TP.HCM xây dựng các phương án dự phòng khi người dân phản đối BOT

Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở cùng các cơ quan ban ngành và các nhà đầu tư BOT đã xây dựng các phương án dự phòng trong trường hợp người dân phản đối việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT.

Trước tình hình nhiều trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên cả nước đang đối diện sự phản đối của các chủ phương tiện qua trạm và người dân địa phương, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan chức năng, sở ngành, địa phương có liên quan làm việc với nhà đầu tư các dự án nêu trên để rà soát, phối hợp trong công tác quản lý hoạt động các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên địa bàn TP.
Theo đó, các bên cho rằng ưu điểm của đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT là phù hợp với tình hình ngân sách còn hạn hẹp; đảm bảo lộ trình đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội của TP; Tạo ra sự tiện ích về chi phí vận chuyển, thời gian di chuyển, an toàn giao thông của các chủ phương tiện, hạn chế và kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Hơn nữa hiện nay giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm do TP quản lý rất thấp so với mặt bằng chung.

Do vậy, Sở GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan để: tập trung đầu tư hệ thống thu phí tự động, xem xét chưa tăng giá vé đến năm 2020, tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và xây dựng các phương án dự phòng trong trường hợp người dân phản đối việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết quan điểm của TP là các dự án BOT trên địa bàn phải đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, mấu chốt trong quản lý các hợp đồng BOT đó là trạm BOT phải đúng vị trí và đúng đối tượng thu, mức giá thu phù hợp với quy định của pháp luật.
“Hiện có 2 dự án BOT là: Quốc lộ 22 đoạn từ Ngã tư An Sương đi cửa khẩu Mộc Bài và Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp ranh Long An phải tạm dừng để rà soát lại, tìm hình thức đầu tư khác phù hợp do Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng với các tuyến đường mới để bảo đảm về lựa chọn cho người dân chứ không thực hiện cải tạo, mở rộng các tuyến đường có sẵn”, ông Cường thông tin.
TP.HCM hiện có 9 dự án đang triển khai có thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, trong đó 7 dự án do TP quản lý và 2 dự án do Bộ GTVT quản lý. Trong số 7 dự án do TP quản lý, hiện có 3 dự án đang tổ chức thu phí gồm: dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Linh; 4 dự án đang triển khai đầu tư hoặc chờ hoàn chỉnh thủ tục để triển khai thu phí: dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2), dự án xây dựng đường nối từ đường Võ văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.