TP.HCM tìm thêm nguồn vốn cho đầu tư công

09/12/2022 06:56 GMT+7

Trong bối cảnh nhu cầu vốn lớn nhưng ngân sách phân bổ hạn hẹp, TP.HCM tính cách khai thác thêm những nguồn lực còn đang “ẩn mình” bằng các cơ chế thông thoáng.

Chiều 8.12, tại phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM trong khuôn khổ kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM, đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng nêu ra vấn đề, năm 2023 dự kiến cần ngân sách 71.000 tỉ đồng cho đầu tư công, nhưng T.Ư chỉ phân bổ 55.000 tỉ đồng, và đặt câu hỏi TP.HCM sẽ có giải pháp gì để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% cho năm sau. Trong năm 2022, TP.HCM chỉ đặt mục tiêu giải ngân 80% vốn đầu tư công.

TP.HCM sẽ tập trung bồi thường dự án Vành đai 3 để bàn giao mặt bằng trong tháng 6.2023, đảm bảo tiến độ dự án

Ngọc Dương

Cần tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư

Trả lời về vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM là địa phương tự cân đối nguồn lực nên trước hết phải lo đủ tiền mới chi được. Dù T.Ư phân bổ 55.000 tỉ đồng nhưng qua rà soát thì TP.HCM mới cân đối được 45.000 tỉ đồng, khoảng 10.000 tỉ đồng còn lại sẽ bù vào bằng 3 nguồn: đấu giá nhà đất, cân nhắc vay nợ chính quyền địa phương, vận dụng chính sách tăng nguồn thu từ Nghị quyết 54/2017.

Về giải pháp, ông Mãi cho biết sẽ khắc phục những hạn chế trong năm 2022 để đảm bảo tiến độ giải ngân. Cụ thể, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đến quý 1/2023 xác định dự án nào triển khai, tập trung giải phóng mặt bằng, nâng chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, giám sát tiến độ chủ đầu tư. “Từ đầu năm sẽ xác định trách nhiệm, tiến độ của chủ đầu tư và điều chỉnh nguồn vốn cho phù hợp”, ông Mãi nói.

Giải đáp câu hỏi về huy động nguồn lực xã hội, ông Mãi cho biết sẽ tập trung vào 4 giải pháp: kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, doanh nghiệp (DN) nhà nước và tài sản công. Theo đó, trong quý 1/2023, TP.HCM sẽ ban hành đề án huy động nguồn lực đầu tư xã hội, trong đó quy định một số chính sách thu hút vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục… Về kiều hối, ông Mãi đánh giá lượng kiều hối gửi về hằng năm tương đương với đầu tư nước ngoài, nếu có thêm chính sách tiếp cận về đất đai, miễn giảm thuế thì dòng tiền chảy vào đầu tư, chứ không chỉ tiêu dùng, mua sắm tài sản cố định khác. TP.HCM có nhiều DN nhà nước thoái vốn nhưng chưa đưa nguồn vốn vào đầu tư, sản xuất. Ông Mãi cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc để DN mạnh dạn đầu tư, chuyển thành nguồn lực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Xốc lại tinh thần làm việc

Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị rà soát lại tất cả gói hỗ trợ Covid-19, đảm bảo chi đúng, chi đủ cho người dân. Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận đã hơn 1 năm nhưng chưa giải quyết hết cho các đối tượng thụ hưởng là quá trễ.

Đối với chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức tham gia phòng chống dịch còn phần phát sinh 57 tỉ đồng, TP.HCM thống nhất phương án bổ sung kinh phí hỗ trợ. Đối với gói hỗ trợ số 3 còn 3 địa phương (Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, H.Củ Chi) chưa giải ngân 849 tỉ đồng, TP.HCM thống nhất chi cho những trường hợp có trong danh sách được duyệt mà chưa nhận. Ông Mãi đề nghị các địa phương rà soát lại danh sách để khi bố trí kinh phí thì giải ngân, đảm bảo hoàn thành trước tết.

Về định hướng phát triển công nghiệp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc xây dựng các khu công nghiệp, đến nay đã hơn 30 năm và đạt nhiều thành công, đóng góp nhiều cho đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới phải xem xét đến vấn đề thâm dụng lao động, công nghệ. Dù các dự án đầu tiên đến năm 2041 mới hết thời hạn nhưng từ bây giờ phải định hướng chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khu đô thị công nghiệp dịch vụ hiện đại. Còn nông nghiệp, TP.HCM tổ chức lại theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm sạch, hướng tới nông nghiệp sinh thái để gắn kết, phát triển các dịch vụ khác trong đô thị sinh thái.

Ông Mãi dẫn lại câu chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị kêu gọi đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi, nhưng khi triển khai các ý tưởng, bản ghi nhớ thì phát sinh vướng mắc về đất đai, quy hoạch và nguồn vốn. “Như dự án đô thị sinh thái ở Củ Chi, DN khẳng định nếu năm 2023 có đất thì sẽ triển khai ngay. Nhưng với cả ngàn héc ta thì không thể nào đến cuối năm 2023 thực hiện xong được”, ông Mãi nói và đánh giá việc chuẩn bị về quy hoạch, đất đai là rất quan trọng.

Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi cũng chia sẻ khi làm việc thì Bộ Chính trị rất quan tâm, thậm chí là băn khoăn khi cho định hướng, cơ chế thì liệu TP.HCM có tải nổi không. Do đó, cán bộ, đảng viên cần phải chuyển tâm thế, xốc lại tinh thần làm việc, khắc phục ngay tâm lý e dè, ngại trách nhiệm.

Gỡ khó cho điện áp mái

Sáng cùng ngày, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh nêu thực tế nhu cầu tiêu thụ năng lượng của TP.HCM rất lớn nhưng lại luôn trong nguy cơ thiếu hụt, đồng thời đặt vấn đề Sở Công thương có giải pháp gì để tự chủ năng lượng, phát triển điện áp mái. Trả lời, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, cho biết mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 25 tỉ Kwh điện, TP cũng không chủ động được nguồn điện. Hiện Bộ Công thương đã chấp thuận đưa vào quy hoạch dự án nhà máy điện khí ở Hiệp Phước giai đoạn 1 là 1.200 MW, giai đoạn 2 là 1.500 MW. Về điện mặt trời, ông Vũ cho biết TP.HCM phát triển nhanh về điện áp mái, với 14.100 hộ gia đình, xí nghiệp với tổng công suất 386 MW. Tuy nhiên, việc lắp điện áp mái đang gặp khó khăn do quy định của T.Ư hết hiệu lực. Do đó, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng có cơ chế đặc thù phát triển điện áp mái, góp phần tự chủ năng lượng cho các hộ gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.