TP.HCM đã có 860 nhà vệ sinh công cộng

17/07/2023 17:29 GMT+7

Công tác đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn TP.HCM đã được thực hiện một thời gian dài, tuy nhiên hiện nay số lượng cũng như chất lượng NVSCC còn hạn chế.

TP.HCM muốn giải bài toán nhà vệ sinh công cộng cũng khó - Ảnh 1.

NVSCC lưu động mới được đưa vào hoạt động tại "khu đất vàng" 8 - 12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Toàn thành phố có hơn 860 NVSCC

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa gửi UBND TP, tính đến 4.7, TP đã vận động được 491 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, người dân được sử dụng nhà vệ sinh.

Trong đó, UBND huyện Bình Chánh ghi nhận kết quả vận động tốt nhất với 127 cơ sở đồng ý tham gia chương trình; tại quận 1 có 100 cơ sở; UBND quận Bình Tân vận động được 46 điểm; huyện Củ Chi cũng kêu gọi được 95 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tham gia... 

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của UBND quận 1, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã bàn giao 5 khu đất trống tại khu vực trung tâm gồm: Thương xá Tax cũ (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic số 2 - 4 - 6 Nguyễn Huệ, 8 - 12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực và 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng để thí điểm xã hội hóa làm NVSCC phục vụ người dân, du khách, trong bối cảnh NVSCC ở trung tâm TP.HCM đang thiếu trầm trọng.

Đến nay, 4 khu đất Thương xá Tax cũ (135 Nguyễn Huệ), 8 - 12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực và 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng đã được quận 1 bàn giao lại cho các doanh nghiệp đầu tư và chính thức đưa vào hoạt động 4 NVSCC từ 31.5. Riêng khu mở rộng khách sạn Majestic, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đang triển khai dự án mở rộng khách sạn nên đã có công văn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng khu vực vệ sinh của khách sạn sau khi hoàn thành dự án.

Tính tổng số NVSCC đã được đầu tư, TP có 866 NVSCC (bao gồm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ).

Sở Tài nguyên - Môi trường thừa nhận công tác đầu tư xây dựng NVSCC trên địa bàn TP đã được thực hiện một thời gian dài, tuy nhiên hiện số lượng cũng như chất lượng NVSCC còn hạn chế. Ngay cả trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan, đơn vị đề xuất số lượng NVSCC hiện hữu cần cải tạo, nâng cấp và số lượng NVSCC cần đầu tư mới còn tương đối ít: chỉ đề xuất cải tạo, nâng cấp 48 NVSCC hiện hữu, đầu tư mới 174 NVSCC.

TP.HCM muốn giải bài toán nhà vệ sinh công cộng cũng khó - Ảnh 2.

Một trong số ít những NVSCC của TP.HCM được xây dựng theo phương án xã hội hóa, còn hoạt động sạch sẽ

N.T.T

Xây chỗ nào cũng khó

Để giải quyết tình trạng này, từ tháng 3.2023, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và số lượng NVSCC. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, trên địa bàn TP hiện không có đủ quỹ đất công cộng để bố trí NVSCC do vướng pháp lý khi triển khai đầu tư trên phạm vi đất dành cho đường bộ và các bến khách ngang sông. Nguyên nhân, theo các quy định hiện hành về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì phạm vi đất dành cho đường bộ không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

Vì thế, việc xây dựng nhà vệ sinh trong phạm vi đất dành cho đường bộ và gầm cầu là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn cơ sở bến thủy nội địa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không yêu cầu phải bố trí nhà vệ sinh tại bến khách ngang sông nên các đơn vị trực thuộc Sở GTVT không có cơ sở yêu cầu các chủ bến đầu tư nâng cấp mở rộng nhà vệ sinh phục vụ mục đích công cộng.

Chưa kể trong quá trình triển khai còn gặp sự phản đối, không đồng ý của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại khu vực/địa điểm được khảo sát để đầu tư NVSCC do e ngại về vấn đề mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư công, đầu tư xã hội hóa, thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng đất công/vỉa hè để đầu tư công trình này, cũng như các vấn đề về cấp phép xây dựng, tài chính, khai thác kinh doanh dịch vụ tại chỗ...

TP.HCM muốn giải bài toán nhà vệ sinh công cộng cũng khó - Ảnh 3.

Cơ sở kinh doanh trên đường Đỗ Quang Đẩu (Q.1, TP.HCM) đồng ý cho khách vãng lai dùng nhà vệ sinh miễn phí

SỸ ĐÔNG

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị UBND TP ban hành đề án "Cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC, thùng rác công cộng trên địa bàn TP.HCM" để làm cơ sở cho các sở ngành, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện, các cơ quan và đơn vị chủ trì triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới NVSCC theo thẩm quyền quản lý. Song song, giao các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn cụ thể về các quy trình, thủ tục và cơ chế, chính sách hỗ trợ (nếu có) theo chức năng nhiệm vụ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư mạng lưới công trình phụ này.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp các NVSCC đã xuống cấp, hư hỏng tại khu vực, địa điểm như công viên, điểm tham quan du lịch, bến xe, trạm chờ xe buýt... từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

"TP sẽ chủ động liên hệ, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư mới NVSCC trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa. Nghiên cứu, tích hợp các thông tin, vị trí các NVSCC vào trong các phần mềm ứng dụng của ngành du lịch để người dân, khách du lịch dễ tiếp cận. Việc tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, siêu thị, trung tâm thương mại... đồng ý cho khách vãng lai, du khách sử dụng nhà vệ sinh tại các cơ sở này khi có nhu cầu cũng là giải pháp tiếp tục được triển khai" - lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thông tin thêm.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.