TP.HCM vẽ lại địa giới khu phố, ấp

09/04/2024 04:08 GMT+7

Từ ngày 1.4, hơn 25.000 tổ chức dưới phường, xã, thị trấn ở TP.HCM được tinh gọn lại còn hơn 4.800 khu phố, ấp.

Tối 8.4, P.Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM) tổ chức lễ công bố nghị quyết của HĐND TP.HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố (gọi tắt là sắp xếp khu phố) trên địa bàn phường.

Tinh gọn bộ máy phường, TP.HCM chỉ còn hơn 4.800 khu phố, ấp

Những người gần dân

Ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND P.Võ Thị Sáu, cho biết 13 khu phố cũ được chia thành 24 khu phố mới, trong đó có 5 khu phố giữ nguyên địa giới. Các cơ quan của phường đã thực hiện miễn nhiệm và kiện toàn, phân công chức danh ở khu phố mới gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, Khu đội trưởng, Cảnh sát khu vực. Tại buổi lễ, các chức danh ở 23 khu phố mới nhận quyết định và ra mắt cộng đồng dân cư.

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên trao quyết định cho các nhân sự tham gia khu phố mới ở P.Võ Thị Sáu, Q.3, tối 8.4

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên trao quyết định cho các nhân sự tham gia khu phố mới ở P.Võ Thị Sáu, Q.3, tối 8.4

NGUYỄN ANH

Ông Nguyễn Văn Ứng (tham gia tổ dân phố 132, khu phố 2B từ năm 1990) cho hay, những người làm việc ở khu phố không phải vì tiền, bởi phụ cấp không có bao nhiêu. Trước đây, ông Ứng đi bộ đội, sau xuất ngũ về đi dạy ở trường đại học. Hơn 34 năm tham gia khu phố, điều mà ông Ứng thấy hữu ích nhất là bản thân gắn kết được cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Những người tham gia khu phố, tổ dân phố ngoài có điều kiện về thời gian ra, cần phải có tâm huyết, trách nhiệm, và am hiểu pháp luật để giải thích cho người dân biết.

"Việc của dân là những việc hằng ngày thôi chứ không có việc gì lớn, vậy nên những người tham gia phải sâu sát, gần dân", ông Ứng chia sẻ và đề nghị địa phương tập huấn, phương pháp hoạt động của khu phố, nếu không rất dễ chệch choạc.

Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, Q.3 sắp xếp 63 khu phố thành 112 khu phố mới. Bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Q.3, cho rằng sắp xếp khu phố góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính cấp cơ sở, hướng đến mục tiêu xây dựng khu phố gần dân, sát dân, tinh gọn bộ máy phường. Đồng thời, đây cũng chính là bước khởi đầu cho công tác sắp xếp phường trên địa bàn quận giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp thực tiễn, đáp ứng xu hướng phát triển.

Bà Xuân thông tin, tổ dân phố là cấp cơ sở, là nơi đầu tiên tiếp xúc với người dân, là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền. Từ những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng (30.4.1975) đến nay, những người tham gia tổ dân phố đã trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là những người luôn sát cánh, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. "Mọi người ngày đêm miệt mài, không quản ngại khó khăn, gian khổ, âm thầm cống hiến cho sự phát triển chung của quận. Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là ý thức trách nhiệm vì nhân dân, có tình cảm gắn bó sâu sắc với nhân dân", bà Xuân nhìn nhận.

Lãnh đạo Q.3 (TP.HCM) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các khu phố mới

Lãnh đạo Q.3 (TP.HCM) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các khu phố mới

NGUYỄN ANH

Bà Xuân đề nghị các phường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu về ý nghĩa việc sắp xếp, công khai địa giới hành chính, tổ chức các hoạt động gắn kết giữa ban điều hành khu phố với người dân. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn các khu phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, có cơ chế luân phiên trong sinh hoạt khu phố tại các khu phố dùng chung trụ sở, đảm bảo phù hợp tình hình và nhiệm vụ thực tế.

"Trong quá trình thành lập khu phố mới, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến người dân", bà Xuân yêu cầu.

