TP.HCM vào top chi phí rẻ nhất Đông Nam Á

01/05/2021 07:05 GMT+7

Mức chi phí sinh hoạt tại TP.HCM được xếp vào top thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Sài Gòn bao nhiêu cũng... sống được

iPrice vừa so sánh chi phí sinh hoạt trung bình hằng tháng của 6 TP lớn tại Đông Nam Á dựa trên số liệu từ Numbeo - một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới do người dùng đóng góp. Theo khảo sát này, các khoản tiền để duy trì mức sống ổn định bao gồm các chi phí thuê nhà, thực phẩm, di chuyển và các tiện ích khác cho một người ở TP.HCM rơi vào khoảng 816 USD (khoảng 18,8 triệu đồng), chỉ đắt hơn 600.000 đồng so với TP “dễ thở” nhất khu vực là Kuala Lumpur. Chi phí trung bình một tháng tại thủ đô của Malaysia là 789 USD (khoảng 18,2 triệu đồng). Trong khi đó, Singapore là TP có chi phí sinh hoạt cao nhất trong khu vực, với 2.467 USD (tương đương 57 triệu đồng), cao hơn gấp 3 lần so với trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Theo sau là Bangkok (Thái Lan) - ước tính 1.061 USD (24,5 triệu đồng), Manila (Philippines) - 1.046 USD (24,1 triệu đồng) và Jakarta (Indonesia) - chi phí sinh hoạt 845 USD (19,5 triệu đồng).
iPrice cũng đánh giá TP.HCM là điểm đến của nhiều khách du lịch bởi sự đa dạng ẩm thực, người bản địa hiếu khách và các công trình kiến trúc mang tính lịch sử. Ngoài ra, đô thị lớn nhất Việt Nam cũng là lựa chọn của nhiều người khi tìm kiếm cơ hội việc làm và sinh sống.
Gần 8 năm “ngụp lặn” ở Sài Gòn, từ khi còn là sinh viên năm nhất “chân ướt chân ráo” từ nhiều tỉnh đến TP học đại học, hội bạn 5 người của Nguyễn Khánh Linh (26 tuổi, quê Bình Phước) tuy đã không ít lần nản chí vì bế tắc trong công cuộc tìm việc làm nhưng trong những cuộc hẹn hằng tháng, không ai trong số các bạn trẻ này phải lên tiếng kêu ca vì sống ở TP quá đắt đỏ. Theo Linh, nếu không dự quá nhiều tiệc tùng, cưới hỏi thì mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng là vừa đủ sống ở TP - “Mình đi chợ thấy giá cũng không quá chênh lệch so với ở quê. Một tô phở 35.000 - 40.000 đồng, một phần cơm văn phòng 35.000 đồng, ổ bánh mì cũng 15.000 đồng. Được cái đồ ăn bình dân nhưng vị rất ổn, không phải chi nhiều tiền thì mới được ăn ngon”. Đồng tình, Ái Linh (quê Phú Yên), cũng trong nhóm bạn này dẫn chứng: Lương tháng 10 triệu đồng, thuê nhà mất 2 triệu, tiền ăn uống, sinh hoạt hết 4 triệu, 1 triệu là tiền dành riêng cho đám cưới, tiệc tùng, thêm 1,5 triệu cho tiền quần áo, mỹ phẩm thì vẫn còn 1,5 triệu đồng “nuôi heo” để thỉnh thoảng đi du lịch bụi cùng bạn bè.
“Sài Gòn bao nhiêu cũng được” là nhận xét của nhiều người. Người giàu thì vào quán sang, tô bún bò có khi lên tới 100.000 - 200.000 đồng, người thu nhập thấp thì hằng ngày ăn sáng ổ bánh mì 10.000 - 15.000 đồng, ăn trưa, tối với hộp cơm tấm 20.000 đồng, tô hủ tiếu 15.000 đồng... vẫn dư sức thư giãn với ly cà phê 7.000 đồng. Sài Gòn bao dung, có lẽ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt đó.
TP.HCM vào top chi phí rẻ nhất Đông Nam Á1

