lịch. Tuy nhiên hiện nay, việc quy hoạch bãi biển công cộng dùng chung cho người dân chưa nhiều. Chỉ tính riêng ở khu du lịch quốc gia Mũi Né (TP.Phan Thiết) hiện nay, nơi có lượng khách đến đông nhất của cả tỉnh Bình Thuận, thì bãi tắm dùng chung cũng rất hiếm. Trong khi đó, hầu hết các resort của Mũi Né đều nằm ở phía đông, tiếp giáp mặt biển và rất nhiều resort trong số này nối tiếp nhau, không chừa đường cho người dân và du khách xuống tắm biển. Do vậy, dù bãi biển là của chung nhưng thực chất chỉ phục vụ cho việc kinh doanh của resort tiếp giáp mặt biển. Những khách sạn phía tây (bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu) dù chỉ cách con đường vài chục mét, nhưng phải đi vòng rất xa mới có đường xuống biển để “tắm ké”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cách đây 2 năm, Bình Thuận đã có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Đình Chiểu và mở thêm 2 con đường xuống biển để khách và người dân được tự do xuống biển tắm, mà không phải “xin phép” các bảo vệ resort khi muốn xuống biển. Tuy nhiên, hiện tình trạng các resort “cát cứ” mặt tiền biển vẫn chưa được xử lý triệt để.
PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng vấn nạn các resort ở Mũi Né “cát cứ” mặt tiền biển có thể nói là một tồn tại lịch sử, kéo dài qua nhiều giai đoạn. Khu du lịch quốc gia Mũi Né hiện đang được quy hoạch chi tiết theo từng phân khu, rất cần giải quyết triệt để vấn đề xung đột này để không gian biển là của cộng đồng, chứ không chỉ thuộc về một nhóm lợi ích, thiểu số.
Quế Hà
Theo một chuyên gia làm việc tại Bộ Xây dựng, trong thời gian dài nước ta phát triển đô thị ven biển, trong đó có khu vực ven biển gần như tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch có tầm nhìn xa. Vì lẽ đó, những năm gần đây, khi trình độ dân trí cũng như tầm nhìn của những lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban, ngành được nâng lên thì vấn đề trả lại không gian biển cho cộng đồng được đặt ra, nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, những nơi này cần có quy hoạch tốt, tầm nhìn xa để đảm bảo không gian giao tiếp với biển của cộng đồng nhưng lại không lãng phí tài nguyên và phù hợp với tổng thể chung của cả đô thị tiếp giáp với biển.
“Không thể bịt kín tầm nhìn, lối xuống biển của người dân, khách du lịch, nhưng cũng không nên chỗ nào cũng là bãi tắm, quán bar ven biển. Có thể ưu tiên phát triển những công trình dành cho cộng đồng như bảo tàng, thư viện, công viên… ở ven biển để vừa không gây ra nhàm chán, lãng phí không gian, lại đa dạng tiện ích cho thành phố ven biển”, chuyên gia này lưu ý và cho rằng có thể bố trí đường giao thông men theo bờ biển, rồi khoảng trống để làm công viên, quảng trường, sân chơi trước khi bước xuống bãi cát, mặt nước biển...
Đối với bãi tắm biển, người dân cần được tiếp cận bãi tắm dễ dàng, miễn phí, chỉ phải trả tiền khi dùng dịch vụ. Khi phân khu, quy hoạch bãi tắm, cần hạn chế cổng, tường rào, biển báo gây hiểu nhầm... Bên cạnh đó, phải tính toán đến việc các phương tiện tiếp cận (tiếp cận bằng đường bộ, bằng giao thông công cộng) luôn sẵn có và được đảm bảo tối đa khả năng tiếp cận. Khu vực bãi tắm phải đầy đủ tiện ích công cộng, có thể phát triển thêm các dịch vụ du lịch biển chất lượng cao như tổ chức các dịch vụ du lịch trên biển; các dịch vụ giải trí thể thao; tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao biển...
Đồng quan điểm, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN-MT), cho rằng việc duy trì dải đất sát biển là không gian công cộng không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, mà còn là để khai thác hiệu quả hơn các bãi cát ven biển, tài nguyên du lịch biển. “Thực tế cho thấy tại các khu du lịch biển hiện nay của nước ta như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né… vào mùa hè hầu như tất cả các bãi biển đều rất đông người, thậm chí tiệm cận tới trạng thái quá tải, nhưng ngược lại, tại bãi tắm của các resort sát biển, khách tắm biển chủ yếu là khách trong các resort. Do vậy, đảm bảo những bãi tắm ven biển là không gian dùng chung không những tạo cơ hội cho người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch sử dụng bãi biển và du lịch biển phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của địa phương và cả nước”, PGS-TS Vũ Thanh Ca nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.