TP.HCM tìm cách thu hút khách trải nghiệm du lịch y tế

29/11/2023 08:00 GMT+7

Năm 2023 được xem là cột mốc khởi sắc của sản phẩm du lịch y tế TP.HCM với nhiều hoạt động được triển khai. Tuy nhiên, để thu hút khách trải nghiệm du lịch y tế thì còn nhiều chuyện phải làm.

Nhiều lợi thế

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc cho biết, từ năm 2018, bệnh viện đã tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch y tế TP.HCM trong lĩnh vực nha khoa và y học cổ truyền, tham gia roadshow tại Campuchia, Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM… để quảng bá.

Với các sản phẩm điều trị nổi bật như: bó thuốc, cấy chỉ điều trị, tác động cột sống, giác hơi cùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, từ tháng 6.2023 đến nay, bệnh viện đã phục vụ gần 200 khách quốc tế từ các công ty du lịch lữ hành đến trải nghiệm các dịch vụ du lịch y tế. Bệnh viện cũng mở những lớp đào tạo chuyên sâu về châm cứu, xoa bóp bấm huyệt cho học viên quốc tịch Pháp, Italy.

TP.HCM tìm cách thu hút khách trải nghiệm du lịch y tế - Ảnh 1.

Y học cổ truyền là một trong những thế mạnh của du lịch y tế TP.HCM

Ảnh: Vũ Phượng

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, Thái Lan đón 3 triệu khách du lịch y tế với doanh thu 3,73 tỉ USD (năm 2012) nhờ giá dịch vụ thấp, chú trọng đào tạo chuyên sâu, thủ tục nhập cảnh đơn giản, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền…

"Các thế mạnh y tế của TP.HCM có thể ứng dụng trong du lịch gồm: nha khoa, điều trị hiếm muộn, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, khám tổng quát, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, thẩm mỹ, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và y tế chuyên sâu", bác sĩ Châu nêu.

Cần có tổng đài du lịch y tế

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, loại hình du lịch y tế tại TP.HCM phần lớn sẽ phù hợp với thị phần khách inbound hơn khách nội địa.

Tuy nhiên, khai thác loại hình này chưa thực sự hiệu quả, đa phần tập trung vào mảng dễ tiếp cận nhất là cải thiện sức khỏe tinh thần cho du khách bằng những liệu pháp vận động hay massage, nghỉ dưỡng gần thiên nhiên... còn những loại hình chuyên sâu hơn thì vẫn chưa tiếp cận được với khách hàng.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, TP đã công bố 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe; tổ chức quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan...

Phó giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, TP đang thiếu nguồn nhân lực thông thạo các ngôn ngữ về chuyên ngành y tế; công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch y tế chưa chuyên nghiệp, thường xuyên; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh là những vướng mắc của du lịch y tế TP.HCM. "Sự phát triển của sản phẩm du lịch y tế trong 5 năm tới sẽ mang tính quyết định để đưa du lịch y tế trở thành thương hiệu mang tầm khu vực của TP.HCM vào năm 2023", bà Hiếu kỳ vọng.

Còn theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, để du lịch y tế TP.HCM phát triển, ngành y tế cần xác định và phát huy thế mạnh của mình đáp ứng du lịch y tế, phát triển thêm các loại hình tầm soát bệnh bằng công nghệ cao và xây dựng và cung cấp dịch vụ có chất lượng.

"Ngành du lịch cũng cần kết nối, tư vấn khách du lịch với cơ sở có triển khai dịch vụ du lịch y tế; kết nối các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, tạo hệ sinh thái đảm bảo cung ứng dịch vụ kết hợp chăm sóc sức khỏe và du lịch. Hình thành tổng đài du lịch y tế để tiếp nhận cuộc gọi, điều phối, đáp ứng nhu cầu khách du lịch về khám sức khỏe, khám chữa bệnh…", bác sĩ Châu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.