Luân phiên sử dụng trụ sở

Hồi giữa tháng 3.2024, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết chia tách, sáp nhập, thành lập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn. Theo đó, TP.HCM giảm từ 25.377 tổ chức dưới phường, xã, thị trấn thành 4.861 khu phố, ấp; trong đó có 3.654 khu phố, 1.207 ấp. Mỗi khu phố có 500 hộ, còn ấp có 350 hộ. Mỗi khu phố, ấp có 5 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng ban điều hành, Bí thư chi đoàn thanh niên và Chi hội trưởng phụ nữ. Thông qua việc tinh giản tổ chức dưới phường, TP.HCM giảm từ hơn 64.000 người tham gia xuống còn gần 44.000 người.

Trong số 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, Q.12 là địa phương tổ chức lễ công bố nghị quyết HĐND TP.HCM và ra mắt khu phố mới sớm nhất. Buổi lễ công bố tổ chức đồng loạt ngày 1.4, là ngày nghị quyết của HĐND TP.HCM có hiệu lực và cũng là ngày kỷ niệm 27 năm thành lập quận (1.4.1997). Theo đó, Q.12 sắp xếp 80 khu phố thành 339 khu phố mới. Tại mỗi phường, Đảng ủy phường ban hành các quyết định thành lập chi bộ khu phố, chỉ định nhân sự cấp ủy, nhân sự Bí thư, Phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tương tự, các chức danh như Trưởng ban điều hành khu phố lâm thời, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên cũng được công bố. Trưởng công an phường thì công bố quyết định về việc điều động, phân công cảnh sát khu vực ở khu phố mới. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội còn lại và hội quần chúng của các khu phố cũng đã thực hiện quy trình thành lập chi hội, chỉ định nhân sự tham gia theo điều lệ và hướng dẫn của ngành dọc.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết từ 130 khu phố hiện hữu, 10 phường chia tách thành 366 khu phố. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn thành cả về nhân sự và nơi làm việc. Dự báo sẽ có những lúng túng bước đầu, quận sẽ mở lớp tập huấn cho các khu phố để vận hành trơn tru. "Một cơ quan có 1 - 2 người mới thì có thể tiếp cận dễ, nhưng khi sắp xếp lại khu phố, có những khu phố toàn bộ là người mới thì việc tiếp cận, hiểu được công việc không dễ dàng gì", ông Nhựt nhận định.

Về nơi làm việc, trước đây Q.Bình Tân có 130 khu phố nhưng cũng chỉ có 112 khu phố có nơi làm việc, nên khi số lượng khu phố tăng lên, nơi làm việc càng thiếu, thậm chí có 7 khu phố phải dùng chung một địa điểm. Ông Nhựt cho biết trước mắt các khu phố sẽ sử dụng trụ sở làm việc luân phiên. Về lâu dài, quận sẽ có kế hoạch riêng, tìm những vị trí phù hợp xây dựng trụ sở làm việc cho khu phố.

Đối với những địa bàn đông dân cư, vấn đề trụ sở làm việc là bài toán khó nhất khi chia tách khu phố. Tại H.Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc B trước đây có 16 ấp nhưng cũng chỉ 9 ấp có trụ sở hoạt động, 7 ấp phải thuê nhà dân với diện tích nhỏ hẹp. Do vậy, khi chia thành thành 71 ấp mới kể từ ngày 1.4, địa phương này đề xuất có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thuê văn phòng, đảm bảo nơi làm việc.

Tri ân hơn 64.000 người tham gia hoạt động khu phố, ấp

Theo kế hoạch triển khai nghị quyết của HĐND TP.HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp ở TP.HCM, việc công bố nghị quyết sẽ được tổ chức đồng loạt tại 312 phường, xã, thị trấn từ ngày 1 - 15.4.

TP.Thủ Đức và các quận, huyện chọn 1 phường, xã, thị trấn làm điểm với sự tham dự của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM. Dự kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự ở P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức), Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải dự ở xã Bình Chánh (H.Bình Chánh), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dự ở xã An Thới Đông (H.Cần Giờ), Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc dự ở P.3 (Q.4) và P.10 (Q.6).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện nhiều hoạt động tri ân, khen thưởng cá nhân. Dự kiến, TP.HCM tặng quà kèm thư tri ân của Chủ tịch UBND TP.HCM đến 64.309 cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Về việc khen thưởng, UBND phường, xã, thị trấn khen thưởng cá nhân có thời gian tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân dưới 10 năm. UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện khen thưởng người tham gia từ 10 - 30 năm, còn UBND TP.HCM khen thưởng người hoạt động từ 30 năm trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.