Tiền ăn rẻ, nhưng tiền ở khá cao

Mặc dù có mức sinh hoạt gần như tương đương với Kuala Lumpur, tuy nhiên theo khảo sát của iPrice, chi phí trung bình để thuê căn hộ một phòng ngủ tại khu vực trung tâm TP.HCM cao hơn 16% so với Kuala Lumpur. Cụ thể, để thuê căn hộ một phòng ngủ tại khu vực trung tâm TP.HCM cần chi phí khoảng 346 USD (8 triệu đồng), nằm ngoài trung tâm khoảng 216 USD (5 triệu đồng). Điều này có thể là một trong những lý do khiến nhiều người lao động tìm kiếm cho mình giải pháp giảm chi phí tiền thuê nhà bằng cách ở ghép, hoặc thuê phòng. “Với dân số hơn 9 triệu người và có khoảng 60.000 người nước ngoài đang cư trú tại TP.HCM, chi phí sinh hoạt hằng tháng là điều mà hầu hết mọi người đều trăn trở. Việc cân bằng nhu cầu sống và thu nhập sẽ giúp người lao động tại TP.HCM tận hưởng cuộc sống dễ chịu hơn, đặc biệt là trong giai đoạn mọi thứ đều cần phải “thắt lưng buộc bụng” do ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu” - nhóm nghiên cứu của iPrice nhận định.
Quả thực, chi phí thuê nhà, mua nhà ngày càng trở thành vấn đề lớn đối với người lao động tại TP.HCM, ngay cả đối với những người có thu nhập khá. Vừa khen chi phí ăn, tiêu, hàng hóa giá ngang với ở quê, Nguyễn Khánh Linh lập tức thở dài khi nhắc đến tiền thuê nhà. Từ năm ngoái đến nay, Linh đã phải chuyển chỗ ở 4 lần vì chưa tìm được nơi thực sự phù hợp. “Nếu thuê phòng gần chỗ làm, ngay trung tâm thì giá rất cao, phải hơn 12 triệu đồng/tháng, hết quá nửa thu nhập rồi, không còn đủ tiền để làm gì hết. Muốn rẻ hơn thì phải đi xa, tiền xăng xe đi lại cũng quá tội. Tìm mỏi mắt mới được căn chung cư 65 m2 khu vực cách trung tâm TP khoảng 5 km mà giá cũng 9 triệu đồng/tháng. Căn hộ 2 phòng ngủ, mình rủ thêm 2 bạn nữa ở chung, chia ra mỗi người 3 triệu đồng/tháng cho đỡ tiền. Nói chung, tiền thuê nhà là ngốn nhiều nhất trong các khoản chi tiêu hằng tháng”, Linh chia sẻ.
TP.HCM xếp vị trí thứ nhất về tiêu chí việc làm và nghề nghiệp, xếp thứ 6 về tiêu chí cân bằng sống và làm việc. Điểm về triển vọng kinh tế tại đây cũng được đánh giá cao 81% so với mức trung bình của 82 TP chỉ 61%.
(Theo Internation)
Ở cùng với gia đình, không phải lo tiền nhà hằng tháng, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/tháng nhưng Hà An (ngụ Q.3, TP.HCM) trầy trật suốt 3 năm qua vẫn chưa mua được cho mình một căn hộ chung cư ưng ý. Tích lũy được hơn 2 tỉ đồng, An có nhu cầu kiếm căn hộ khoảng 65 - 70 m2, cách khu trung tâm TP khoảng 7 - 10 km nhưng gần như “bó tay” vì căn hộ khoảng 40 triệu đồng/m2 dường như đang “biến mất” khỏi thị trường.
Cơ hội mua nhà cho người trẻ ngày càng thấp vì giá bất động sản tại TP.HCM đang ngày càng tăng “phi mã” ở khắp các khu vực. Hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ hạng C (căn hộ bình dân) và người trẻ có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng cũng chỉ có thể mua được nhà bình quân khoảng 1 tỉ đồng. Để mua được nhà, các bạn trẻ phải tích lũy được 50%, 50% số tiền còn lại phải dùng đòn bẩy tài chính là vay ngân hàng.

Đáng sống không chỉ vì rẻ

Đầu năm 2020, TP.HCM được trang mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations xếp vị trí thứ 3 về những TP đáng sống cho người nước ngoài, chỉ sau Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia). Có 81% người được hỏi tỏ ra hài lòng với chi phí sống ở TP.HCM, cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình của 82 TP là 43%.
Dễ kiếm việc làm tạm với số tiền không quá lớn nhưng đủ để lang thang ăn vặt, thỉnh thoảng đi “phượt” khám phá các vùng đất mới trong nước là một trong nhiều lý do khiến nhiều bạn trẻ nước ngoài chọn TP.HCM để sống và làm việc. Không chỉ vậy, TP năng động nhất cả nước là lựa chọn tuyệt vời cho những bạn trẻ có hoài bão phát triển cơ hội, mở rộng quan hệ và kiến thức.
Minh Tân (28 tuổi, quê Bình Định), đang làm giảng viên Đại học Văn Lang, cho biết: Ở Sài Gòn chắc chắn không sướng bằng ở nhà. Về quê, bố mẹ chuẩn bị sẵn nhà cửa, công việc cũng không phải lo vì giáo viên ở quê không nhiều, với bằng thạc sĩ trong tay, Tân có thể dễ dàng xin vào dạy tại trường chuyên cấp 3, làm gia sư… dư dả sống. Tuy vậy, chàng trai này vẫn quyết tâm bám trụ tại TP hoa lệ này để tìm kiếm cho mình nhiều cơ hội phát triển hơn. Tân khoe: “Mình đã xin được học bổng, từ giờ đến cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh ổn định mình sẽ đi Nhật 2 năm, sau đó về lại TP.HCM sống, làm việc và lập gia đình. Em trai mình, đang ở quê học lớp 9, sau này cũng vào Sài Gòn ở. Tìm đến TP lớn là xu hướng của tất cả mọi người để bản thân phát triển. Không đến TP, sao có cơ hội xuất ngoại để mở mang tầm mắt như thế này!”.
Quan trọng hơn, hầu hết mọi người từng tới, đã hoặc đang sống tại TP.HCM đều phải thừa nhận: Người dân địa phương rất thân thiện và thoải mái. Họ chào đón tất cả mọi người từ khắp các vùng miền, không kỳ thị, không soi mói. Đấy là lý do vì sao không chỉ với người nước ngoài, ngay cả với người Việt, TP.HCM cũng là một trong những TP đáng sống nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.