TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

19/02/2020 08:15 GMT+7

Hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngày 18.2, tại buổi họp kinh tế, xã hội tháng 1 của UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà đánh giá, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS), đầu tư vốn cá nhân sụt giảm đã tác động đến tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 1 giảm hơn 6% so với cùng kỳ, thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đánh giá tác động của dịch bệnh đối với ngành du lịch làm cơ sở kiến nghị Chính phủ có chính sách thuế phù hợp cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu chính quyền TP nhận định, Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6.2020 là cơ hội để TP xuất khẩu hàng hóa. Do đó, đề án logistics và thương mại điện tử phải hoàn thành trong quý 1 để nắm bắt cơ hội, đồng thời các sở ngành rà lại chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của TP.
Để tránh tình trạng giải ngân không đạt kế hoạch đề ra, ông Phong chỉ đạo sở ngành phải rút kinh nghiệm việc giải ngân chậm trong 6 tháng đầu năm, đồng thời lên kế hoạch giải ngân ngay từ đầu năm. Hằng năm, TP.HCM đón nhận hơn 5 tỉ USD kiều hối, trong đó 72% dùng cho đầu tư sản xuất nên cần có định hướng đầu tư cho lượng kiều hối này.
Cuối tuần này, lãnh đạo TP.HCM sẽ gặp gỡ doanh nghiệp BĐS để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp. Đầu năm 2018, TP thành lập tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Tuy nhiên, mỗi buổi họp chỉ giải quyết được 3 - 4 dự án. Ông Phong cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ các dự án đã được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ. Văn phòng UBND TP phải sắp xếp lịch làm việc hằng tuần cho tổ công tác, nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của các dự án.
Cùng ngày, làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM trong việc giao nhiệm vụ năm 2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải làm nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, không được để “đứng hình” hết.
“Trên địa bàn TP hiện nay có nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, triển khai quá chậm; nguyên nhân là do sự phối hợp của các sở ngành chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm. Điển hình như việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh khi điều chỉnh bị chậm dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho các dự án bị chậm. Hay 20% quỹ nhà ở xã hội của các dự án có khi doanh nghiệp năn nỉ TP lấy nhưng các cơ quan của TP không trả lời dứt điểm, doanh nghiệp xin tự bán cũng không cho”, ông Hoan nêu vấn đề và giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cùng các sở ngành liên quan trong năm 2020 phải “số hóa” dữ liệu nhà, đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm, phối hợp đồng bộ với các sở ngành tổng rà soát lại quy hoạch… Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng phải tiến tới quản lý xây dựng trên cơ sở quy chế xây dựng và thiết kế đô thị, giấy phép xây dựng phải được thực hiện trên thiết kế đô thị, từ đó tránh tình trạng chạy chỉ tiêu quy hoạch, phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng trong công tác cấp phép.
Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan còn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn TP, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để TP chọn nhà hay quy đổi thành tiền, để từ nguồn tiền này phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.