TP.Thủ Đức sau 18 tháng thành lập: 'Bớt hào hứng nhưng vẫn còn tin tưởng'

16/09/2022 13:31 GMT+7

Sau 64 ngày nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Hiệp đã đến 32/34 phường và nhận được 204 ý kiến góp ý của người dân sau 18 tháng thành lập TP.Thủ Đức.

Ngày 16.9, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền TP trực thuộc trung ương, từ thực tiễn TP.Thủ Đức.

Hội thảo khoa học hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền TP trực thuộc trung ương, từ thực tiễn TP.Thủ Đức

VŨ ĐĂNG

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức nhận định hội thảo này rất có ý nghĩa trong việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền TP thuộc TP trực thuộc trung ương.

Từ ngày 12.7, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy Thủ Đức, nhiệm kỳ 5 năm (2020 - 2025). Hôm nay là ngày thứ 64 ông Hiệp nhận nhiệm vụ tại TP.Thủ Đức. Ông Nguyễn Hữu Hiệp đã đến 32 phường trên địa bàn và nhận được 204 câu hỏi từ bí thư ở các khu phố.

Khi hỏi người dân về TP.Thủ Đức sau 18 tháng qua như thế nào, ông Hiệp nhận được câu trả lời "giảm bớt hào hứng nhưng vẫn còn tin tưởng".

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức phát biểu tại hội thảo

Vũ đăng

Ông Hiệp kể, người dân nêu ý kiến thẳng rằng "cứ nghĩ lên TP, con hẻm gần nhà hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập, việc thu gom rác sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn y như cũ thì lên TP làm gì. Những ý kiến này chưa phải là đại diện nhưng đây là câu trả lời cụ thể và phản ánh một phần bức tranh của 34 phường TP.Thủ Đức", ông Hiệp nói.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức nhận ý kiến, sau khi lên TP, việc phục vụ nhân dân chậm hơn. "Trước đây, một việc 3 người làm ở 3 nơi có bán kính đi lại giao dịch gần, còn bây giờ một việc một người làm ở một nơi xa hơn nên chậm hơn là đúng. Ví dụ như người dân P.Long Bình (Q.9) không chịu xuống Q.2 để giao dịch, đề nghị dời lên nơi gần hơn. Bên cạnh đó, công nghệ chưa đủ sức phủ để người dân không phải đi lại trong giao dịch hành chính. 18 tháng qua chúng ta vẫn chưa chuẩn bị kịp, dẫn đến công việc cho dân chậm hơn", ông Hiệp nhận định.

Các ý kiến cho rằng TP.Thủ Đức chưa có gì thay đổi, trong 204 người có khoảng 113 người nói "xui" cho TP.Thủ Đức, vì sau khi thành lập thì dính ngay dịch Covid-19. Dù không nại lý do khách quan để che đậy khiếm khuyết nhưng thực tế TP.Thủ Đức đã toàn lực dành cho việc phòng, chống dịch Covid-19, không có thời gian nghiên cứu chính sách.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cũng đặt những câu hỏi, mô hình "thành phố trong thành phố" với quy mô trên 1 triệu người dân thì tổ chức bộ máy cấp phòng bao nhiêu nhân sự, phải chăng TP.HCM có bao nhiêu sở gì thì TP.Thủ Đức có phòng đấy? Hoặc 80% số phòng tương đương cấp sở? Cấp phòng ở UBND TP.Thủ Đức chỉ cần trưởng phòng, không cần phó phòng mà sẽ có tổ trưởng theo phân khu công tác? Phân bổ nguồn lực, phân quyền cho địa bàn TP.Thủ Đức nên theo hình thức nào?

Ngày 16.11.2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111 cho phép thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước, được kỳ vọng đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước.

TP.Thủ Đức thành lập từ việc sáp nhập Q.9, Q.Thủ Đức và Q.2 với 34 phường, rộng hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người. TP.HCM muốn thành lập TP mới với kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.